Thế nhưng, sau một thời gian những ông bố, bà mẹ "ăn chưa no, lo chưa tới" đã chán cảnh gia đình. Kết quả là mỗi người một phương, người bỏ nhà lên rẫy sống cảnh "núi cao", kẻ quay lại trường tiếp tục "nối" lại ước mơ cái chữ. Đây là vấn nạn nhức nhối trong những năm qua ở một xã vùng sâu thuộc huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).
Những lễ cưới "trốn" chính quyền
Từ thành phố Quảng Ngãi theo tỉnh lộ 623, ngược lên miền tây tỉnh Quảng Ngãi khoảng 80km, chúng tôi về huyện Sơn Tây, địa bàn lâu nay vẫn được xem là "chốn thâm sơn cùng cốc" của tỉnh này. Đường vào xã Sơn Mùa, nơi ngụ cư của đồng bào dân tộc Cà Dong (còn gọi là Xê Đăng) trùng điệp nào núi cao, đồi thấp, băng qua nhiều khe suối khúc khuỷu.
Đỉnh điểm của mùa nắng khiến khung cảnh càng thêm hiu quạnh. Từng đợt gió khô khốc thổi qua sườn đồi làm ngọn cây khoai mì trụi lá, lộ nên những vạt đồi bạc phếch. Tự bao đời, người Cà Dong chỉ cố cư trong những cánh rừng, bên con suối xa xôi, họ trồng lúa rẫy, săn bắt thú, cuộc sống chưa tách khỏi tính tự cung tự cấp. Vì thế, văn hóa, tập tục vẫn còn nguyên sơ, tách biệt với đời sống hiện đại ở dưới xuôi.
Là địa bàn vùng sâu, trình độ dân trí yếu kém, những năm gần đây, do có nỗ lực của các cấp chính quyền như chính sách xóa đói, giảm nghèo, khuyến học cho con em đồng bào Cà Dong, thì mới có chuyện có người cắp sách tới trường. Chứ thế hệ trước, đồng bào Cà Dong không có người đi học, sinh ra họ chỉ biết đến cái rẫy, con suối, họ lấy nhau và sinh con đẻ cái duy chỉ trên mảnh đất của mình, có người khi về bên kia thế giới vẫn chưa từng qua con dốc đầu làng. Vì vậy, cái chất nguyên sơ còn phảng phất của một xã hội sơn nguyên thu nhỏ dưới tán rừng đại ngàn. Một trong những tập tục mà đến nay vẫn diễn ra nơi đây là nạn tảo hôn, kéo lùi đời sống người dân, gây nhức nhối cho những người làm quản lý dân số và giáo dục.
Theo quan niệm của người Cà Dong, con gái, con trai lớn nom "có thể sinh nở" là cha mẹ bắt phải lấy chồng, nếu để "phạm" vào lệ làng, khiến già làng không "ưng cái bụng" thì phải chịu phạt. Không ít em gái đã phải miễn cưỡng lẽo đẽo theo chồng, còn em trai thì "bỗng dưng" gánh chức phận trụ cột gia đình như từ… trên trời rơi xuống.
Rời cuốn sách, mái trường, các em lập tức phải mang chức phận làm cha, làm mẹ. Nhưng sau một thời gian không thể chèo chống gia đình, nhiều em không chịu nổi cuộc sống kham khổ, đơn phương bỏ về nhà cha mẹ đẻ xin được đi học. Ở Sơn Mùa, những cặp vợ chồng trẻ chưa bước qua tuổi 18, thậm chí có em làm mẹ ở tuổi 13 - 14 là chuyện "thường ngày ở huyện".
