Đợi chờ chồng say là hạnh phúc!
Thường, phụ nữ dưới xuôi ít ai có thể cảm thông cho một người chồng suốt ngày say xỉn, rượu chè. Độ lượng lắm, vị tha lắm, họ cũng buột miệng mấy câu cằn nhằn chồng thế này, thế khác. Ức chế quá mức chịu đựng thì nổi cơn tam bành khi thấy chồng trở về nhà trong bộ dạng lâng lâng cùng men say của tiên tửu. Thế nhưng điều đặc biệt ở mảnh đất "cao nguyên trắng" này, người phụ nữ như đã được mặc định một cách ứng xử: Tươi cười và chờ đợi chồng nhậu say mới thật là hạnh phúc!
Bà Hoàng Thị Nương, phía trước, bên phải ảnh đang trò chuyện với bạn chờ chồng nhậu say. Ảnh D.T
Anh Nguyễn Đức Quang, người Hải Dương, ngược Bắc Hà mưu sinh gần hai mươi năm nay đã gợi hứng tò mò cho tôi qua những chia sẻ đời thường: "Nhiều năm sống ở đây, bản thân tôi cũng khó cắt nghĩa vì sao phụ nữ Mông có thể nhẫn nhịn với thói say xỉn của chồng mình như vậy. Cá nhân tôi lâu lâu gặp người thân quen dưới xuôi lên chơi, vui quá chén một bữa, ấy thế mà vợ đã giận, "cấm vận" cả mấy ngày liền. Quán nhậu này, tôi mở cùng thời điểm chuyển lên đây sinh sống. Cũng bằng ấy năm, tôi chứng kiến cảnh "nhậu quên đời" của những người đàn ông vùng cao này mà thèm thuồng lắm. Không phải, vị khách nào đến đây cũng biết được cái lệ rất hay này, phải để ý, quan sát mới thấy".
Theo lời anh Quang, người đàn ông ở đây đã đi chợ phiên là nhậu. Giàu hay nghèo cũng nhậu. Nhậu không say thì không về. Một tuần có hai buổi chợ phiên mở vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật thì có những người đàn ông góp mặt ở chợ cả hai ngày. Họ làm tài xế đưa vợ đi chợ bán hàng hóa rồi mua lương thực, thực phẩm cần thiết cho gia đình dùng trong cả tuần. Nhưng cái thú nhất là ma lực "hút" họ hội tụ về chợ phiên có lẽ vẫn là những cuộc nhậu. Điều lạ hơn là hình ảnh của những người vợ.
Có một nguyên tắc ngầm rằng, vợ không bao giờ theo chồng vào quán nhậu. Họ chỉ đứng ngoài, đợi chồng say rồi hộ tống chồng về trong vui vẻ. Cũng có những người thanh niên chưa vợ, hoặc những người đàn ông một mình, một ngựa tới chợ chơi. Họ buộc ngựa ở các gốc cây đứng đợi. Khi say, họ bò lết lên lưng ngựa hoặc được chủ quán hộ tống lên yên ngựa. Vậy là, "ngựa quen đường cũ", dù nhà họ ở xa cách chợ ba, bốn chục cây số thì con ngựa vẫn tìm đúng đường về nhà.
Hoàng A Sùa trở về trên yên ngựa sau khi đã chếnh choáng men rượu. Ảnh D.T
Yêu chồng thì nên thế!
Anh Quang chỉ vào một người đàn ông chừng 50 tuổi, cho tôi biết: "Đấy là Hoàng A Sừ, người xã Bản Liền. Ông có bà vợ rất đẹp tên là Hoàng Thị Nương, người cùng xã. Ông Sừ là một khách nhậu quen thuộc của quán suốt hai năm nay". Anh Quang kể: "Tuần nào vợ chồng họ cũng đi chợ phiên một ngày, không thứ Bảy thì Chủ Nhật.
Tuần nào Sừ cũng say bí tỉ trước khi lên xe của vợ chở về. Nhà cách chợ phiên chừng 30km đường rừng rất khó đi nhưng thường cứ 6h, khi anh Quang dọn hàng ăn buổi sáng đã thấy vợ chồng họ đi qua, ngoảnh vào cười tươi thể hiện khách quen, lâu ngày thành khách quý. Nhưng lúc ra về, ông Sừ sẽ ngồi sau, cho vợ chở về cùng hai sọt hàng nặng, vì thứ men của rượu ngô Bản Phố đã khiến ông Sừ say mèm. Nghe đâu, ở cả bản của ông Sừ chỉ có nhà ông mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Có lẽ đó cũng là một phần lý do để ông thường xuyên đi chợ phiên lấy hàng về bán. Nhưng phần lớn niềm vui của ông Sừ cũng như bao đàn ông nơi đây, đó là sức mê hoặc không thể chối từ của những bữa nhậu "bét tè lè nhè".
