Vu Lan là dịp lễ rằm quan trọng nhất trong năm, để con người tưởng nhớ tổ tiên, phóng sinh loài vật, tạo phúc đức hiếu sinh.
Thế nhưng trong thực tế, việc hiểu sai về tục lệ này đã dẫn đến thương mại hóa tục phóng sinh, khiến cho mỹ tục trở nên thô thiển, không còn mang ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Báo Dân Trí phản ánh, những ngày này tại các cửa hàng bán chim, cá trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) luôn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Các loại chim, cá phóng sinh được mua nhiều phục vụ việc phóng sinh trong dịp lễ Rằm Tháng Bảy (lễ Vu Lan).
Điều đáng nói là người bán thì đẩy giá lên gấp đôi, gấp ba; người mua thì chạy theo số lượng, cho rằng càng phóng sinh nhiều càng có nhiều lộc. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, trong khi những chú chim phóng sinh bị nhốt chen chúc, bị sờ nắn nhiều lần, thậm chí bị nhốt trong túi ni lông... Từng bầy chim nhớn nhác kêu chiêm chiếp khiếp sợ trước cảnh sắp được trả tự do, thậm chí nhiều con đã không thể bay nổi sau khi được phóng sinh. Chúng nhảy lò cò trên đường rồi có khi bị xe chẹt qua.
Bàn về tục lệ phóng sinh trong dịp Rằm Tháng Bảy, báo Lao Động có bài viết "Chuyên gia văn hóa lý giải tục phóng sinh chim "tháng cô hồn"".
Theo đó, chia sẻ trên báo Lao Động, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, phóng sinh xuất phát từ tâm, khơi lòng hiếu sinh, không quy định số lượng, giống loài và không tạo công đức thực dụng.
Giải thích về nguồn gốc tục phóng sinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ phân tích: “Phóng sinh là một hình thức nghi lễ của Phật giáo hết sức tốt đẹp. Trong giáo lý Phật giáo, các chúng sinh có quyền tồn tại bởi vì con người cũng chỉ là một thế trong kiếp luân hồi.
Nhà nghiên cứu Hùng Vỹ bày tỏ quan điểm: “Phóng sinh bằng cái tâm, không có quy chuẩn về phóng sinh số lượng bao nhiêu chim cá, loại chim to hay nhỏ, quý hay thường. Các nhà sư đều hướng dẫn người dân phóng sinh sao để khơi lòng hiếu sinh, chứ không phải tạo công đức thực dụng".
"Người phóng sinh theo phong trào, thấy người ta thả nhiều mình cũng cố chạy theo số đông thì dễ vướng vào tham, sân, si trong nhà Phật, khi đó là mất chứ không phải là được. Hãy làm bằng thiện tâm, bằng tự do tín ngưỡng và bằng hiểu biết thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp” - ông Vỹ chia sẻ thêm.
H.Y (tổng hợp)