Làn sóng Covid-19 đang tạo ra những tác động lớn tới hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Người Đưa Tin đã có một cuộc trò chuyện với Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans về những thay đổi trong khẩu vị của nhà đầu tư với các công ty khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại.
Nếu mô tả ngắn gọn về chiến lược đầu tư của Quỹ đầu tư Nextrans ở thời điểm hiện tại, chị sẽ nói gì?
Nextrans bắt đầu đặt chân vào Việt Nam cuối năm 2015, đầu năm 2016. Hiện tại quỹ có 22 công ty trong danh mục đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, logistics, hay mô hình phân phối ứng dụng phần mềm (SaaS).
Với Nextrans, mục tiêu đến với Việt Nam không chỉ đơn thuần là tìm kiếm các cơ hội đầu tư mặc dù đó là mục tiêu chung của hầu hết các quỹ khi đến đây. Nextrans nhìn ra rất nhiều nét tương đồng của thị trường Việt Nam so với thị trường Hàn Quốc cách đây hơn một thập kỷ. Tại thời điểm đó, Hàn Quốc chứng kiến sự tăng trưởng của rất nhiều công ty công nghệ mà nay họ đã phát triển rất lớn mạnh như Coupang, Kakao, Naver. Chính vì thế, Nextrans mong muốn đem được những hiểu biết của mình từ thị trường Hàn Quốc để có thể đồng hành với các công ty Việt Nam và giúp đỡ họ trong hành trình trở thành kỳ lân.
Nextrans tập trung đầu tư vào giai đoạn sớm (seed round). Hiện tại, chiến lược đầu tư của Nextrans chuyển sang đầu tư vào giai đoạn muộn hơn, miễn là công ty chứng minh được rằng họ có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
Sự thay đổi về khẩu vị đầu tư
Việt Nam, từ một quốc gia kiểu mẫu trong việc kiểm soát Covid-19, nay đang dồn toàn bộ sức lực chống trọi với sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới. Theo nhận định của chị, đợt dịch này ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của startup và các nhà đầu tư mạo hiểm tại đây?
Thời điểm mới bùng dịch vào cuối năm 2019, đầu 2020, mọi khẩu vị, lĩnh vực, mọi sự thay đổi lúc đó đều được nhìn thấy rõ ràng, ở cả từ phía nhà đầu tư lẫn startup. Còn ở thời điểm hiện tại, thì chúng ta cùng phải học cách sống chung với dịch, nhà đầu tư cũng vậy.
Nhà đầu tư và các startup ko cần gặp nhau trực tiếp trong quá trình làm thẩm tra doanh nghiệp (Due diligence) nữa mà toàn bộ là làm online và vẫn đạt hiệu quả. Cụ thể năm 2020 đã có rất nhiều vụ hợp tác lớn mà chắc chắn những thương vụ đó đều làm qua online.
Điều đó chứng minh được rằng, nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường Việt Nam. Và có những lý do cho sự tin tưởng đó. Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch tốt, do đó các startup có điều kiện hơn so với các startup ở các quốc gia khác trong khu vực. Đó là lý do nhà đầu tư chọn Việt Nam làm điểm đến tiềm năng cho các khoản đầu tư của họ.
Thứ hai, Tuệ Lâm thấy cũng có những sự thay đổi nhất định trong cách quan sát của nhà đầu tư. Bây giờ mức độ chấp nhận rủi ro của họ giảm xuống. Họ sẽ không đặt cược vào những ngành mà chúng ta không biết khi nào có thể hoạt động bình thường trở lại, ví dụ như ngành du lịch.