Đặc biệt, vợ ông không bao giờ phàn nàn một câu. Bà Nương thường ngồi ở gốc cây bên đường và chăm chú nhìn về phía cửa hàng nhậu của anh Quang. Hễ thấy chồng mình liêu xiêu bước ra cửa là bà biết ý chạy lại đỡ chồng lên xe rồi nổ máy ra về, để lại một nụ cười tươi, hồn hậu.
Tôi tò mò ra phía trước cửa hàng của anh Quang quan sát thì quả thật, có rất nhiều ngựa buộc ở gốc cây, nhiều phụ nữ đang ngồi bên những chiếc xe máy có sọt hàng. Họ nói với nhau những câu chuyện gì đó bằng tiếng dân tộc mà tôi không thể hiểu được. Chỉ đoán là chuyện rất vui vì thấy họ chốc chốc lại to tiếng lên một chút và rộ một tràng cười dài.
Tôi nhờ anh Quang làm "phiên dịch" để trò chuyện với bà Hoàng Thị Nương, vị khách quen của nhà anh. Nhưng có lẽ phần vì tôi là người lạ, phần vì bản tính của phụ nữ dân tộc rất kiệm lời nên nghe anh Quang nói tôi muốn hỏi chuyện, bà Nương chỉ lắc đầu cười.
Anh Quang phải phiên dịch nhiều lần và giải thích khá lâu, bà Nương mới nói vài câu tiếng dân tộc với một vẻ mặt ngượng ngùng. Anh Quang dịch lại cho tôi nghe lời bà Nương nói rằng: "Nếu muốn thể hiện tình cảm chân thành với chồng, hãy cứ để chồng được nhậu thật say. Chồng càng say, mình càng không cằn nhằn mà vẫn đưa được chồng về nhà thì người bản sẽ khen mình là người vợ tốt, vợ ngoan, biết yêu chồng".
Cái xua tay rất nhanh của bà Nương khiến tôi chú ý nhiều hơn đến khuôn mặt tròn trịa, rắn rỏi của người vùng cao quen đi rừng, quen "đùa" với gió, đang dần ửng đỏ. Xa xa, vài người đang xúm vào một người và một con ngựa đứng im như chờ lệnh.
Biết sự chú ý của tôi là một dấu hỏi ngạc nhiên, anh Quang nhanh miệng giải thích: "Đó là thằng Hoàng A Sùa ở xã Lùng Cải. Tuần nào nó cũng lững thững một mình, một ngựa lên chợ huyện. Có khi say quá không ôm được vào ngựa thì người ta phải gọi xe ôm đưa nó về tận nhà trả cho vợ nó. Cũng có ngày gặp khách, nó bán được ngựa thì có khi say rồi ngủ lại thị trấn đến hôm sau mới về nhà. Thường thì không bán được ngựa, đầu giờ chiều khi chợ đã vãn người, nó sẽ mò tới quán của tôi nhậu cho say. Say rồi, nó leo lên ngựa tự về".
Mỹ tục lạ và khó quên Chiều, chợ tàn. Người dần thưa. Nhưng đã thành lệ, những người đàn ông mới rời sự náo nhiệt, thong dong đi vào các quán nhậu trong thị trấn. Bỏ hết mọi lo toan, sự đời bên ngoài cửa quán, họ nhậu "cho đã", cho say. Lạ thành quen, quen thành thân, thân lại sinh bạn hữu cho những cuộc nhậu chợ phiên sau, họ như ngầm hẹn với nhau, không say không về. Ngựa buộc ngoài cửa đợi chủ, vợ tìm bóng cây râm mát cạnh quán đợi chồng. Điều đặc biệt là, những người phụ nữ không hề tỏ vẻ khó chịu. Ngược lại, họ bắt chuyện rôm rả với nhau, cùng trông ngựa, chờ chồng say khướt rồi lại mỉm cười thật tươi dong ngựa đưa chồng về. |
Dương Thu