Từ lâu người ta đã quen thuộc với bút danh Lê Thị Liên Hoan vẫn thường xuất hiện rất đều đặn trên một số tờ báo và tạp chí sở hữu lượng độc giả đông đúc nhất bấy giờ. Người ta quen với một Lê Thị Liên Hoan kiên trì viết thể loại phỏng vấn "ảo" hàng mấy năm nay. Hết "Phỏng vấn một con chim" (có khi là con giun, con dế, ...) lại sang "Phỏng vấn một nhà văn", rồi mới đây nhất là "Phỏng vấn một bà phù thủy" ... , để chuyển tải những thông điệp về các vấn đề thời sự như giao thông, giáo dục. Tất nhiên, người hỏi và người trả lời, chỉ là một.
Mở máy tính chưa rành nhưng không có thông tin nào người khác biết mà Lê Hoàng không biết
Có thời, người ta tưởng Lê Thị Liên Hoan đích thị là một nhà văn nữ. Độc giả thấy bút danh Lê Thị Liên Hoan trên tờ báo đang cầm thì phấn khích lắm, bởi giọng văn "chua lét", hóm hỉnh, cấu trúc của bài viết và cách vận dụng ngôn từ luôn tạo cho độc giả sự bất ngờ, thú vị. Mà hơn nữa, lại toàn "gãi đúng chỗ ngứa" của xã hội. Thế rồi, người ta phát hiện ra Lê Thị Liên Hoan chính là một Lê Hoàng vẫn thường mang tiếng là đanh đá, lúc ấy lại không ít người gật gù: "Thảo nào!".
Và nhiều người tò mò cái bút danh Lê Thị Liên Hoan ấy ở đâu mà ra, sao không lấy luôn Lê Hoàng, bởi chính cái tên Lê Hoàng đã đủ nói lên nhiều điều, hay vì bút danh Lê Thị Liên Hoan nghe có vẻ hơi hơi châm chích... Người ta thắc mắc nhiều lắm, hỏi Lê Hoàng, anh cười phơ lớ: "Có gì đâu, là tên vợ tôi thôi mà. Tên thật của vợ tôi, 100%. Tôi yêu vợ nên yêu luôn cái tên của cô ấy. Là như thế, không sai lệch một chút nào".
Chính cách viết báo và gởi bài của Lê Hoàng cũng có phần "cổ quái". Thời đại công nghệ thông tin, phóng viên, nhà báo bây giờ toàn gõ bài bằng máy vi tính và gởi mail, vừa tiện cho người viết lại tiện cho tòa soạn biên tập và sử dụng tin bài. Thế nhưng, Lê Hoàng thì chỉ viết bằng tay. Chữ Lê Hoàng lại to đùng, rất hao giấy mực. Chính anh đã từng thừa nhận, mỗi trang giấy A4, Lê Hoàng viết cùng lắm chỉ chứa được 50 – 60 từ là cùng. Góc viết lách yêu thích của Lê Hoàng là cái bàn... ăn ở dưới bếp. Vì Lê Hoàng bảo rằng: "Nó mát lắm". Và trên chiếc bàn ăn ấy, cũng có chồng giấy trắng tinh, bút mực xếp gọn gàng sẵn sàng chờ Lê Hoàng rảnh tay làm phim là lao vào viết báo.
"Quái" như vậy mà bài viết của Lê Hoàng cứ thế lên đều, nhuận bút vẫn được trả rất cao. Cũng bởi cái chất "điêu điêu" mà thông minh, duyên dáng trong ngôn từ của Lê Hoàng khó có ai thay thế được, mà còn bởi cái tên Lê Hoàng hay bút danh Lê Thị Liên Hoan từ lâu đã trở thành một giá trị rất riêng trong lòng độc giả. Lê Hoàng thường cặp nách một đống báo giấy số ra mới nhất của tất cả các thể loại, từ báo Đảng đến báo thị trường. Thế nên, mới có một Lê Hoàng mở vi tính cũng chưa rành, nhắn tin điện thoại cũng chưa quen nhưng không có thông tin nào người khác biết mà Lê Hoàng không biết.
Lê Hoàng hay Lê Thị Liên Hoan bỏ công sức ra để viết không đơn giản là để cầu một chút tiếng tăm trong giới văn nghệ, vì trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí có lẽ tên tuổi của Lê Hoàng đủ sức khơi gợi lên những giá trị đã được gọi tên. Lê Hoàng cũng không phải vì tiền mới theo nghề viết lách, vì những người cũng viết lách như tôi có thể làm chứng về độ còm cõi của đồng lương, mà nếu có đồng nghiệp tài giỏi hơn thì thật sự cái nghề cũng khá bạc.
Vậy Lê Hoàng cứ mãi miết vận vào người cái bút danh "Lê Thị Liên Hoan" ấy để làm gì. Đơn giản thôi vì anh là một người trí thức có văn chương. Mà trí thức có văn chương thường coi viết lách là sự sống. Sống chứ không phải tồn tại, nên viết để không thấy mình cô đơn, lạc lõng giữa xã hội quá nhiều bề bộn, viết để đóng góp, để xây dựng hay cá nhân hơn là chỉ để thể hiện chính kiến của riêng mình.
“Mở màn” cho phim thị trường Lê Hoàng sinh năm 1956 tại Hà Nội, từng học tại ĐH Xây dựng Hà Nội, rồi chuyển sang trường Sân khấu điện ảnh ngành Quay phim Điện ảnh và tốt nghiệp năm 1982. Sau đó, Lê Hoàng di cư vào TP.HCM và làm việc tại Hãng phim Giải Phóng. Lê Hoàng được biết đến từ khoảng thập niên 90 trong vai trò đạo diễn của những bộ phim mang tính nghệ thuật nghiêm túc như Lưỡi dao hay Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng... đạt nhiều giả thưởng trong và ngoài nước. Nhưng Lê Hoàng chỉ trở nên thật sự nổi tiếng với Gái nhảy - một bộ phim giải trí thuần túy. Gái nhảy ra rạp, thu về hơn chục tỷ đồng đã mở màn cho phong trào làm phim điện ảnh hướng tới khán giả và doanh thu, không trông chờ vào kinh phí nhà nước. Lê Hoàng còn tham gia viết bài cho một số báo như Tuổi trẻ Cười, Thể thao & Văn hóa, An ninh thế giới... Các bài viết của ông thường ký bút danh theo tên vợ là Lê Thị Liên Hoan và theo phong cách phỏng vấn giả tưởng, trào phúng, châm biếm, được rất nhiều độc giả mến mộ. |
Thiên Vân