Len lỏi trong rừng "săn" sâu tre
Những ngày cận Tết, khi không khí xuân len lỏi khắp nơi, người dân vùng núi huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) lại lên rừng bắt sâu tre – một đặc sản nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Công việc này tuy gian nan, phải len lỏi qua những bụi tre gai góc và chịu đựng cái lạnh tê tái, nhưng lại mang về nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình trong dịp Tết.
Những con sâu béo múp, sau khi được thu gom, sẽ được bán tại chợ hoặc cung cấp cho các nhà hàng, mang đến niềm vui nhỏ và sự dư dả cho những người lao động trước thềm năm mới. Hình ảnh này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống giản dị và cần mẫn của người dân vùng núi.
Theo người dân địa phương, loài sâu này được gọi là sâu tre vì chúng thường sinh sống trong thân cây tre, dùng bột tre làm thức ăn để phát triển. Trước đây, sâu tre là món quà đầy ý nghĩa mà các chàng rể dành tặng cho bố mẹ vợ. Ngày nay, nó đã trở thành một đặc sản đặc trưng của người dân xã Rờ Kơi.
Trong cuộc trò chuyện với PV Người Đưa Tin, anh A Bới chia sẻ, sâu tre thường xuất hiện nhiều nhất vào cuối năm, khi cây tre non bắt đầu mơn mởn, tạo điều kiện thuận lợi cho loài sâu này sinh trưởng.
Sâu tre có màu trắng sữa, thân bóng và nhầy, kích thước tương đương đầu đũa, dài khoảng hai đốt ngón tay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bắt được loài sâu này vì chúng chỉ sinh trưởng trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối năm.
"Vì vậy, điều quan trọng là phải nắm vững chu kỳ sinh sản của sâu tre để thu hoạch đúng thời điểm, tránh việc phải trở về tay không. Mỗi lần đi, tôi thường thu được từ 2 - 3kg sâu. Với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, tôi có thể kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng", anh Bới cho biết.
Theo anh A Bới, công việc băng rừng bắt sâu tre vào những ngày giáp Tết vô cùng vất vả. Để tìm được những bụi tre có sâu, người dân phải thức dậy từ sớm, mang theo dụng cụ và lội bộ qua những khu rừng sâu.
Địa hình hiểm trở, đường đi trơn trượt cùng thời tiết lạnh giá khiến công việc càng thêm khó khăn. Ngoài ra, việc phải len lỏi qua những bụi tre gai góc cũng dễ gây trầy xước, thậm chí chảy máu.
Dù công việc vất vả như vậy, nhiều người vẫn không ngại khó khăn vì sâu tre là một đặc sản có giá trị, được ưa chuộng vào dịp Tết. Mỗi lần thu hoạch được, họ lại cảm thấy phấn khởi, bởi số tiền kiếm được từ việc bán sâu tre sẽ giúp gia đình mua thêm bánh kẹo, sắm sửa áo mới hoặc chuẩn bị một mâm cơm đầy đủ hơn trong những ngày đầu năm.
Trèo đèo lội suối hái đót rừng
Vào những ngày giáp Tết, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số lên rừng để tìm kiếm "lộc trời". Ngoài sâu tre, họ còn thu hái đót, đọt mây, chuối hột rừng – những sản vật chín rộ vào dịp cuối năm.
Vào những ngày cuối năm, khi mùa đót nở rộ trên các triền đồi, người dân vùng núi lại tất bật với công việc hái đót, một nghề gắn bó lâu dài với họ. Đót, loài cây mọc hoang dại, là nguyên liệu chính để làm chổi đót, một sản phẩm vô cùng thiết yếu trong mỗi gia đình.
Dọc hai bên đường, tiếng gọi í ới vang lên từ các lùm cây, nhóm anh A Niêm (41 tuổi, trú tại làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi) đang miệt mài hái đót.
Anh Niêm chia sẻ: "Nghề hái đót tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng lại rất vất vả. Chúng tôi phải dậy từ sáng sớm, băng rừng, vượt đồi dốc, đội nắng gió để tìm được những bông đót to, đẹp. Có khi, chúng tôi phải đi xa hàng chục cây số, mang vác những bó đót nặng trĩu trên vai. Đôi tay thường xuyên bị xước vì lá đót sắc nhọn, còn đôi chân thì mỏi nhừ sau những ngày dài lội rừng".
"Dù công việc khó khăn, nhưng đối với tôi và nhiều thành viên trong nhóm, mùa hái đót là cơ hội để kiếm thêm thu nhập vào dịp cuối năm. Những bó đót sau khi phơi khô sẽ được bán cho thương lái, giúp chúng tôi có thêm chút tiền để sắm sửa Tết", anh Niêm chia sẻ thêm.
Theo anh Niêm, mỗi lần lên rừng, gặp bất kỳ đặc sản nào, bà con đều thu hái mang về. Ngoài đót, đọt mây rừng trong những năm gần đây cũng được nhiều người tìm kiếm.
Trước đây, người dân chỉ lấy đọt mây về để ăn trong gia đình, nhưng hiện nay, nhu cầu mua đọt mây ngày càng tăng, khiến bà con trong làng phải lên núi chặt đọt mây mang về bán để kiếm thêm thu nhập.
Chính vì vậy, các ngọn núi gần làng nơi có đọt mây cũng dần vơi cạn, bà con phải di chuyển đến những ngọn núi xa hơn để thu hoạch.
"Trung bình mỗi chuyến đi như vậy, mỗi người có thể kiếm được từ 30 đến 40 bó đọt mây, mỗi bó từ 5 đến 7 đọt, với giá bán khoảng 30.000 đồng/bó. Tổng cộng, mỗi người kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Một phần số tiền này dùng để mua gạo, mắm, muối, cá khô cho chuyến đi tiếp theo, phần còn lại để chi tiêu trong gia đình và sắm sửa Tết", anh A Niêm nói.
Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Đinh Văn Hành (42 tuổi, trú tại thôn 4, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) cho biết: "Khi vụ mùa cà phê kết thúc, cũng là lúc những bông đót bắt đầu nở, vì vậy tôi và các con phải tranh thủ đi kiếm đót.
Mỗi chuyến đi cũng thu được vài trăm nghìn, đây là nguồn thu đáng kể của người dân vào dịp giáp Tết.
Tuy nhiên, để hái được đót không phải chuyện dễ dàng và cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Gần đây, đót đã trở nên khan hiếm, nên bà con phải leo lên những vách đá cheo leo hoặc vào tận rừng sâu mới tìm được đót."
Không chỉ có những người đi hái đót, những người làm công việc phơi đót thuê cho thương lái cũng rất tấp nập vào vụ. Việc phơi đót thuê đã giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho biết: “Cuối năm là thời điểm đót nở rộ và đạt chất lượng tốt nhất. Những bông đót to, dài và chắc dễ dàng thu hoạch, giúp người dân thu được sản lượng cao hơn. Nhiều người dân đã gắn bó lâu năm với nghề hái đót, có kinh nghiệm chọn được những bông đót chất lượng và biết cách di chuyển hiệu quả trên địa hình đồi núi. Người dân thường đi hái đót theo nhóm, vừa giúp đỡ nhau trong công việc, vừa tạo không khí vui vẻ, giảm bớt sự mệt nhọc khi làm việc. Nghề hái đót trở thành nguồn thu nhập đáng kể, góp phần mang lại một cái Tết đầy đủ hơn cho nhiều gia đình”.