Chẳng có con đường nào trải bước trên hoa hồng
Lắng nghe những chia sẻ, những trăn trở chuyện nghề của Lê Khanh, người ta mới thấy cái tâm của người nghệ sĩ dành trọn cho nghề thật lớn, ấy thế mà vẫn lấp lánh một Lê Khanh rất thật, rất đời thường, rất chân thành, dễ gần và mặn mà nữa. Trong câu chuyện của chị chứa đựng những ám ảnh sân khấu, nơi mà với chị cả trăm cuộc đời khác nhau đã sống và đi vào lòng người. Mỗi nhân vật là một mảng đời, mảng màu khác nhau tạo thành ấn tượng Lê Khanh đầy màu sắc.
Lê Khanh cho biết, nghệ sĩ đóng một nhân vật, tối đến, tấm màn nhung mở ra, đèn bật lên, nhân vật ấy bắt đầu sống, cuối buổi đóng màn vào, đèn tắt, khán giả lục tục ra về, họ lại trở lại số 0. Ngày mai họ lại làm lại từ đầu, không một đêm nào sáng tạo giống như đêm nào. Mỗi đêm diễn là những sự sáng tạo mới, cảm xúc mới, đồng cảm với những lớp khán giả mới. Còn nhớ ngày xưa từng có vở diễn sống được tới 400 buổi, nghĩa là họ có 400 bản sáng tạo khác nhau. Sau vai diễn đó họ lại sang một vai diễn mới, xây dựng hình tượng lại từ đầu. Trên sân khấu, người phụ nữ có thể đóng dạng vai thứ chính, đào thương, ở hiền gặp lành.
Khi đã chinh phục được khán giả ở dòng vai đó họ lại tìm tòi thể nghiệm sang dòng vai phản diện, đóng những vai ghê gớm để cảnh báo mọi người về nhân cách sống hoặc tính cách không đẹp để hướng người ta tới cái đẹp. Rồi người ta lại ao ước đến thể loại, hôm nay làm được chính kịch, hôm sau muốn làm bi kịch, rồi hôm sau nữa làm hài kịch thì tốt, nấc thang của nghệ thuật là vô cùng vô tận và không bao giờ là đủ.
Không ai dám nghĩ rằng mình đã sáng tạo ra một vai diễn mà ở đó đã là tuyệt đỉnh, họ luôn luôn thấy tiếc, sau mỗi lần sáng tạo lại muốn bổ sung thêm. Chỉ có ai không hiểu sâu sắc về môi trường nghệ thuật mới nghĩ rằng họ bằng lòng với những gì mình làm được. Làm nghệ thuật truân chuyên lắm, nhưng thú vị vô cùng. Bởi vì người nghệ sĩ không sáng tạo đơn độc, mà họ có người đồng sáng tạo là khán giả, rồi khán giả đồng cảm với mình thì bao nhiêu khao khát lại được lấp đầy vào buổi diễn tiếp theo bấy nhiêu.
Chẳng có con đường nào trải bước trên hoa hồng, cũng chẳng có thành công nào chạy một mạch là tới. Để có được một vai diễn hay trên sân khấu đã chật vật, ngần ấy vai diễn trong từng ấy năm là cả một chặng đường dài với bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt. Không phải chỉ đóng vai lớn Lê Khanh mới đầu tư, mà ngay cả những vai ngang qua sân khấu mà người ta vẫn thường đùa vui là chỉ cần hóa trang nửa mặt, vai phụ không tên không tuổi, Lê Khanh cũng đầu tư.
Theo Lê Khanh, sự ám ảnh nhiều và thường xuyên như chuyện tất nhiên của những người làm nghề. Đặc biệt là những vai diễn lớn như vai người thật việc thật trong lịch sử, nhân vật đã để lại những ảnh hưởng cho lịch sử và xã hội, mang những tư tưởng lớn, khát vọng lớn vượt ra ngoài sự tầm thường, mà cùng với quan điểm nghệ sĩ của mình khắc họa được gần nhất có thể, thì sự ám ảnh nó càng dài lâu. Còn vai diễn nào cũng cần sự ám ảnh nhất định, vì họ phải nghiên cứu, nhập tâm, để hòa trộn quan điểm và tích lũy trong xã hội. Vai nhỏ thì sự tích lũy gọn ghẽ hơn, vai lớn thì cần sâu hơn, mục đích tối cao của nghệ sĩ là phải khắc họa nên một hình tượng nhân vật điển hình của tính cách, của tư tưởng với nhân sinh quan của mình.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh
Nghệ thuật là sự sống của chính mình
Lê Khanh quan niệm khi người nghệ sĩ làm nghề hóa thân, họ phải nhìn nhiều, nghe nhiều, phải lấy tất cả chất liệu thực về con người, đời sống, xã hội, họ cứ tích lũy cho vào từng ngăn như chiếc tủ thuốc trong trí óc, tâm hồn mình. Đâu đó trong đám đông, họ thấy được những dáng người, rồi đôi khi thu được cả tiếng cười trong trí nhớ, những chi tiết trong đời thường họ gom nhặt lại, lúc nào đó thích hợp người ta lấy cái vốn liếng quan sát đó ra.
