Mê học võ như... mê làm vườn
Chúng tôi đến sân võ của thầy Lê Minh Khôi, giáo viên thể dục trường THPT Lộc Thành tại xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc dạy võ. Trên sân, ngoài các em học sinh còn có hàng chục người nông dân đang di chuyển từng đường võ rất uyển chuyển.
Võ sinh Nguyễn Thành Trung (thứ ba từ phải sang)
Thầy Lê Minh Khôi nhìn các võ sinh chăm chỉ luyện tập bật mí: "Ban đầu, tôi mở lớp chỉ để dạy võ cho các em học sinh ở địa bàn xã Lộc Thành. Cứ mỗi buổi chiều tan giờ học, các em học sinh lại tụ tập đông đủ tại sân trường để học võ. Một số em được cha mẹ chở đến sân võ, tối đến rước về. Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất năm 2005, chị Trịnh Thị Thêm (42 tuổi) ngụ tại thôn 12, xã Lộc Thành dáng người nhỏ thó đưa con gái đến sân võ tập luyện, chị không về ngay mà ngồi bệt ngoài sân nhìn chăm chú vào sân xem các em học sinh đi từng đường quyền. Lúc tôi đi qua chỗ chị Thêm, chị đã đứng dậy nói chắc chắn: "Tôi cũng muốn học võ, nhưng lớn tuổi rồi, thầy có nhận tôi không?””.
Thầy Minh Khôi kể tiếp: "Trong tình huống đó, tôi nhìn chị Thêm tỏ ra ái ngại nên đã hỏi gặng: "Ở đây toàn là học sinh, liệu chị có theo kịp không? Tại sao chị muốn học võ?". Rồi tôi cũng phân tích chị là phụ nữ, lại có tuổi, liệu có theo nổi các em học sinh... Chị Thêm không chần chừ, nói thẳng: "Tôi có nhiều chuyện ấm ức lắm, thầy cho phép tôi theo học võ với”. Điều tối kỵ nhất của việc học võ là để trả thù ân oán cá nhân. Nhưng lúc đó không biết tôi nghĩ thế nào mà gật đầu đồng ý cho chị Thêm vào lớp học. Từ đó, suốt tám năm nay, sau một ngày lao động mệt nhọc, chiều chị lại đến lớp học võ. Từ ngày nhận chị Thêm vào lớp, sân võ có sự hiện diện của nhiều nông dân khác ở trong huyện và ngoài huyện".
Ban đầu, ai cũng nghĩ, các nông dân đến lớp võ chỉ mang tính thời vụ, nhưng nhìn vào những động tác dứt khoát, tinh thần hăng say tập luyện những thế võ karatedo từ đơn giản đến phức tạp và đẹp mắt thì nhiều người phải trầm trồ thốt lên rằng: "Người nông dân học võ giỏi như làm vườn". Cứ thế, sân của trường PTTH Lộc Thành lại đón thêm các thành viên nông dân mới. Ban ngày, họ cần mẫn trên rẫy cà phê, đồi chè, nương dâu... chiều đến lại lấn cấn chạy đến sân võ. Tại đây, già trẻ luyện chung, họ ôm vai bá cổ như đồng trang lứa, nhưng cách xưng hô vẫn theo tôn ty trật tự.
Ngoài chị Thêm, chúng tôi còn biết đến nhiều nông dân đam mê học võ khác. Điển hình như trường hợp của võ sinh Đỗ Văn Thơ (52 tuổi) ngụ tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm. Ông Thơ trước đây cũng từng theo ngành công an, vì gia cảnh nên ông xin giải nghệ về nhà làm vườn. Một thời là công an nên ông am hiểu võ nghệ, ông biết được tầm quan trọng của võ đối với bản thân như thế nào nên đã khuyên các con đến lớp thầy Khôi học võ. Tuy nhiên, các con không ai chịu đến lớp võ đăng kí học, thế là ông Thơ đích thân đến xin thầy Khôi đăng kí học võ để làm gương cho con. Ba đứa con của ông Thơ thấy bố già rồi vẫn đam mê những đường quyền nên cũng quyết tâm theo bố đến lớp làm võ sinh. Ba năm đã trôi qua, nhưng bốn bố con ông Thơ vẫn đến lớp võ luyện tập trong sự thán phục của nhiều người.
