Thời Lê, chế độ phong kiến phát triển mạnh mẽ, nhất là giai đoạn Lê Thánh Tông cầm quyền, vị vua mà sử sách ca ngợi là người “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách.
Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong thời gian ở ngôi Lê Thánh Tông đã tiến hành sửa sang chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa…, đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt.
Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Hoàng đế vĩ đại này đã để lại khá nhiều dấu ấn đặc biệt thể hiện trí tuệ vượt bậc, tấm lòng vì nước vì dân của ông.
Do nhu cầu phát triển của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, cũng như các lĩnh vực khác, hoạt động lập pháp được nhà Hậu Lê tích cực đẩy mạnh.
Chân dung vua Lê Thánh Tông |
Chính sự quan tâm đó đã mang lại những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực pháp luật và điển chế, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông, hàng loạt công trình pháp luật được xây dựng như:
Lê triều quan chế, Quốc triều hình luật (bộ luật Hồng Đức), Thiên Nam dư hạ tập, Từ tụng điều lệ, Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức…
Nếu như nhiều quân vương coi mình đứng cao hơn cả pháp luật và cũng có không ít hoàng thân quốc thích, đại thần, quan chức dựa vào địa vị cao quý mà cho rằng nếu mình phạm tội thì cũng được pháp luật nương nhẹ thì đối với Lê Thánh Tông, ông đã tuyên bố đặt mình dưới pháp luật.
Câu nói của ông được sử sách ghi chép lại rõ ràng, khiến cho chúng ta ngày nay cần phải suy ngẫm, noi theo.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 7 năm Giáp Thân (1464), sau khi ra lệnh giáng chức một đại thần phạm tội, vua đã nhắc nhở mọi người về trách nhiệm tuân thủ pháp luật như sau: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, các ngươi nên nhớ lấy”.
Có thể nói, Lê Thánh Tông đã tiến hành xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật cơ bản hoàn bị và có nhiều điểm tiến bộ, trở thành khuôn mẫu cho nền pháp luật phong kiến Việt Nam. Hệ thống văn bản pháp luật đó đã đáp ứng được nhu cầu quản lý của nhà nước, điều chỉnh các mặt quan hệ trong đời sống xã hội.
Và một điều đặc biệt thú vị và bất ngờ là vị hoàng đế này trong một chiếu lệnh của mình cũng đã đề cập phần nào đến hiện tượng quan hệ đồng tính luyến ái, cụ thể là đồng tính luyến ái nữ thông qua việc đánh giá về tình tiết của một vụ án.
Trước tiên chúng ta nên biết rằng trái ngược với nước Trung Hoa ở phương Bắc, quan điểm Nho giáo Việt Nam thường né tránh đề cập đến vấn đề tình dục, cho dù một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của Nho gia là Mạnh Tử đã thừa nhận rằng tình dục là bản năng nội tại trong con người qua câu nói:
“Thực sắc tính dã” (Tình dục là bản tính của con người, cũng giống như việc ăn uống vậy!). Với quan điểm khắt khe, nghiêm khắc nên từ các văn bản chính thức của nhà nước cho đến việc giáo huấn, dạy dỗ trong các trường học hầu hết chỉ tập trung vào chữ Lễ, chữ Trung, chữ Hiếu...
Bức tượng cổ mô tả quan hệ đồng tính nữ |
Còn trong sáng tác văn học, tuy có phóng khoáng, bớt gò bó hơn nhưng các tác phẩm nếu viết về đề tài tình yêu cũng không nhắc đến hoặc nếu có đề cập đến chuyện trai gái ân ái, chuyện chăn gối phòng the cũng chỉ đề cập qua chứ không mô tả kỹ lưỡng, chi tiết.
Thế nhưng pháp luật triều Hậu Lê, kể từ thời Lê Thánh Tông lại có một số điều luật, chế định liên quan đến vấn đề này, đặc biệt trong đó có văn bản còn nhắc đến quan hệ đồng tính nữ.
Trong sách Hồng Đức thiện chính thư, một văn bản pháp luật được biên soạn dưới thời nhà Mạc trên cơ sở tập hợp các luật lệnh của nhà Hậu Lê được ban hành chủ yếu vào giai đoạn cai trị của vua Lê Thánh Tông với niên hiệu Hồng Đức mà nội dung chủ yếu đề cập đến vấn đề hộ hôn và điền sản.
Tại điều mục thứ 7 của văn bản này có nhắc đến một vụ án, theo đó thì sự việc xảy ra tại một địa phương, đã được quan chức ở đó xem xét, phán xử. Theo lệ định thời Hậu Lê thì các bản án đã tuyên đều phải gửi về triều đình, lưu giữ tại bộ Hình và được Hoàng đế xem qua.
Có thể trong một lần đọc duyệt bản án, thấy tính chất và tình tiết mới trong vụ án này mà Lê Thánh Tông đã quyết định ban ra hướng giải quyết đối với các vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Toàn văn nội dung chiếu lệnh được ban bố vào ngày 20 tháng 4 năm Hồng Đức thứ bảy, tức năm Bính Thân (1476) đã thuật lại sơ lược nội dung vụ án đó như sau:
“Hai người con gái ở chung với nhau, một người đã có chồng, uống thuốc tráng dương, vừa lúc sạch kinh, được tinh khí của chồng liền có thai. Ngay khi đó người chồng phải đi xa, dục tình của người đàn bà đang mạnh bèn giao hợp với người con gái ở cùng nhà, cô này cũng vừa sạch kinh, được truyền tinh khí của đàn ông mà dẫn đến có thai.
Đến tháng đẻ, mọi người cho rằng cô này ngoại tình liền tố cáo lên nha môn để xử tội không chồng mà có con. Người con gái đó không nhận tội, liền kêu oan lên quan trên rằng: Hai chị em cùng ở với nhau, đi thì cùng đi, nằm thì cùng nằm, đã có chị gái làm chứng.
Quan khám án thấy vậy bèn sai bế đứa trẻ đến xem thì thấy nó mềm nhũn như không có xương, ngờ rằng sinh ra do không phải giao hợp với đàn ông, liền tra hỏi rằng: Hai chị em ở chung, có giao hợp với nhau không?
Cô em gái đáp: Có! Lại hỏi: Ngày nào chồng cô lớn đi xa, và ngày đó chị gái có giao hợp với em gái không? Đáp rằng: Có! Lại hỏi: Ngày đó kinh nguyệt thế nào? Đáp rằng: Vừa mới sạch kinh. Quan khám án phán xử rằng: Hai người đàn bà giao hợp với nhau, sinh con, đứa trẻ tất không có xương.
Nguyên người chị gái nhận tinh khí của người chồng mà có thai. Nếu không truyền tinh khí của chồng cho người khác thì chính mình đã có thai. Nay đã truyền truyền tinh khí của chồng cho cô em nên cô em có con, đứa trẻ tất hình hài sẽ giống chồng cô chị và sẽ không có xương là do cô chị truyền tinh khí cho.
Đến khi đứa trẻ 3 tuổi, diện mạo giống hệt chồng cô chị, không may đứa trẻ đó chết yểu, mổ ra xem thì quả là không có xương, thế rồi đồn đại chuyện hai người con gái giao hợp với nhau, sinh đứa con không xương, sự gian dâm không có dấu tích, người đời dễ vu oan, vì thế nếu có gian dâm thì khám nghiệm đã có bằng cớ”.
Nếu như các phi tần mỹ nữ và cung nữ hầu hạ ở chốn hoàng cung, cả ngàn người may mắn chỉ có một số người được hưởng ân sủng của đế vương, được nếm trải hương vị của đời sống tình dục thì hầu hết đều mang tâm trạng đau khổ, dằn vặt khi không thỏa mãn được đòi hỏi nhu cầu về chuyện ân ái trong mỗi con người họ.
Chính nguyên nhân đó dẫn đến việc tìm những cách nhằm hóa giải ẩn ức tính dục của mình như kết “vợ chồng” với thái giám, hoạn quan hoặc bằng những cuộc tình đồng tính như một cách để tự giải thoát về tâm sinh lý.
Qua vụ án trên có thể thấy, ngay cả những phụ nữ được hưởng niềm vui chăn gối, cũng có lúc trong hoàn cảnh nhất định bị nhu cầu thể xác đòi hỏi được đáp ứng về tình dục và khi không được đã thực hiện quan hệ đồng tính.
Nếu xét kỹ về nội dung chiếu lệnh của Lê Thánh Tông, chúng ta sẽ thấy có một số điểm cần lưu ý, đó là nó chỉ tập trung vào việc nhắc nhở về kỹ năng xét xử, tìm kiếm chứng cứ thông qua hoạt động khám nghiệm để kết án hoặc minh oan cho đương sự.
Còn về chuyện hai người phụ nữ quan hệ đồng tính, trái ngược với lễ giáo phong kiến và quan điểm đạo đức xã hội bấy giờ thì lại không hề bị xử lý, kết tội hay chỉ trích như một việc kỳ quái.
Ngược lại, dường như sự bỏ qua đó có lý do, bởi ít nhiều nó cũng không phải là hiện tượng gì đó quá xa lạ, mới mẻ mà chỉ là một hiện tượng bình thường như bao hiện tượng khác trong một cuộc sống đầy những câu chuyện, tình huống phong phú, đa dạng, muôn màu muôn vẻ.
Lê Thái Dũng