Dù có hình dạng rất giống khoai lang nhưng đây lại là một thứ dược liệu có giá trị cao, được biết đến rộng rãi tại châu Á với tên gọi “thiên ma”. Ở Việt Nam, chúng nổi tiếng với công dụng hỗ trợ an thần và chống co giật.
Cây thiên ma còn được gọi với nhiều tên gọi khác như thần hảo, xích tiễn, định phong thảo hay vô phong tự động thảo. Chúng thuộc họ Lan và có tên khoa học là Gastrodia Elata Blume.
Điều lạ lùng nhất ở loại thảo dược này chính là chúng không chứa chất diệp lục. Thân cây có hình dáng giống như mũi tên hướng lên trời, rễ có hình bầu dục nhìn sơ qua khá giống củ khoai lang.
Cây thiên ma thường phân bố ở châu Á như Việt Nam (Hòa Bình, Lạng Sơn), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Người ta thường lên núi để tìm kiếm chúng, thu hoạch rễ và củ để tán thành bột và sử dụng.
Trong thiên ma có nhiều thành phần giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể như vitamin A, vannillyl, gastrodioside, alkaloid,... Thiên ma có tính ôn và vị ngọt. Trong y học hiện đại, loại dược liệu này có công dụng hỗ trợ giảm đau, chống viêm, an thần, chống co giật, hỗ trợ hạ huyết áp, tăng đề kháng và miễn dịch cho cơ thể.
Tuy nhiên lưu ý là bạn cần sử dụng thiên ma đúng liều lượng và đúng thời gian, nếu không muốn gặp phải các tác dụng phụ như chuột rút, đau dạ dày, sụt cân đột ngột…
Ở Trung Quốc, ngoài việc dùng thiên ma để làm dược liệu, người dân nước này còn có truyền thống ngâm rượu thiên ma hay làm canh gà hầm thiên ma. Nhìn chung, loài thực vật này từng được ưa chuộng ở Trung Quốc đến mức chúng bị săn lùng ráo riết, dẫn đến kết cục là số lượng thiên ma tự nhiên bị sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, chính phủ nước này hiện đã cấm khai thác và mua bán thiên ma, đồng thời đưa chúng vào danh sách thực vật được bảo vệ cấp độ 2 từ năm 2021.
Trước đó, từng có thời điểm giá thiên ma ở Trung Quốc lên tới hơn 2.000 NDT/kg (6,8 triệu đồng/kg), ngày nay giảm chỉ còn khoảng 200 NDT/kg (giá sỉ). Còn ở Việt Nam, bạn có thể tìm mua củ thiên ma với giá khoảng 880.000đ/kg (áp dụng với thiên ma loại 1).
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)