Tục rước thần kì lạ
Hội này bắt nguồn từ tục cúng ông Đùng - bà Đà của người dân địa phương. Theo thần tích, hai ông bà là người thời Ngô Quyền, là hai chị em ruột. Bà Đà là chị, ông Đùng là em. Hai chị em đã lớn tuổi mà không có ai lấy, em chưa vợ, chị chưa chồng. Một hôm, hai người nảy ra ý định đi vòng qua quả núi gần nhà, gặp ai thì lấy người đó. Sau cùng, hai chị em lại gặp nhau chứ không gặp ai khác. Cho là số trời nên hai người quyết định lấy nhau.
Nhưng khi nhập phòng the, bà Đà cảm thấy tội lỗi nên trốn sang ngôi đền bên cạnh nhà. Ông Đùng phải đi đón về. Ngày hôm sau, bà lại đi trốn tiếp và ông lại phải đi đón. Cứ như vậy, đến lần thứ ba, khi ông Đùng đón bà trở về nhà thì gặp một con hổ dữ ra chặn đường. Ông Đùng vốn là một lực sĩ, ra đánh đuổi con hổ nhưng không được. Mẹ con một bà lão nghèo (sau này dân gọi là hai mẹ con nhà Khó) đang câu ếch ở đấy bèn ra giúp sức và đánh đuổi được con hổ. Lần này về nhà, bà Đà không trốn đi nữa.
Trước cổng tam quan của phủ thờ bà chúa Muối ở xã Thụy Hải (Thái Bình)
Hai người lấy nhau được mấy ngày thì tin đồn lan tới kinh kỳ và đến tai vua. Vua xuống chiếu bắt tội hai người phạm tội loạn luân và bị đao phủ hành hình vào lúc nửa đêm. Sau đó, xác ông bà được vứt xuống một cái ao gần đấy. Hai ông bà rất linh thiêng nên người dân lập đền thờ phụng và hàng năm mở hội để diễn lại sự tích của ông bà ngày xưa.
Vào ngày hội, dân làng làm hai hình nhân bằng nan tre thật to, phết giấy tô mặt, dán quần áo. Ông Đùng râu ba chòm, còn bà Đà má bầu bĩnh, mặt phinh phính. Hai hình nhân này được dẫn đi các ngả, sau đó lại dẫn đi vòng quanh làng nhằm nhắc lại sự tích ông bà đi vòng quanh trái núi tìm người kết duyên. Sau cùng, hai hình nhân cũng gặp được nhau. Lúc gặp nhau, những người khênh hình nhân cố gắng sao cho những tay nan vùng vẫy tỏ sự vui mừng. Sau đó, người ta cho hai hình nhân đó sáp lại gần nhau, đụng chạm nhau, ôm nhau với điệu bộ hoan lạc của cuộc ân ái. Lúc ấy, trống đánh dồn dập, mọi người hò reo ầm ĩ. Sau tiếp, hình nhân được tách rời nhau và được rước về làng. Trong đám rước có người đóng vai lực sĩ, cọp và mẹ con nhà câu ếch.
Trong lễ hội còn diễn ra nghi thức xử tội ông bà. Cuộc xử tội kín do ban tổ chức thi hành, dân làng không được đi xem và không dám đi xem. Nửa đêm, những người xử tội mặc áo dấu, bôi mặt đen đứng xung quanh hình nhân. Ông tiên chỉ đọc bản cáo trạng trước hai hình nhân, nhắc lại tội loạn luân và chiếu chỉ vua ban. Sau đó, cuộc hành hình bắt đầu. Người ta cắt đầu hình nhân, sau đó vứt xác xuống ao đầu làng và lễ hội kết thúc.
Dưới quan điểm của đạo đức phong kiến, những lễ hội này không được chấp nhận và bị coi là những "tà thần", "dâm thần". Người dân bị cấm thờ phụng hoặc ít nhất là phải biến đổi nội dung sao cho phù hợp với quan niệm của Nho giáo. Người ta không công khai nói đến ông Đùng - bà Đà với sự "loạn luân" nữa, mà chuyển hoá thành Thiên Tiên và Địa Tiên (trong lễ hội ở Hưng Yên), hoặc bị chìm xuống dưới sự tích về bà chúa Muối (ở Thái Bình). Do vậy, ý nghĩa thực của lễ hội bị chìm lấp dưới những thần tích về những nhân vật lịch sử. Dần dần, những ý nghĩa ban đầu bị mất đi, những dấu tích chỉ rơi rớt lại qua một số chi tiết trong lễ hội (như tục bắt hổ trong lễ hội ở Hưng Yên, hay tục rước Đùng trong lễ hội ở Thái Bình).
Hiện nay, lễ hội ông Đùng - bà Đà được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm (ở Thái Bình tổ chức vào ngày 14 tháng 4, ở Hưng Yên tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng 4) với rất nhiều trò vui. Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã gần như quên hẳn ý nghĩa ban đầu của lễ hội. Khi được hỏi, hầu hết mọi người đều rất ngạc nhiên và lắc đầu không biết.
