Trải qua 10 ngày lênh đênh trên biển, các gốc hoa anh đào đã cập cảng Việt Nam và được đưa về Hà Nội. Do thời gian vận chuyển lâu nên các cây hoa bị nhiễm mặn. Về đến Việt Nam hoa bị héo hết. Vì thế, khi đưa về công viên Thống Nhất, chúng được chăm sóc đặc biệt. Các công nhân phải bọc các bầu rễ và tưới nước để cho cây được uống nước kịp thời. Bình thường sẽ không bọc như này vì rễ cây sẽ bị úng nước và thối.
“Khi bên Nhật chuyển về, các cây hoa anh đào này toàn nụ, rất cứng. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển qua biển rất nóng, cây bị nhiễm mặn nên nở rất nhanh. Đồng thời, cây thiếu nước nên bị héo. Số nụ còn lại không nở được”, đại diện ban tổ chức cho hay.
Đại diện ban tổ chức chia sẻ thêm, các gốc anh đào này được vận chuyển về công viên Thống Nhất từ ngày 3/3. Trung bình 1 ngày để chăm sóc những gốc anh đào phải có tầm 16 công nhân, vừa cẩu, vừa đỡ, vừa bó, quấn nilon, vừa tưới cây. Các khâu bảo vệ cũng phải 2-3 người để trông đêm.
Do toàn cây to nên các cây đều được vận chuyển bằng đường biển. Hiện tại, khoảng 150 cây đã về đến Hà Nội, còn khoảng 2000 cành hoa anh đào sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không từ ngày mồng 7 đến mồng 9 để kịp chuẩn bị cho lễ hội hoa anh đào diễn ra từ ngày 10/3.
“Mỗi cành hoa anh đào chỉ để được 1 tuần. Để tránh tình trạng khi đến lễ hội hoa sẽ rụng hết nên đến sát ngày các cành hoa này mới vận chuyển về Việt Nam”.
Được biết, hoa anh đào chuyển về Hà Nội có 2 loại là màu hồng và trắng hồng. Theo tiết lộ của ban tổ chức, kinh phí cho hoa anh đào ở Hà Nội ước tính khoảng 30 triệu đồng/cây. Riêng giá của cành anh đào thì chưa có số liệu chính xác, bởi số lượng cành quá lớn, giá cả phụ thuộc vào màu hoa xem chúng màu trắng hay hồng…
Theo tìm hiểu, sau khi lễ hội kết thúc, các cây này sẽ được phân bổ về một số nơi như công viên Hòa Bình, công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, việc trồng chúng ở đâu vẫn đang chờ quy định của Thành phố. Riêng cành anh đào sau khi trưng bày trong lễ hội, hoa tàn sẽ bỏ đi.
Mộc Miên - Như Quỳnh.