"Mỗi lần tôi vượt qua một chướng ngại vật, ngay lập tức nó lại hiện ra một chướng ngại vật khác lớn hơn, khó hơn. Như ngày xưa bọn tôi đi học chỉ ao ước được đóng một vai phụ, đến khi được phân công một vai phụ lại ao ước giá mà được vào một vai thứ, đến khi được đóng một vai thứ lại mong ước mình được nhận vai chính… Nói như thế để thấy rằng lòng mong ước của con người không có giới hạn. Chỉ có điều mình có thực hiện được không, thực hiện được ở mức độ nào và biết dừng lại ở mức độ nào. Ai mà có mọi thứ dễ dàng thì mất đi cũng dễ dàng, ai mà khó khăn lắm mới có được họ sẽ biết chắt chiu, dành dụm, nâng niu, giữ gìn", Lê Khanh tâm sự.
Hóa thân vào hàng trăm vai diễn, hàng đêm sống những thân phận của người khác để cảm đời, cảm người, thế nhưng với Lê Khanh ngày mai của mình sẽ lại trở về là một con số không. Và chị phải làm lại từ đầu với biết bao nỗ lực... Lê Khanh cho biết: "Tôi xác định mình là một công nhân trên sàn diễn có ánh đèn. Mình không thể viển vông được. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của một khán giả khó tính và cố gắng lao động để làm vừa lòng vị khán giả đó. Khi mình chưa viên mãn thì đương nhiên khán giả cũng chưa thể hài lòng. Bầu nhiệt huyết càng đầy là khoảnh khắc tôi sáng tạo nhiều nhất. Đốt cháy mình trong nghệ thuật thì không sợ đốt hết mà không còn gì. Hôm nay, tôi đốt mình trong một cuộc đời, ngày mai lại là một cuộc đời khác, lại bắt đầu lại từ đầu. Mỗi ngày một vai diễn nhưng tôi có được tất cả tình cảm của mọi người cũng xuất phát từ các vai diễn. Nếu những vai diễn ấy mất đi thì chẳng còn gì mà nói nữa".
Theo Lê Khanh, làm nghệ thuật phải biết giữ thanh sắc cho bản thân. Công việc đòi hỏi nhiều xúc cảm. Nhiều khi cần sự thanh thản rất lớn để làm nghề. Đặc thù nghề nghiệp nay đây mai đó, lúc gần lúc xa, thời gian không ổn định làm cho việc mình thực hiện thiên chức làm vợ làm mẹ rất khó khăn. Chỉ có một cách duy nhất là mình phải sắp xếp thời gian cho hợp lý nhất để duy trì song song cả gia đình và công việc. Đã là nghệ sĩ ai cũng có tham vọng và khát khao, nhưng có danh hiệu rồi thì dám nghĩ, dám làm một cách mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn, ấp ủ những ước mơ lớn hơn. Đó còn là niềm hãnh diện nữa. Nghệ thuật là sự sống của chính mình, có nhiều lúc vui buồn lẫn lộn, đấy là những thời khắc không an toàn, điều đó khiến mình xót xa. Vì vậy càng ngày càng phải yêu nghề hơn thì mới giữ được sự sống cho chính nghiệp diễn của mình và nghệ thuật sân khấu.
Lê Khanh chia sẻ: "Tôi luôn có ý thức để khán giả thấy thú vị mỗi khi mình xuất hiện trên sân khấu, khả năng biến hóa nhân vật luôn sinh động, bởi nếu những vai nhỏ không biết cách chăm chút, thì vai lớn sẽ càng lộ rõ sự chểnh mảng, đuối sức. Có những người gặp sự cố khi đóng cả mấy tiếng vai chính mà nhạt nhẽo, vô vị, trong khi khán giả chỉ để ý đến vai phụ. Tài năng nó không ở chỗ có đất hay không có đất, mà mình ý thức sáng tạo vai đó như thế nào, nó gian truân ở chỗ đấy".
Người nghệ sĩ hóa thân, ai cũng có thể đóng vua trên quan điểm của mình, chỉ có điều người ta hóa thân được vào vị vua ấy nó gần với lịch sử và tư tưởng của diễn viên. Khả năng hóa thân ấy khiến khán giả tin, hóa thân được trọn vẹn thì không có nhưng sự hóa thân càng nhiều, càng sâu, càng ám ảnh được người xem, càng thú vị. Có những người khả năng hóa thân hay đến mức ra đường bị ném đá nếu như đóng phản diện, rồi được yêu thương nếu như đóng chính diện, đó chính là vì biên độ hóa thân của họ rất rộng, còn cả đời chỉ đóng một dạng vai thôi, thì dễ hơn. "Một người nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải vào được các thể loại khác nhau, phải chấp nhận sự gian truân, đặc biệt phải tự tôi luyện mình một cách tuyệt đối không ngơi nghỉ", Lê Khanh chiêm nghiệm. |
> Đọc thêm: Bi kịch của ngôi sao phim sex nổi tiếng Nhật Bản
> Scandal chửi bậy: Không ai bằng Pha Lê
> Múa khiêu dâm phản cảm tại căn cứ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Bạt Phong