Ối trời ơi, dễ thương là vàng bạc châu báu gì thế? Sao nó lại đáng giá kinh khủng vậy kìa? Nhưng theo Lê Hoàng, chả biết có cực đoan lắm không, dễ thương đôi lúc chả có giá trị một xu. Thậm chí nửa xu cũng không nốt.
Tình yêu là một thứ khó giải thích, nếu không nói là khó giải thích nhất trên đời. Nhưng cũng chẳng vì thế mà vượt lên cả không gian, thời gian, vượt lên trên lý trí.
Nếu chúng ta đi hỏi những người vĩ nhân, những vợ chồng tử tế lý do để họ gắn bó, họ thường trả lời được rành rọt và sâu sắc, rõ ràng. Trong khi đó, nếu mang câu hỏi “Tại sao yêu?” đi chất vấn những cô gái ngây thơ, cả tin pha ngốc nghếch, dại khờ thì họ luôn luôn không trả lời cho chính xác được. Và câu các thiếu nữ ấy hay dùng nhất là “anh ấy dễ thương”.
Vì sao thế?
Vì thứ nhất, dễ thương là thứ đàn ông sinh ra nhiều người đã có sẵn, chả cần tu luyện, chả cần phải giáo dục, phấn đấu gì. Con người vốn không phải cọp beo, không thích săn bắt các con vật nhỏ hơn để ăn thịt. Cũng không phải cáo hay chó sói để bắt trộm gà, không phải gấu để trèo lên phá tổ ong và không phải chim sâu để xơi tái con sâu, con người chỉ uống sữa và ăn mỳ gói là chính, cho nên tính hiền lành, nhỏ nhẹ đã mang sẵn trong tim.
Đấy là mới nói đến tinh thần, còn về thể chất, con người nói chung và trai tráng nói riêng, sau khi được sinh ra đều không có móng vuốt như cọp, không có răng nanh như lợn lòi, không có nọc như rắn hổ mang và không có càng như ma, thế thì dễ thương cũng là điều bắt buộc.
Thứ hai, đây đang là thế kỷ 21. Khác với những năm trước Công nguyên, trai tráng phải cầm giáo mác đánh nhau để bảo vệ xóm làng hoặc chinh phục các vùng đất mới nên ông nào cũng cần cơ bắp cuồn cuộn, mặt mũi nhàu nát để cho kẻ thù khiếp đảm. Còn hôm nay toàn bộ trai tráng hầu như ngồi trong văn phòng máy lạnh ở công ty, da dẻ trắng trẻo, đầu tóc thơm phức, quần áo chỉnh tề, không còn mang giáp trụ hay gươm đao, dễ thương quá đi chứ lại.
Về quan hệ xã hội, thử nghĩ mà xem, hôm nay ở nhà có luật hôn nhân gia đình, ra phố có luật giao thông, đến công ty có luật lao động, ăn uống có luật vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu bếp có luật phòng cháy chữa cháy thì mua bán nhà có luật đất đai, nhỡ có đánh ai có luật hình sự, thử hỏi không dễ thương mà sống được ư? Thi hành cho đầy đủ các luật thì người nó nhũn ra chứ còn cứng đầu cứng cổ được à.
Cuối cùng đến vị trí xã hội, dù đất nước có phát triển tới đâu thì đa số đàn ông cũng không phải giám đốc, không phải chủ tịch tập đoàn, càng không phải chủ tiệm vàng hay giám đốc nhà băng, thậm chí trưởng, phó phòng cũng không phải nốt, chỉ là nhân viên quèn hay công chức bình thường. Thế thì chỉ có dễ thương, gặp ai cũng chào, gặp ai cũng thưa mới tồn tại nổi, mấy khi được ra oai quát tháo và vung tay vung chân đánh đập.
Nói tóm lại, dễ thương là một phẩm chất ngầm như có sẵn, không phải mệt nhọc gì, thậm chí muốn tồn tại trên đời, đàn ông gần như bắt buộc phải có. Thế thì hà cớ gì các cô gái phải đề cao. Khen đàn ông dễ thương chả khác gì khen chim công có cái đuôi dài.
Xin phát biểu một cách thẳng thắn, theo Lê Hoàng, đàn ông có dễ thương cũng gần như chưa có gì cả. Cũng vì biết vậy nên bọn dễ thương rất khôn khéo, biết tận dụng tối đa vũ khí của mình bởi đó là vũ khí duy nhất.
Trai dễ thương có khả năng kiên nhẫn một cách vô hạn, chịu đựng một cách vô hạn. Các anh sẵn sàng đứng chờ nàng hàng tiếng đồng hồ dưới mưa, dưới nắng và nếu vừa mưa vừa nắng cũng chờ luôn. Các anh không bao giờ nổi nóng, không bao giờ bực mình, nhanh nhẩu làm tất cả những gì cô gái sai và không sai.
Không đưa ra tiền bạc, không đưa ra quà tặng, không dẫn đi ăn tiệm và đi mua sắm, trai dễ thương chỉ có tấm lòng bao la nhưng không ai kiểm chứng được và sự nhanh nhẩu của việc vặt hàng ngày.
Chiến thuật của các anh này thật ra cũ mèm, không có gì bí mật, được dùng đi dùng lại hàng thế kỷ, tuy vậy, vẫn có hiệu quả bất ngờ. Đó là “mưa lâu thấm đất” và “đẹp trai không bằng chai mặt”. Cứ lăn xả vào, cứ xông bừa tới bất kể thân mình, rồi lâu ngày cũng được.
Nhạt nhẽo, bất tài, không có tương lai là phẩm chất rất hay gặp ở trai dễ thương. Nhưng các cô gái ngây thơ nhẹ dạ luôn luôn không thấy thế, bởi vì lúc ấy họ có biết hôn nhân cần đến thứ gì đâu. Họ đâu hiểu vợ chồng sống với nhau cần phải có sự nghiệp, cần tiền bạc để mua xe, mua nhà, cần địa vị xã hội, cần tài năng để con cái tự hào và noi theo.
Lê Hoàng chán nhất và buồn nhất khi đi dự những cái đám cưới được nghe quan khách thì thầm “chú rể bình thường thôi, nhưng được cái rất hiền lành, dễ thương”. Nghe chỉ muốn phá ra cười, dễ thương có mài ra để ăn được? Nếu cần hiền lành thì cưới con gà mái làm chồng cho xong!
Cho nên hỡi các cô gái, dễ thương là một điều kiện tốt nhưng hoàn toàn không đủ. Các cô phải yêu và phải cưới những trai có cá tính, có nghị lực và quan trọng nhất cần có sự nghiệp và lại yêu mình.
Đừng xiêu lòng với những ai ngoài khả năng đeo bám ra, chả còn gì nữa!
Đạo diễn Lê Hoàng
Theo Tuổi trẻ thủ đô