Mặc dù nói là đầu tư mạo hiểm, nhưng các thương vụ giờ đây mang tính chất chắc chắn hơn. Đợt dịch này, rất đáng tiếc nhưng có thể nói như là một cuộc sàng lọc. Những startup còn tồn tại được và còn tăng trưởng được trong dịch thì đó là những startup đã có hệ miễn dịch và nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đặt tiền vào những startup như vậy. Về mặt bản chất thì những khoản đầu tư đó đỡ rủi ro hơn. Trước kia, các nhà đầu tư có thể đặt cược đồng loạt vào 10 công ty, và chỉ 2-3 công ty sống sót thôi. Nhưng bây giờ, họ sẽ đầu tư với mức độ rủi ro thấp hơn.
Thứ ba, giai đoạn đầu dịch, thị trường không được lạc quan, có thể nguồn vốn đổ vào ít đi, số thương vụ, quy mô deal sẽ nhỏ đi hoặc các lĩnh vực sẽ bó hẹp lại. Tuy nhiên sau hơn một năm sống chung với dịch bệnh, thực tế lại chứng minh điều ngược lại, không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở các thị trường khác, những công ty về công nghệ đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh ngạc và có những ngành tăng trưởng vượt bậc.
Tôi muốn nhắc đến từ “extreme” (tột đỉnh). Chúng ta thấy rằng những ngành nào có lợi từ đại dịch thì nó tăng trưởng rất đột phá. Lấy ví dụ như công ty Moderna. Trước đó họ nghiên cứu mRNA trong một thời gian khá dài và chưa làm ra sản phẩm gì để thương mại hóa. Và khi dịch đến thì họ gần như họ là "người được chọn". Từ một công ty vô danh nhưng sau đợt dịch vừa rồi doanh thu lên vài chục tỷ USD. Từ đó, chúng ta thấy rằng đại dịch cũng mở ra rất nhiều cơ hội và nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội đó thì tăng trưởng sẽ là tột đỉnh.
"Đốt tiền" không phải là chủ trương - đó là việc buộc phải làm với một số ngành
Trước đó, Tuệ Lâm nhiều lần nói rằng bây giờ không phải là cuộc chơi “đốt tiền”, không phải tăng trưởng nóng bằng mọi giá. Và những đợt dịch liên tiếp vừa qua đã minh chứng cho việc “tăng trưởng bền vững” vẫn là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư khi đánh giá doanh nghiệp. Theo chị, dưới tác động của Covid-19, những yếu tố nào đang và sẽ thay đổi trong cách tiếp cận của nhà đầu tư khi tìm kiếm những thương vụ đầu tư ở Việt Nam?
Từ trước tới giờ, tôi luôn luôn cho rằng các nhà đầu tư nên coi trọng tăng trưởng bền vững. Tất nhiên, vẫn có những ngành mà nếu không đốt tiền thì không thể acquire (mua) được người dùng ví dụ như ví điện tử hay e-commerce (thương mại điện tử). Nhưng quan trọng là họ không có chủ trương đốt tiền, mà đó chỉ là việc mà họ cần phải làm thôi, chứ họ không có ý định làm thế trong lâu dài.
Còn với những ngành không cần "đốt" nhiều, giả sử như SaaS hay những ngành bán sản phẩm thu tiền ngay thì tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn.
Nhưng bây giờ đa phần làm trung gian, nền tảng kết nối người bán và người mua nên chính vì thế phải “đốt tiền” để tạo cung-cầu.
Theo tôi, cuộc chơi nào cũng sẽ có “pros and cons” (ưu điểm và nhược điểm). Quan trọng chúng ta hiểu rằng cuộc đua “đốt tiền” sẽ không còn phù hợp nữa, mà cần phải có bàn đạp, bệ phóng ngay từ ban đầu.
Trong bài phỏng vấn gần đây với DealStreetAsia, Tuệ Lâm đã chia sẻ rằng Nextrans đang tìm kiếm nhiều hơn các khoản đầu tư ở giai đoạn muộn hơn. Chị có thể cho biết cách đánh giá một startups ở giai đoạn sau có những yếu tố khác biệt như thế nào so với giai đoạn sớm. Đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Thực ra trong giai đoạn sớm thì rủi ro cao nhưng khoản tiền mình cược vào cũng nhỏ. Ở giai đoạn này, tiêu chí đánh giá không quá khắt khe về doanh thu, lợi nhuận vì đa phần các startup chưa có nhiều con số để nói chuyện mà quan trọng là nhìn vào tiềm năng của công ty.