Mặc dù mới 37 tuổi nhưng anh Đinh Văn De đã có năm đứa con và anh đã gả chồng cho con gái đầu lòng Đinh Thị Phiếu. "Tôi sẽ để con bé có chồng khi nào nó học xong cấp ba”, anh De hứa với cô giáo Vân
Theo quan niệm của đồng bào Ca Dong, nếu nhà trai đã ưng ý rồi mang sính lễ đến nhà gái cầu hôn, thì nhất nhất nhà gái phải đồng ý gả con cho họ, dù bé gái đó còn cắp sách tới trường. Cái tục mà theo ông Đinh Văn Gia - Trưởng thôn Huy Em (xã Sơn Mùa) là: "Nó có tự bao đời rồi, không xóa bỏ được". Theo ông Gia, khi đã hứa hôn rồi thì gia đình hai bên có thể tổ chức lễ cưới bất cứ lúc nào họ muốn. Và họ cho rằng, con gái lên 13 - 14 tuổi mà chưa có chồng là dễ bị hàng xóm xầm xì, coi như "phạm" vào giới luật làng. Nên những ông bố bà mẹ nào có con đến tuổi "có khả năng sinh đẻ" thì phải cưới gấp.
Nghe qua, chúng tôi không khỏi ngán ngẩm khi biết, con số thống kê của phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sơn Tây. Chỉ riêng năm học 2009 - 2010 đã có tám trường hợp học sinh cấp hai nghỉ bỏ giữa chừng để về lập gia đình. Con số này dù hai năm gần đây có thuyên giảm nhưng vẫn chưa thôi nhức nhối. Ông Lê Hoài Thạnh (cán bộ phòng Giáo dục & Đào tạo huyện) lắc đầu ngao ngán: "Đa phần các em lén lút lập gia đình nên nhà trường cũng khó lòng can thiệp, một phần là hầu hết các em có chồng phải theo chồng. Khi thầy cô đến nhà vận động, nếu không khôn khéo sẽ dễ bị phía nhà chồng rượt đánh, vì can cái tội "phá hoại" hạnh phúc gia đình họ”.
Còn thầy Nguyễn Văn Ánh (Hiệu trưởng trường THCS Sơn Mùa) thở dài: "13 tuổi, ba năm, sinh ba đứa". Đó là em Đinh Thị Bền, khi đang học lớp 7, bị cha mẹ hứa hôn, thế là lớn hơn một chút, nhà trai "nhắm" có thể sinh đẻ, lúc nhà trai mang sính lễ đến "bắt", Bền đành gạt nước mắt chia tay bạn bè, thầy cô về bên nhà chồng. Chỉ trong ba năm, Bền đẻ luôn một loạt ba đứa con, đứa trước kế đứa sau chỉ mấy tháng tuổi. Bền bảo: "Cha mẹ đã hứa hôn với nhà chồng từ khi em chưa sinh ra, nên nhà chồng đến hỏi cưới thì phải theo chồng thôi, không chối được đâu. Lấy chồng rồi thì chồng nó không cho em đi học nữa".
Ngoài việc gia đình ép buộc, cũng có những trường hợp các em tự nguyện đến với nhau, khi lỡ có bầu, gia đình hai bên âm thầm tổ chức lễ cưới với sự có mặt của già làng, vậy là thành vợ thành chồng. Những cặp vợ chồng trẻ sau khi có con đến tuổi đi học thì phải "gia hạn" tuổi, để lên xã làm giấy đăng ký kết hôn, rồi mới làm được giấy khai sinh đưa con đi học.
"Phép vua thua lệ làng"
Không ít trường hợp nhiều em gái mới lớn bị cha mẹ ép có chồng, khi sinh con nhưng không biết làm mẹ. Mới tuổi 15 trăng tròn, nhưng một ngày Đinh Thị Thế (lớp 7B, trường THCS Sơn Mùa) bất ngờ gửi thiệp mời đến bạn bè tới dự ngày "hạnh phúc trăm năm" của mình, khiến thầy cô ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên.
Chúng tôi cùng cô Nguyễn Thị Thanh Vân (từng là giáo viên chủ nhiệm của lớp Thế) đến nhà Thế. Thấy cô giáo, Thế ngỡ cô đến "bắt trở lại trường", em vội bế đứa con chạy thốc ra nép phía sau cánh liếp nhà trốn. Nhưng khi hiểu ra chuyện, rằng cô giáo dẫn "cán bộ dân số" dưới xuôi lên hỏi thăm, Thế mới bẽn lẽn cõng con vào. Nhìn gương mặt đen đúa và già trước tuổi của học trò, cô giáo như thắt ruột, không tin nổi đó là cô học trò thơ ngây ngày nào.
Cô Vân cho biết thêm, hồi còn cắp sách, Thế là một học sinh có học lực khá của lớp, vậy mà sau hơn một năm, cô bé đã là mẹ của một đứa bé chín tháng tuổi. Thế cho biết, hai vợ chồng được cha mẹ dựng cho căn chòi nhỏ bên mép suối, dưới chân ngọn núi cao và sống tự lập. Hôm chúng tôi đến, Thế đang sàng hai bao lúa rẫy mà vợ chồng vừa thu hoạch được trên nương. Gùi con trên lưng, đứa bé khóc ngặt nghẽo, tím tái.
Trò chuyện cùng cô giáo, Thế cho biết, vài tháng nữa khi đứa con lớn, em sẽ xin chồng cho đi học lại. Vì như em nói, ngày ngày thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, nhiều lúc thèm lắm, nhưng rồi "thằng chồng khó tính bắt ở nhà trông con".
Ngồi bên, ông Đinh Văn Dúp, cha Thế thản nhiên nói về chuyện con mình có chồng như cây ngô phải ra bắp, mưng hạt: "Già làng bảo nó đã đến tuổi lấy chồng rồi, gia đình phải lo cưới thôi, nếu không quá tuổi làng không ưng bụng. Nên mặc con bé còn đang đi học tui cũng phải đến trường kéo nó về cưới cho đúng lệ tục, chứ không thì phiền phức với làng, cán bộ à!".
Cũng như Thế, Đinh Thị Phiếu, đang học lớp 8, là một học sinh tiên tiến của trường THCS Sơn Mùa. Nhưng khi vừa thi xong học kỳ một, Phiếu bị cha mẹ ép có chồng. Ban đầu, Phiếu khóc rấm rức ngày đêm, nhưng rồi có chồng cũng thấy "vui vui", thế là gật đầu theo ý làng, ý cha mẹ. Sau một thời gian sinh sống cùng chồng, không thể chịu nổi cuộc sống khổ cực, cô bé bỏ về nhà cha mẹ đẻ và "tuyên bố" bỏ chồng. Sau một tuần ở nhà, Phiếu nhờ cha mẹ lên trường xin cho được đi học lại, giờ thì Phiếu đang vô tư học lớp 8 như thể chưa bao giờ "lên xe hoa".
"Hôm nó từ nhà chồng về bảo: Con bỏ chồng thôi, sống với nó (chồng) khổ lắm, ba mẹ cho con đi học lại đi. Vậy là tui phải sang xin lỗi phía nhà trai và trả lại sính lễ. Nhưng trâu, gà đã làm thịt ăn hết trong lễ cưới rồi nên phải vay tiền mua lại con khác trả. Giờ con bé đi học rồi tui phải lo làm kiếm tiền trả nợ", anh De tiếc rẻ về con bò, con lợn của mình đã thịt rồi mà hạnh phúc của đứa con không "giữ" được.
Những ông bố, bà mẹ "vắt chưa sạch váng mũi" như Thế, Phiếu là những nạn nhân của tục tảo hôn, tục lệ đã ngắt hẳn con đường đến trường, khi các em đang tuổi ăn tuổi học. Cái vòng luẩn quẩn giữa hủ tục lạc hậu, cái ăn, cái mặc ở đồng bào Cà Dong xem ra vẫn là bài toán nan giải của các ngành chức năng nơi đây.
Khó kiềm chế"cái sự sung sướng" của người dân lạc hậu Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) nói: "Trong vòng ba năm qua, trên toàn huyện có gần 100 trường hợp lập gia đình tuổi từ 13 - 16 tuổi". Ông cũng nói rằng, "đã giảm rất nhiều" so với trước đó, mặc dù huyện triển khai nhiều biện pháp để "kiềm chế cái sự sung sướng" của bà con nơi đây, nhưng vẫn vướng mắc những quan niệm hủ tục thâm căn cố đế của đồng bào. Điều khó khăn nhất, theo ông Hoàng là: "Do đồng bào Ca Dong phân bố rải rác trên diện rộng của huyện, họ chỉ chọn những ngọn núi cao, mây mù và xa xôi nhất để sống, như thể trốn tránh cán bộ đến vận động". |
Hải Đăng