Bắt Mỹ xây lại chùa
Ông Lê Tấn Nghĩa, chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) kể lại lịch sử ngôi chùa, nơi làm lễ truy điệu Bác Hồ một cách đầy tự hào. Ngay sau khi thế chân Pháp tại Việt Nam, quân đội của ngụy quyền Sài Gòn đã cho xây dựng ở Đà Nẵng một hệ thống đồn bốt dày đặc, liên tục thực hiện các trận càn từ trong thành phố rồi từ ngoại ô vào trung tâm thành phố, xây dựng bộ máy chính quyền nhằm kìm kẹp nhân dân biến nơi đây thành "vùng trắng" của cách mạng. Trước tình hình đó, tháng 8/1965 Thành ủy và thành đội Đà Nẵng đã giao cho Đại đội 1, tức đại đội đặc công hậu cứ Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ tiến công mục tiêu sân bay Nước Mặn. Đúng 0h20 ngày 27/10/1965, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Xuân Hồng đại đội 1 cùng với quân và dân du kích địa phương đã đồng loạt nổ súng tiến công.
Chùa Khuê Bắc.
Sau trận đánh trên, lấy cớ nhân dân Đa Mặn nuôi giấu cán bộ khi lính Mỹ phát hiện được hai quả mìn dùng để chặn địch khi bộ đội ta rút lui. Chúng lên kế hoạch bắn phá chùa Khuê Bắc và lên kế hoạch cài ủi san bằng khối phố biến Đa Mặn thành vành đai trắng. Địch dùng máy bay bắn rốc-két vào chùa Khuê Bắc làm đổ sập một mái chùa. Thế nhưng, chúng vẫn chưa hết tức tối khi bị bộ đội ta đánh cho một cú trời giáng, ngoài việc đưa xe đi cày ủi nhằm thực hiện âm mưu của chúng nhưng đều bị phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bẻ gãy. 5 ngày sau đó trong sự tức tối một viên thiếu tá và thiếu úy Mỹ đã vào chùa Khuê Bắc đập bể một bức tượng Phật.
Trước tình hình đó, đồng chí Năm Thông (Nguyễn Hữu Ni), Bí thư quận ủy quận 3 lúc bấy giờ, qua đồng chí Nguyễn Chê đã chỉ đạo cho chi bộ Đa Mặn dưới danh nghĩa phật tử, tập trung nhân dân cùng đạo hữu ra chùa chỉ rõ tội phá chùa của Mỹ- Ngụy, viết đơn khiếu nại trình Tỉnh hội. Đồng thời cho người đi gặp Trung tướng Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh vùng 1 chiến thuật, đòi bồi thường thiệt hại. Sau đó, Tỉnh hội cử thượng tọa Quảng Thể cùng đi với bà con đạo hữu chùa Khuê Bắc đến gặp Thị trưởng Đà Nẵng để đưa đơn khiếu nại.
Trước phong trào đấu tranh quá mạnh của quần chúng nhân dân Đa Phước, nên trung tướng Ngụy Nguyễn Chánh Thi và Thị trưởng Đà Nẵng cùng bọn chỉ huy của Mỹ ở sân bay Nước Mặn buộc phải đến chùa xem xét, xin lỗi đồng bào và bồi thường thiệt hại. Nhưng nhân dân cương quyết không chịu bồi thường tiền mà đòi bọn chúng phải xây lại chùa. Cuối cùng, Nguyễn Chánh Thi cũng phải chấp nhận nhượng bộ, y ủy quyền cho tên thiếu tá Trần Hữu Trai, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn công binh 104 phụ trách xây dựng lại chùa Khuê Bắc ngay trên nền chùa cũ.
Tấm bia ghi lại việc quân đội ngụy quyền Sài Gòn xây dựng lại chùa.
Lễ truy điệu Bác ngay trước họng súng kẻ thù
Giữa lúc tình hình đấu tranh của nhân dân khu vực Đa Mặn (K20) ngày càng khó khăn phức tạp, thì ngày 3/9/1969 qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cán bộ đảng viên, cơ sở cách mạng của K20 bàng hoàng, đau xót nhận được tin Bác qua đời. Bà Nguyễn Thị Đừng, nguyên Bí thư chi bộ thời kỳ 1968-1969 (76 tuổi-PV) nhớ lại: "Hôm đó trời mưa tầm tã, không gian ảm đạm. Mọi người lặng đi, cứ để cho nước mắt tuôn chảy, trước cái tang quá lớn này của cả dân tộc. Với lòng kính yêu vô hạn và để hợp với tâm nguyện của nhân dân, Chi bộ Đảng và cơ sở hợp pháp của ta tại Đa Mặn quyết định vận động và thông qua Ban trị sự Phật giáo chùa Khuê Bắc tổ chức lễ truy điệu và lễ dâng hương lên Bác Hồ".
