Theo đánh giá, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45m đến 46m. Tại cao trình 44m, hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32m và 42m bị đổ gãy chiều dài 200m, làm tụt các tấm lát mái.
Ngày 14/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc; tổ chức trực 24/24h tại hiện trường để theo dõi diễn biến sự cố. Tỉnh cũng lập phương án xử lý khẩn cấp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thi công khắc phục sự cố, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/8.
Đối với TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, phải rà soát và sẵn sàng triển khai phương án di dân, bảo vệ công trình đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn, vỡ đập đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, hệ thống đê điều, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; trực ban nghiêm túc 24/24h.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: “Hiện nay, việc lựa chọn nhà thầu vẫn trong giai đoạn chuẩn bị. Chúng tôi cũng đang lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, chuyên môn để triển khai việc xử lý cấp bách chống thấm thân đập. Các đơn vị chức năng đang khảo sát thực tế, rà soát tất cả các đơn vị để làm thủ tục xin phép UBND tỉnh phê duyệt”.
Trước câu hỏi của PV về hiện tượng thân đập hồ Núi Cốc xuống cấp mới được phát hiện hay đã có dấu hiệu từ trước, ông Thịnh nói: “Hiện tượng này đã xuất hiện từ vài năm trước rồi. Công ty cũng đã có dự án và đề nghị để được sửa chữa nhưng vì nhiều lý do, dự án này không thực hiện được và đến năm 2017 sẽ phát triển thêm. Dự án sửa chữa, nâng cao năng lực an toàn đập đã có từ 2015 và được chi 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án chưa thực hiện được nên giờ mới phải sửa chữa cấp bách”.
“Tôi cũng không nắm được lý do cụ thể, chỉ biết Bộ tạm chưa thực hiện”, ông Thịnh cho biết thêm.
Nguyên Mạnh