Cứ rượu xong là... đánh vợ con
Trấn Yên là huyện vùng thấp, nằm ở phía Nam của tỉnh Yên Bái, dân số 80 nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao... Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện khá cao, chiếm 28,3% số hộ. Trong đó, Tân Đồng và Y Can là hai xã vùng sâu, vùng xa, công việc chủ yếu là làm nông. Đặc biệt, trên địa bàn này, nạn nghiện rượu đã trở thành thói quen của đàn ông.
Chị Triệu Thị Vinh - nạn nhân bị bạo hành ở xã Y Can - Yên Bái.
Theo số liệu khảo sát của CFSD (Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng), hình thức bạo lực thân thể phổ biến (như tát, đấm, đạp, túm tóc...) chiếm tới 98%. Biểu hiện của bạo lực gia đình tại địa phương này chủ yếu do chồng mắng chửi, đánh vợ, cha mẹ với con cái...
Trường hợp chị Triệu Thị Vinh (SN 1979, xã Y Can) bị bạo hành, khiến ai biết được cũng không khỏi xót xa. Chị Vinh cho biết, hầu hết thu nhập của các gia đình đều trông đợi vào công việc đồng áng, nương rẫy nên rất khó khăn. Riêng gia đình chị là một trong số ít hộ dân có mức kinh tế trung bình, bởi ngoài công việc đồng áng, chị còn có thêm cơ sở sản xuất và cung cấp gỗ tư nhân. Mâu thuẫn gia đình chị bắt nguồn từ việc chồng ngoại tình, rồi về nhà ruồng rẫy, bạo hành vợ con. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là cách đây gần 1 tháng, chồng chị trong một lần uống rượu say đã tưới xăng lên người vợ và toàn bộ xưởng gỗ rồi phóng hỏa. Hậu quả của đòn thù để lại là những vết sẹo bỏng chằng chịt khắp người, cùng nỗi đau tinh thần dai dẳng cho chị.
Trên địa bàn xã Y Can chỉ vỏn vẹn 80 hộ dân nhưng có tới 3-4 cơ sở nấu rượu, có những cơ sở mỗi ngày tiêu thụ hết 40 lít rượu. Vì ma men nên rất nhiều nam giới sẵn sàng bạo hành vợ con, khiến một số phụ nữ và trẻ em phải sống chui lủi trong rừng, trên những lán được dựng tạm bợ ở nương rẫy...
Một trường hợp khác không kém phần tủi nhục là chị Nguyễn Thị Tính (SN 1977, xã Tân Đồng). Chị Tính là nạn nhân liên tiếp nhiều năm qua bị chồng bạo hành về tình dục. Dù chị đã nhận lời tham dự hội thảo nhưng đến phút cuối, đành từ chối, vì chị sợ những trận đòn từ chồng khi quay trở về. Chị Trần Thị Thu (Phó bí thư Đảng ủy xã Y Can) cho biết thêm, để đến được hội thảo này, với tư cách là đại diện nạn nhân bị bạo hành, trường hợp chị Vinh quả là dũng cảm và các cán bộ từ huyện đến xã phải dùng nhiều biện pháp để khống chế gã chồng bất nghĩa thì chị mới có thể đi được.
Còn theo vị phó chủ tịch UBND xã Tân Đồng, phụ nữ phải là người có tinh thần "thép", bởi có chị một tháng phải chịu tới 6 - 7 trận đòn, do chồng say rượu". Phần lớn các trường hợp bị bạo lực đều phản ánh do người chồng, người cha uống rượu say về gây sự với vợ con, đập phá đồ đạc. Chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe những chia sẻ rất hồn nhiên của bé Hùng (6 tuổi, con của nạn nhân Huế): "Từ bé đến giờ, cháu vẫn thường thấy bố đánh mẹ. Cứ mỗi khi uống rượu say, bố lại đánh cả mẹ và hai anh em cháu!". Dường như, trong nhận thức non nớt của em, việc bố đánh mẹ đã trở nên quen thuộc... như cơm bữa.