Nhận được chỉ thị từ trên, ông Nguyễn Chê đã đi từng nhà một vận động nhân dân hai thôn Nước Mặn và Đa Phước. Ngày 8/9/1969 tập trung tại chùa Khuê Bắc để làm lễ truy điệu và dâng hương Bác Hồ. Tuổi đã cao nhưng cụ Nguyễn Củ vẫn còn nhớ rõ từng thời khắc lịch sử ấy: "Ngày đó chị Bùi Thị Lâm (đã mất), đảng viên trẻ được giao nhiệm vụ chuẩn bị băng để tang Bác cho buổi lễ truy điệu. Khi nhận nhiệm vụ, cô Lâm ra chợ An Thượng mua hai tấm vải to, một màu đen, một màu vàng giấu dưới rổ rau. Đêm hôm đó cô ấy đã thức trắng đêm dưới hầm bí mật để cắt tấm vải ra thành hành chục mảnh nhỏ, rồi khâu lại, bên màu đen, bên màu vàng". Làm thế cốt để đề phòng khi đang lễ, tụi lính ập vào (không có địch, mọi người gắn mảnh băng tang màu đen tưởng nhớ Bác, lúc gặp địch, thì lật màu vàng, để che mắt chúng).
Tiếp lời, cụ Nguyễn Phán, từng là Bí thư Chi bộ xóm Mồ Côi (một tên gọi khác của xóm Nước Mặn), một trong những người tổ chức lễ truy điệu Bác, nhớ lại: Mọi việc từ chuẩn bị băng tang, viết điếu văn đến phân công quần chúng cảnh giới đều chuẩn bị rất chu đáo. Nhưng riêng tấm ảnh của Bác thì Chi bộ vẫn chưa tìm ra. May thay, lúc ấy có các anh bên Quận ủy đưa cho tấm chân dung Bác màu đen trắng cỡ 20x30. Theo kế hoạch đúng 9h sáng ngày 8/9/1969 (trúng ngày rằm) dưới hình thức một buổi lễ của các phật tử nhằm che mắt Mỹ - Ngụy, lễ truy điệu và dâng hương Bác sẽ được tổ chức tại chùa Khuê Bắc. Không chỉ đảng viên, mà hôm đó quần chúng cách mạng cũng tích cực tham gia. Ai nấy nhận băng tang từ chị Lâm trân trọng gắn lên ngực áo mình".
"Khi chị Nguyễn Thị Được (thường gọi Bốn Rẫm) lúc ấy là Bí thư Chi bộ Đa Mặn đọc đến câu: "Bác Hồ, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa", trong bài điếu văn thì ai cũng không cầm nổi nước mắt, có người khóc nức nở. Dẫu đau thương, nhưng khí tiết vẫn quật cường, lời cuối của điếu văn vẫn sang sảng kêu gọi đảng viên và quần chúng biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững căn cứ lõm K20 bằng mọi giá, làm bàn đạp tiêu diệt kẻ thù ở khu vực nội thị. Đến phút mặc niệm trang nghiêm, mọi người đặt tay lên ngực, thề với Bác quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng quê hương. Toàn thể đảng viên, quần chúng cách mạng K20 xin hứa: "K20 sẽ tiếp tục là mũi dao chọc thẳng vào đầu não của quân thù, phá hủy sân bay Nước Mặn, cơ quan chiến lược của giặc góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà như mong ước của Người trước lúc đi xa...", ông Phán bồi hồi nhớ lại.
Gần 80 con người, trong đó có 12 đảng viên cùng quần chúng nhân dân, đạo hữu phật tử tham dự buổi lễ truy điệu Bác trong gần 1 tiếng đồng hồ. Dù đóng quân cách đó chưa đầy 100m nhưng bọn Mỹ - Ngụy không hề hay biết những gì diễn ra trong chùa. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng tình tiết về buổi lễ đặc biệt vào sáng 8/9/1969, giữa sào huyệt kẻ thù vẫn sống trong ký ức của họ. Những con người kiên trung, mưu trí, tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay giữa lòng địch nay có người đã ngã xuống và những người đang còn sống tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương. Nhưng sự kiện đặc biệt ấy mãi mãi đi vào sử sách như một mốc son chói lọi về lòng kiên trung của Đảng và nhân dân K20 hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Ngôi chùa thành di tích lịch sử cách mạng Trao đổi với PV, ông Huỳnh Nghĩa, Phó bí thư chi bộ phường Khuê Mỹ cho biết: "Trước đây chùa Khuê Bắc nằm trong cụm di tích lịch sử -cách mạng cấp quốc gia K20. Nhưng theo quy hoạch mới tuy chùa Khuê Bắc không còn nằm trong cụm di tích này nữa, nhưng với những giá trị lịch sử của mình chùa đã được thành phố công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố năm 2010". |
Nguyễn Cường