Bà Nguyễn Thị Chèng - người trông coi phủ thờ bà chúa Muối
Những truyền thuyết mới được xây dựng
Tại làng An Xá hiện nay lưu truyền sự tích về Thiên Tiên và Địa Tiên (vẫn mang tính biểu trưng cho âm - dương, đực - cái). Theo thần tích, vào những năm trước Công nguyên, Thiên Tiên, Địa Tiên mở cổng trời xuống hướng dẫn nhân dân làm ăn, sinh sống. Hai Ngài dạy dân khai hoang, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước. Ngoài ra còn có Ngũ lão Tiên ông huy động dân làng khai hoang, diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán thờ để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hiện nay, hai Ngài được thờ tại đền Đậu An.
Trong lễ hội làng, ngoài những trò vui, người dân còn diễn lại sự tích đánh hổ. Có lẽ, đây là "mảnh vỡ" còn sót lại của lễ hội ông Đùng - bà Đà ngày xưa. Theo quan niệm của người dân, các lực sỹ và mẹ con nhà Khó phải đuổi được hổ ra khỏi làng thì dân làng mới được mùa, ăn nên làm ra. Trong khi đuổi hổ, các thanh niên làng khác phải chặn không cho hổ chạy sang làng mình để phá phách. Quá trình đánh đuổi hổ và chặn hổ như vậy diễn ra rất vui. Trong trò đánh hổ, người ta dùng lá cây si để trang trí cho con hổ chúa. Cho nên, người xem cố gắng giành giật cành si, lá si để cầu may mắn và hạnh phúc.
Trong khi đó, ở xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thì có lễ hội ở phủ bà chúa Muối. Hàng năm, trong lễ hội, người dân cũng tổ chức rước Đùng và múa Đùng. Lễ rước này được diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 4 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, nó chỉ là một phần trong lễ hội bà chúa Muối mà thôi.
Bà chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (1280) tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối. Từ thuở nhỏ, bà rất mực thông minh, xinh đẹp, tính hạnh đoan trang, học rộng, biết nhiều. Bà hay ra đồng giúp bố mẹ nhưng hễ bà ra ruộng thì mây đen kéo đến khiến cho mọi người kêu ca vì không có lợi. Bà phải mang muối đi bán ở nơi xa. Do cơ duyên mà bà gặp được vua Trần Anh Tông, được vua yêu mến và lập làm phi. Nhưng do bị ghen ghét nên bà giả ốm, xin vua về quê thăm cha mẹ. Về nhà không lâu, bà lâm trọng bệnh và mất. Hàng năm, dân tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày bà mất, trong đó có lễ hội rước Đùng.
Bà Nguyễn Thị Chèng, người phụ trách đèn nhang của phủ bà Chúa muối cho biết: "Lễ hội rước Đùng và múa Đùng được chuẩn bị rất công phu. Người dân lấy nia vẽ mặt ông Đùng - bà Đà, rồi làm thân ông bà bằng những rọ tre đan sơ sài theo kiểu mắt cáo, thân hình cao từ 1,2 đến 1,5m. Ngoài ra, còn có một số hình nộm trẻ con, có trai có gái, tượng trưng cho con cái của ông Đùng - bà Đà. Trên tai của bà Đùng và con gái được đeo hoa mò màu đỏ, dân làng vẫn gọi là hoa ông Đùng".
Bà Chèng còn cho biết thêm, từ sáng sớm ngày 14/4, hình nộm ông Đùng - bà Đà được mang vào đền thờ bà Chúa Muối để tiến hành các nghi lễ dâng hương. Sau đó, buổi rước được bắt đầu. Đoàn rước sẽ đi vòng quanh làng, kéo dài mấy cây số. Tại tất cả đầu ngõ, người dân đều bày lễ để cúng vọng cầu Chúa phù hộ một năm làm ăn may mắn. Đến tối, lễ rước Đùng và phá Đùng sẽ diễn ra. Khi múa, các hình nộm lúc thì nghiêng ngả, hết quay sang phải rồi lại quay sang trái, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình cảm với nhau. Người điều khiển phải phối hợp sao cho hai hình nộm có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau để diễn tả lúc hai người đang ân ái. Sau đó, đoàn múa rời sân đền đi một vòng quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh bố mẹ. Khi đoàn rước Đùng quay trở lại sân đền cũng là lúc phá Đùng. Dân làng vội vã xô nhau vào để lấy một nan tre trên thân hình nộm ông bà. Họ quan niệm rằng, lấy được một nan tre thì cả năm sẽ được may mắn.
Tục rước Đùng là trò diễn làm vui lòng bà chúa Muối khi xưa Bà Nguyễn Thị Chèng cho biết: "Tục rước Đùng là mô phỏng lại trò chơi dân gian xưa. Tục truyền rằng, khi bà đương nằm bệnh, chợt có lũ trẻ con đội cái nón hình nộm bù nhìn ra chơi đùa với nhau, bà nhìn thấy cười lên mà thoát trần vào ngày 14 tháng 4. Lễ hội ông Đùng - bà Đà ra đời từ một trò chơi dân gian để tưởng nhớ bà Chúa Muối là vậy!". |
Phạm Thiệu - Nguyễn Cường