Cà Mau hơn 11.400 ha rừng dự báo cháy cấp V
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau, hiện nay, diện tích rừng U Minh Hạ, rừng đảo trên địa bàn tỉnh đã khô hạn 37.956 ha. Trong đó, báo động khả năng cháy rừng cấp III (cấp cao) 9.135 ha; cấp IV (cấp nguy hiểm) 17.392 ha; cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) 11.429 ha.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các chủ rừng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, Nhân dân nâng cao tinh thần tránh nhiệm, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là ý thức sử dụng lửa của từng cá nhân, hộ gia đình sống trong và ven rừng;
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm tự ý vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao của Vườn quốc gia U Minh Hạ, các khu vực rừng tập trung có trữ lượng cao thuộc các đơn vị chủ rừng trực tiếp quản lý đang báo động cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao đề nghị các chủ rừng phải bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCCR 24/24 trong suốt mùa khô để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Công an, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các đơn vị chủ rừng, hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy rừng; các hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất rừng U Minh Hạ tuyệt đối phải chấp hành quy định về an toàn PCCCR.
Nghiêm cấm việc hầm than, tự ý đốt đất sản xuất trong và ven rừng trong suốt mùa khô.
Hiện nay, địa phương đã bố trí gần 500 người thuộc lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ luân phiên túc trực canh lửa, giữ rừng, chủ động biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống cháy rừng. Tỉnh dự phòng lực lượng tại chỗ với hơn 5.000 người để ứng cứu kịp thời tình huống khi có cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, đề nghị thủ trưởng các đơn vị, các chủ rừng, hộ gia đình được giao rừng, nhận khoán đất lâm nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, quản lý chặt chẽ lâm phần và diện tích rừng được giao.
Các trường hợp vi phạm chủ rừng phải kết hợp với cơ quan Công an, Kiểm lâm trên địa bàn kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự báo cháy rừng ở Kiên Giang từ cấp III đến cấp V
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang Đoàn Văn Thanh cho biết, hiện nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, mực nước ở một số khu rừng tràm đã cạn kiệt. Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ cấp III đến cấp V.
Các khu vực rừng trên địa bàn huyện Kiên Hải có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm - có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng).
Trên địa bàn TP. Phú Quốc, hai huyện Giang Thành, Hòn Đất có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm - có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh).
Các huyện Kiên Lương, An Minh, U Minh Thượng và TP. Hà Tiên có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp III (cấp cao - dễ xảy ra cháy rừng) và cấp IV.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố có rừng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí thêm trạm, chốt, láng, trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp từng vùng trọng điểm, đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, tỉnh thành lập hơn 170 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở với gần 1.500 thành viên, gồm lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị, chủ rừng và những lực lượng khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ trong suốt mùa khô.
Ngoài ra, ngành chức năng phối hợp địa phương đã bố trí gần 80 điểm trực chiến phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, với đầy đủ phương tiện, thiết bị như: Lực lượng chữa cháy tại chỗ, xe bồn chữa cháy, xe tải, máy cày, võ máy, máy bơm các loại, cuộn dây ống chữa cháy, máy thổi gió, bình xịt điện đeo vai, bình xịt động cơ đeo vai,bình bột chữa cháy CO2, bàn dập lửa… Ngoài ra, tại các lâm phần trọng yếu xây dựng 35 tháp canh lửa rừng, đầu tư hơn 80 giếng khoan và 64 bồn chứa nước các loại.
Các địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và thường xuyên đưa tin cấp dự báo cháy rừng trên đài truyền thanh để các đơn vị chủ rừng, các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương và người dân biết thực hiện.