Chị em chạy trốn vào nhà... công an xã
Anh Phạm Ngọc Khảm (trưởng công an xã Tân Đồng) cho biết: "Hầu hết đàn ông đều không chịu lao động, đùn hết việc cho vợ hoặc con. Họ cũng trực tiếp quản lý việc chi tiêu, nếu đưa cho vợ đồng nào thì biết đồng ấy hoặc nếu có tạo ra thu nhập cho gia đình thì chỉ để mua rượu".
Cũng theo anh Khảm, có những vụ bạo lực vừa mới xảy ra và được can thiệp kịp thời, nhưng có những vụ tái diễn nhiều lần. Công tác trong ngành đã gần 20 năm nay, nên dường như nhà của anh đã trở thành địa chỉ trú ẩn cho chị em bị chồng bạo hành. Nhiều chị em phụ nữ còn trú ngụ qua đêm, bởi họ không còn cách nào khác. Bi hài hơn là phải xử lý những trường hợp cả hai vợ chồng đều gây bạo lực và vi phạm pháp luật về việc sử dụng hung khí. Nguyên nhân chính cũng từ rượu, rồi dẫn đến đòi hỏi tình dục mọi lúc, mọi nơi. Đến khi không được đáp ứng, đối tượng sẽ gây bạo lực rất phức tạp.
Anh Phạm Ngọc khảm - trưởng công an xã Tân Đồng (Trấn yên - Yên Bái).
Đôi khi, việc xử phạt lại rơi vào vòng luẩn quẩn, bởi nếu dựa vào các điều luật về phòng chống bạo lực gia đình, hình thức tạm giữ tại xã đối với các đối tượng vi phạm cũng chỉ được lâu nhất là 12 tiếng đồng hồ. Đối tượng tạm giữ là người có hành vi bạo lực, nên lực lượng công an buộc phải can thiệp để họ qua cơn say, rồi mới tiến hành khuyên bảo, cảnh cáo. Tuy nhiên, với những trường hợp có liên quan đến việc sử dụng hung khí, lực lượng chức năng buộc phải áp dụng hình thức xử phạt hành chính, mức cao nhất là 2 triệu đồng.
Một nghịch lý khiến lực lượng chức năng khá đau đầu là: Nếu xử phạt mạnh tay thì tình trạng bạo lực gia đình lại có nguy cơ gia tăng, bởi đối tượng cuối cùng chịu trách nhiệm nộp phạt lại là chính là nạn nhân!. "Nguy cơ bạo hành sẽ lại tiếp tục xảy ra, nếu người vợ không tìm được cách lo tiền cho chồng nộp phạt", Anh Khảm tâm sự.
Theo khảo sát của CFSCD, xã Y Can có 32,2% hộ nghèo, xã Tân Đồng có trên 30% hộ nghèo. Anh Phạm Ngọc Khảm cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí hỗ trợ để đào tạo nghề cho những người đàn ông có việc làm ổn định, giảm mặc cảm với cộng đồng xã hội rất hạn chế.
Tuệ Linh
Nhãn hàng Trà xanh Không Độ vinh dự đồng hành cùng sinh viên Việt Nam tại U-League 2012, thu hút 24 trường Cao đẳng, Đại học đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam thi đấu ở các nội dung: bóng đá trong nhà, đồng diễn & cổ vũ, Người Đẹp SV Văn Thể Mỹ 2012. Tại TP HCM, Hội thi diễn ra từ 14/10 đến 04/11/2012, tại TP Đà Nẵng từ ngày 11/11 đến ngày 02/12/2012, tại TP Hà Nội từ ngày 09/12 đến ngày 30/12/2012. Chung kết sẽ diễn ra tại TP HCM vào các ngày 05&06/01/2013. Truy cập website: www.u-league.vn để cập nhật thông tin về giải đấu. |