Võ sư Lê Minh Khôi tại sân võ trường THPT Lộc Thành
Học võ để rèn chí
Hầu hết các nông dân theo học lớp võ của thầy Lê Minh Khôi đều là trụ cột trong gia đình, phải lo quán xuyến mọi việc từ đi rẫy đến chăm lo cho con cái. Đất đai ở địa phương còn rộng nên rẫy cà phê cách nhà hàng kilômét nên khi tối trời đường về nhà vắng hoe. Đàn ông con trai đi đường còn sợ, huống chi là đàn bà, con gái. Nhiều nông dân đã tìm đến võ học để cơ thể mình được khỏe mạnh hơn, đồng thời đề phòng chuyện bất trắc xảy ra.
Nhất là vào mùa cà phê thu hoạch rộ, nông dân ở Lâm Đồng lại ăn không ngon, ngủ không yên với nạn hái trộm. Trên khắp các ngả đường dẫn vào rẫy cà phê, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người lạ, người nhập cư đến hái cà phê thuê. Đặc biệt, gần đây, tại nhiều địa phương ở xứ sở cà phê thường xảy ra án mạng do giết người cướp của mà thủ phạm phần nhiều là một số người làm thuê nổi lòng tham. Trong khi đó, lai lịch, xuất xứ của người làm thuê, làm mướn không rõ ràng càng tăng thêm mối lo cho người dân. Trước tình thế này, người nông dân đã tìm đến võ đạo để có được những chiêu phòng thủ chính đáng.
Anh Võ Thành Trung (31 tuổi), võ sinh mới tại sân võ trường THPT Lộc Thành tâm sự: "Rẫy cà phê nhà tôi là quả đồi dốc thoải thoải cách nhà cũng khá xa. Mùa thu hoạch, gia đình phải thuê nhân công. Lúc đó dân tứ xứ đổ về đông lắm, mình đâu thể nắm rõ ai là người tốt, kẻ xấu. Nếu mình không cứng rắn, không khỏe mạnh sẽ bị mất trộm cà phê như chơi. Ý thức được điều đó, tôi theo học võ lớp thầy Lê Minh Khôi. Một tuần ba buổi luyện võ, tôi thấy tinh thần rất thoải mái, tự tin, leo đồi khỏe hơn. Tôi sẽ tiếp tục học võ cho đến khi nào không thể theo nổi nữa mới thôi". Nhờ học võ mà những nông dân ở huyện Bảo Lâm, TP.Bảo Lộc… biết kiềm chế đúng lúc, bớt được tính nỏng nảy, cứng đầu vốn có của người nông dân.
Và một trường hợp võ sinh rất cứng đầu, hay cãi khoáy nhưng cũng là một tay làm vườn giỏi, để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với lớp võ của thầy Lê Minh Khôi đó là trường hợp của Đào Xuân Hòa (22 tuổi), ngụ tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Trước đây, Hòa từng là một học sinh cá biệt ở trường THPT Lộc Thành. Hồi trẻ, Hòa hiếu thắng, lên lớp thích gây gổ đánh nhau với bạn bè. Rồi vào một ngày, Hòa đăng kí đi học võ với ý định để trả thù những đứa đã đánh mình trước kia. Nhưng giờ đây, sau khi đến với võ đạo, Hòa trở thành một người hoàn toàn khác: Hiền lành, chí thú làm ăn, một mình quán xuyến mọi việc trong gia đình…
Dùng võ đạo để cải thiện tính cách Thầy Lê Minh Khôi tâm sự: "Võ là một môn rèn luyện thể lực rất tốt. Tôi dùng cái lý, cái uy của võ đạo để quản lí, cải thiện họ về lối sống, suy nghĩ. Nhiều năm gắn bó với người nông dân thật thà chân chất, tôi chỉ mong những gì mình truyền đạt sẽ tiếp thêm sức mạnh để họ sống lạc quan, tự tin hơn trong cuộc sống". |
Quyên Triệu