Startup ở giai đoạn muộn hơn thì việc đó là bất khả dĩ. Chúng ta ko thể trông chờ được họ tăng trưởng gấp nhiều lần một năm được, vấn đề quan trọng lúc này là nhìn vào khả năng phát triển bền vững. Với nhà đầu tư, họ sẽ xem xét khả năng đi đến IPO hoặc M&A hay không, hoặc có thể trở thành một công ty đem lại lợi nhuận hàng năm hay không.
Trong đại dịch, việc ứng dụng công nghệ để giảm chi phí vận hành là điều kiện đảm bảo sống còn cho các doanh nghiệp SMEs. Chính vì thế, B2B tech startups, đặc biệt là SaaS, đang được hưởng lợi. Chị có đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của ngành này sau đại dịch. B2B nói chung sẽ diễn ra như thế nào? Thị trường sẽ chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập trong thời gian tới?
B2B (Business-to-Business) là thị trường lớn, hầu hết các công ty top đầu chủ yếu là B2B. Cho nên B2B luôn luôn là miếng bánh lớn mà sau cùng là các bên đều muốn đầu tư vào đó. Nhưng B2B là con đường khó.
Có hai cách làm B2B mà chúng ta thường thấy, một là tiếp cận trực tiếp, làm sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp luôn. Đây là cuộc chơi nhiều thử thách mà nếu mình không đủ kiên trì thì sẽ thất bại. Cách thứ hai là làm B2C (Business-2-Customer) trước sau đó có một lượng người dùng đủ lớn rồi, họ làm bàn đạp để đánh sang mảng B2B. Cách này đa phần nhiều startup sẽ đi vì nó sẽ vững hơn và không tạo quá nhiều áp lực.
Tuy vậy, trong B2B có một nghịch lý: Đối với nhà đầu tư, startup rất cần những sự ủng hộ ở giai đoạn đầu - giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chưa biết sản phẩm này có bán được hay không. Nhưng đó mới là khi họ cần tiền đầu tư. Còn đến khi họ đã sở hữu lượng người dùng đủ lớn thì họ không cần tiền của nhà đầu tư nữa. Nghĩa là, đối với nhà đầu tư thì đã cược là phải cược từ sớm, hoặc là muộn ở giai đoạn trưởng thành hơn, hoặc là đánh mất cơ hội.
B2B giống như “đại dương xanh” vậy. Đặc biệt là tập khách hàng của B2B thường không bị trùng lặp và một khi họ đã hài lòng khi sử dụng sản phẩm nào thì họ sẽ có xu hướng trung thành với sản phẩm đó.
Việt Nam hiện tại chưa có nhiều startup về B2B trong khi ở các quốc gia phát triển thì thị trường B2C của họ đã được định hình và bây giờ là cuộc chơi của B2B.
SPACs (special purpose acquisition companies- các công ty mua lại với mục đích đặc biệt), đang là xu hướng của thế giới. Ở Việt Nam, Tiki và mới đây nhất là VNG được cho là đang tìm kiếm SPAC for cho việc niêm yết ở thị trường nước ngoài. Chị có đánh giá như thế nào về xu hướng này? Nó sẽ có tác động như thế nào tới thị trường khởi nghiệp còn non trẻ của Việt Nam?
SPAC là một công ty rỗng (shell company) được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác
SPAC là xu hướng mới nổi lên trong thời gian gần đây với những công ty tiên phong ở Mỹ, tại Đông Nam Á thì có Grab, Tokopedia. Ở Việt Nam, mới đây có VNG và Tiki là doanh nghiệp được biết là đang tìm cách niêm yết ở ở Mỹ thông qua SPAC.
