Theo thông lệ hàng năm, cứ vào 14 tháng giêng, tại làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng tổ chức Lễ hội Minh thề nhắm hô vang lời thề trung thực, minh bạch của quan và dân.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thành phần tham dự lễ hội đều không được “như ý” bởi những người cần phải thề, phải hứa lại… từ chối cơ hội chứng minh sự “trong sạch” của mình.
Những luận điệu rất thuyết phục như: “sống và làm việc phải chịu sự điều chỉnh của Đảng, Hiến pháp và pháp luật”, không mê tín, không phục trước những thế lực “vô hình” của nhiều vị “quan” thời hiện đại đã khiến tôi phải bồi hồi cảm động, nhờ “phím lực” để gửi vài lời cảm ơn sâu sắc đến những vị lãnh đạo các cấp đã “không thề với thần linh”.
Đầu tiên, so với nhiều cán bộ ở Bộ nào đó, họ duy tâm, sùng bái tâm linh đến mức phải lễ vào giờ hành chính (có lẽ vì sợ Phật, thánh nghỉ cuối tuần) khiến người dân bức xúc. Thì những vị “quan” có tư duy duy vật biện chứng, không tin và chấp vào bất cứ thế lực vô hình nào lại là một điểm sáng, điểm cộng trong mắt người dân.
Vậy, ở lời cảm ơn thứ nhất, tôi cảm ơn các vị đã sáng suốt làm việc, lựa chọn “thế lực” đúng đắn để mình phục tùng, là nhân dân.
Tiếp theo, nếu ngày xưa, thề nguyền (nguyện) thường sánh cặp với nhau, người ta thường gắn những giá trị thiêng liêng, quý giá hay những sự việc, hình phạt ghê gớm để “bảo lãnh” cho lời thề của mình (đã được dân gian ghi lại bằng nhiều câu thành ngữ khá “độc” như: “Thề sống thề chết, Thề có quỷ thần hai vai chứng giám…”). Thì thời nay, “thề” lại hay bắt cặp với “cá trê”.
Người ta đã biến một lời nói có sức nặng, bao hàm tất cả sự uy tín của người nói, hi vọng, tin tưởng của người nghe để trở thành lời của bài hát thị trường ra đời cách đây hơn 10 năm mà những bạn trẻ thế hệ cuối 8x, đầu 9x không ai không biết: “Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều”. Lời thề hứa bỗng dưng trở thành một trò đùa, trò cợt nhả của của truyền thông.
Đương nhiên, với cương vị là một người theo nghiệp chữ nghĩa, tôi xin cảm ơn các vị đã cố gắng không phá hỏng những chuẩn mực ngữ nghĩa của tiếng Việt bằng việc nhất định không thề, không hứa trong lễ hội.
Không những thế, tùy mức độ nghiêm trọng của sự việc và sự nghiêm túc của lời hứa, nếu hứa mà thất hứa hay thề kiểu “cá trê chui ống” thì hành vi hứa, thề đó biến dạng thành hành vi lừa gạt. Còn người phát nguyện câu hứa đương nhiên trở thành kẻ lừa đảo, lừa đảo niềm tin của người nghe.
Mà “quan lớn” thì có bao giờ ngang hàng với đẳng cấp lừa đảo. Nên việc không hứa, không thề trong hội Minh thề cũng là điều mà nhiều vị “quan” nên và phải làm để giữ thanh danh cho bản thân nói riêng và cho đẳng cấp của mình nói chung. Bởi “những người không bao giờ sai là những người không bao giờ làm” và “những kẻ không bao giờ thất hứa là những kẻ không bao giờ hứa”.
Mà có lẽ với các Thánh tại hội Minh thề, thì việc quan lớn không thề lại là điềm may. Bởi nhỡ nhiều người thề quá, có khi Thánh lại mệt lử vì đi “vật” mãi chẳng xuể rồi trước sau gì cũng bị đuổi việc bởi “không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Vậy nên, với sự việc này, chúng ta chẳng cần phải đao to búa lớn để lên án làm gì, hãy đeo cặp kính màu hồng vào và thở phào một câu: “May mà quan lớn không thề!”
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả