Theo quan niệm của người Việt, 3 vị Táo quân định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Vì thế, hàng năm cứ đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng.
Vào ngày này, người dân Việt Nam thường làm mâm cỗ để tiễn đưa ông Táo về trời. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại đức Thích Bản Quyền, Trụ trì chùa Điềm Niêm (Hải Phòng) chia sẻ, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi nơi có một sự chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác nhau.
Ở miền Bắc: Vào ngày Tết ông Công ông Táo, người ta thường sắm 3 chiếc mũ Táo quân (2 chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, 1 chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn), cả 3 mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ.
Để Táo quân có phương tiện về chầu trời, người miền Bắc còn cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được phóng sinh (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Ở miền Trung, người ta cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.
Ở miền Nam, người ta chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành. Để đơn giản, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công (có 2 cánh chuồn) lại kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy.
Những đồ vàng mã (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ, sau đó, lập bài vị mới cho Táo Công.
Ở miền núi, người ta làm am bé bé ở góc vườn. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm người dân làm một mâm cơm đầy đủ để thắp hương, khấn vái, cầu mong may mắn.
Ngoài ra, những món cơ bản nhất như: Gà luộc, giò chả, xôi, canh măng… là những món không thể thiếu trên mâm cơm cúng ông Công ông Táo của người Việt.
Phương Vy