SPAC đang trở thành một xu hướng mà ai cũng nói tới. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ những tín hiệu của thị trường vì hình thức này vẫn mới ở thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Còn hiện tại thì vẫn quá sớm để nói về câu chuyện này ở Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho các công ty ở Việt Nam trong tương lai, khi họ đủ trưởng thành, tăng trưởng tốt, ít nhất là đã trở thành kỳ lân.
Nỗi sợ thất bại
Động lực nào khiến Tuệ Lâm lựa chọn gắn bó với ngành đầu tư mạo hiểm khi mà có rất nhiều lựa chọn tốt hơn?
Mảng đầu tư mạo hiểm là một trong những lĩnh vực sẽ phải đối diện với thất bại nhiều nhất trong tất cả các ngành. 10 công ty thì có 7-8 công ty "chết" là điều bình thường. Cá nhân Lâm là người hơi sợ thất bại. Vì Lâm luôn nỗ lực hết mình, làm cho thật tốt để không bị thất bại. Tôi hiểu rằng nỗi sợ đó vô tình tạo cho tôi điểm yếu.
Khi đến với đầu tư mạo hiểm, một trong những cái tôi biết là mình làm trong ngành này sẽ phải đối diện với thất bại thường xuyên. Và khi lựa chọn con đường này, nó đã giúp tôi rất nhiều, không chỉ trong công việc mà còn các lĩnh vực khác trong cuộc sống, khi đã quen dần với thất bại và vấp ngã.
Tất nhiên không ai muốn thất bại đến với mình. Nhưng bản chất của ngành đầu tư mạo hiểm là như vậy. Và tôi vẫn tin rằng nếu mình thực sự tập trung và cố gắng thì những thất bại ban đầu sẽ là tiền đề cho thành công phía sau.
Mới đây, chị được Forbes vinh danh trong danh sách 30 Under 30 Asia năm 2021 ở lĩnh vực tài chính và điều này đã truyền động lực cho rất nhiều bạn trẻ. Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ ở thế hệ Gen X Gen Z, chị sẽ khuyên họ những gì?
Trong đầu tư mạo hiểm, chúng ta sẽ không nói là khó hay không khó. Chúng ta chỉ nói có đủ đam mê với nó hay không, đó có phải là thứ chúng ta muốn làm 10-20 năm sau này. Thực ra, với đầu tư mạo hiểm, điều chúng ta cần là hiểu rõ bản chất của ngành - sẵn sàng đối diện với thất bại và sẵn sàng tiếp cận với những điều mới mẻ. Sau khi mình trả lời là CÓ rồi thì những bước tiếp sau sẽ rất dễ dàng.
Làm đầu tư, về mặt cơ bản thì không quá phức tạp, kiến thức thì chúng ta có thể học được và kĩ năng thì mình cứ làm rồi trau dồi dần. Quan trọng là chúng ta phải “lì”. Thất bại nhưng vẫn phải lì để mình tìm ra cho tới khi nào tìm được deal thành công thì thôi.
Và thực ra, danh hiệu thì có hay không thì Lâm vẫn như vậy. Vẫn là chính mình và cố gắng làm tốt nhất có thể trong mọi hoàn cảnh.
Triết lý sống của Tuệ Lâm là gì?
Lâm nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ và chưa đủ kinh nghiệm để có thể đúc kết cho mình được triết lý sống. Và cũng khó để mọi người có thể nghe một cô bé hai mấy tuổi nói về triết lý sống. Có chăng là mục tiêu sống. Với Lâm, đơn giản là làm càng được nhiều việc mang lại nhiều giá trị thì càng tốt.
“Tạo ra được nhiều good impact (tác động tốt) nhất có thể,” là mục tiêu sống của Lâm. Hiện tại, Lâm đang cố gắng hết sức để có thể đạt được mục tiêu đó.
Quỳnh Thư (thực hiện)