Liên quan đến bài viết “Nghịch lý kênh thủy lợi hàng chục tỷ đồng không dẫn được nước”, mới đây UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Huyện ủy Krông Pắk.
Theo báo cáo, tuyến kênh thủy lợi Đ3 (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) thuộc dự án thủy lợi hồ chứa nước Krông Búk hạ, nằm trên địa bàn xã Krông Búk. Tuyến kênh có chiều dài 1.400m, phục vụ tưới cho 65ha cà phê và cây lâu năm tại hai buôn Kla, buôn Krai A và tạo nguồn tưới cho 17ha lúa nước hai vụ tại thôn 9, xã Krông Búk. Mặt khác, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao mực nước ngầm trong khu vực và tạo nguồn nước sinh hoạt cho bà con trong mùa khô.
Tuyến kênh Đ3 do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pắk làm đại diện chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 11/9/2013 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 30/12/2015. Sau đó, UBND huyện giao cho UBND xã Krông Búk quản lý, vận hành theo phân cấp.
Cũng theo nội dung báo cáo, tuyến kênh Đ3 là tuyến kênh tạo nguồn nên phải dùng máy bơm để bơm nước từ các bể bơm bố trí dọc tuyến kênh tưới cho diện tích cà phê ở hai bên bờ kênh và bổ sung tưới tạo nguồn, phục vụ chống hạn (nếu có) cho diện tích lúa của cánh đồng thôn 9 khi hồ Ea Oh, xã Krông Búk thiếu nước.
Đến cuối năm 2017, cơn bão số 12 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến kênh Đ3, tuyến kênh bị tắc nghẽn nhiều nơi, nhiều đoạn bị vùi lấp, không còn khả năng tưới. Trước tình hình này, năm 2020 UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 850 triệu đồng để gia cố lại một số điểm sung yếu bị sạt lở bằng rọ đá. Tuy nhiên, với khối lượng sạt lở lớn, bồi lấp, tắc nghẽn nhiều nơi, cộng với nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc khơi thông, gia cố lại hai bên mái tuyến kênh vẫn chưa thực hiện triệt để.
Trước tình hình trên, UBND huyện Krông Pắk đã lập đoàn kiểm tra để có phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực, lâu dài cho bà con nông dân. Tại thời điểm kiểm tra, cống đầu kênh Đ3 được cấp nước ngập trần cống, nhưng tại cuối kênh không có nước chảy ra, một đoạn kênh khoảng 30m người dân đã lấp bằng để trồng lúa. Bên cạnh đó, các vị trí hố bơm bị bồi lấp hoàn toàn, không có dấu sử dụng đặt bơm nước trong nhiều năm qua. Mái kênh, nhiều điểm bị sạt lở lớn, có nhiều vị trí sạt lở lấn vào phần đất nông nghiệp một số hộ dân. Hiện tại, người dân tại buôn Kla, buôn Krai A và thôn 9 không thể sử dụng nước tại kênh Đ3 để tưới.
Trước tình hình nói trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Pắk đã mời đơn vị tư vấn là chi nhánh Tây Nguyên – Công ty TNHH tư vấn trường Đại học Thủy lợi tiến hành khảo sát tình trạng sạt lở, bồi lấp của tuyến kênh Đ3. Qua đó, có giải pháp nạo vét, phát dọn, khơi thông, khắc phục tình trạng sạt lở mái bờ kênh.
UBND huyện Krông Pắk cho biết, hiện đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy bằng cách lật tất cả các tấm đan, nạo vét kênh mương, phát dọn tuyến kênh. Đồng thời, đưa ra 2 giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở mái bờ kênh. Cụ thể, gia cố bằng rọ đá xếp chồng lên nhau và gia cố bằng tấm bê tông cốt thép lát mái. Với mỗi giải pháp, đơn vị tư vấn đang tiến hành sơ bộ tính toán để đưa ra khai toán tổng mức đầu tư. Sau đó, UBND huyện sẽ tiến hành họp để thống nhất chọn phương án phù hợp nhất áp dụng cho tuyến kênh đảm bảo khắc phục hết sự cố và tối ưu kinh phí xây dựng.
Về việc phía cuối kênh Đ3 là cánh đồng lúa nước trên 30ha thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước về mùa khô, đơn vị tư vấn là chi nhánh Tây Nguyên – Công ty TNHH tư vấn trường Đại học thủy lợi đang tiến hành khảo sát. Sơ bộ đánh giá, việc kéo dài tuyến kênh sẽ phải đi qua diện tích đất canh tác của người dân, khả năng phải đền bù phần diện tích tuyến kênh đi qua. Vì vậy, sau khi có phương án sơ bộ, UBND huyện sẽ có báo cáo cụ thể về vấn đề này gửi về UBND tỉnh.
Ngoài ra, UBND huyện đã tiến hành rà soát, xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến những tồn tại của tuyến kênh này. Qua rà soát, từ khi tuyến kênh bị sạt lở, bồi lấp (năm 2017), UBND xã Krông Búk đã có báo cáo, tờ trình gửi UBND huyện xin kinh phí khắc phục, sửa chữa tuyến kênh Đ3. Sau khi nhận tờ trình, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở, đề ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, sở Tài chính xin kinh phí để khắc phục, sửa chữa tuyến kênh Đ3. Sau đó, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để huyện Krông Pắk sửa chữa, gia cố tuyến kênh Đ3 bị sạt lở do mưa bão, hiện tại đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao công trình.
Như Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã phản ánh, kênh Đ3 được đầu tư gần 14,9 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 1,2km. Đến năm 2017, công trình thủy lợi này được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, theo báo cáo của UBND xã Krông Búk, kênh Đ3 được đầu tư từ năm 2012, đi qua địa bàn buôn Kla và Krai A (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk), gây ảnh hưởng đến 42 hộ dân. Phía cuối kênh là cánh đồng thôn 9, xã Krông Búk. Hiện nay, kênh Đ3 không phát huy được hiệu quả như thiết kế ban đầu.
Dẫn đến thực trạng trên, theo UBND xã Krông Búk, nguyên nhân do kênh Đ3 sâu hơn mặt ruộng nên không tưới được nước cho cánh đồng thôn 9.
Bên cạnh đó, kênh Đ3 sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1-10m. Thậm chí, một số đoạn bị sạt lở, bùn sụt lún làm tắc nghẽn kênh, không dẫn nước được đến cuối kênh và ảnh hưởng tới các hộ dân ở hai bên kênh.
Để khắc phục những tồn tại này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương có giải pháp nạo vét, phát dọn, khơi thông tuyến kênh Đ3 để cung cấp nguồn nước, phát huy hiệu quả công trình.
Khánh Ngọc