Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 42/63 tỉnh nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến với sản lượng yến đạt trên dưới 150 tấn, giá trị tương đương 600 triệu USD.
Với tiềm năng trên, ngành yến Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam. Nắm bắt cơ hội đó, cuối năm 2023, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (UPCoM: SKV) đã xuất khẩu 2 container lô hàng yến sào nguyên chất chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.
Đi sâu hơn về hành trình kinh doanh của công ty, cổ phần hóa vào năm 2016, Yến sào Khánh Hòa ngay sau đó đã đưa 23 triệu cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 23.600 đồng/cổ phiếu.
Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Yến sào Khánh Hòa vẫn giữ nguyên ở mức 230 tỷ đồng, trong đó 51% vốn cổ phần thuộc sở hữu của Công ty TNHH Nhà nước MTV yến sào Khánh Hòa.
Kể từ sau khi niêm yết lên sàn chứng khoán, Yến sào Khánh Hòa kinh doanh khá thuận lợi. Dù chịu ảnh hưởng trước những tác động chung của thị trường, doanh nghiệp ngành yến này vẫn giữ được mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Ngắt chuỗi tăng trưởng
Theo đó, từ năm 2016-2019, doanh thu của Yến sào Khánh Hòa tăng trưởng đều từ 272 tỷ đồng lên 2.148 tỷ đồng, đạt đỉnh doanh thu của công ty. Nhờ đó mà lợi nhuận sau thuế của công ty trong giai đoạn trên cũng liên tiếp phi mã, đạt 83 tỷ đồng vào năm 2019, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Đến giai đoạn 2020-2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trì trệ. Trong bối cảnh đó, doanh thu của Yến sào Khánh Hòa cũng ghi nhận tín hiệu hụt hơi nhẹ ở doanh thu, nhưng lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng đạt 87 tỷ đồng vào năm 2020, sau đó giảm xuống còn 79 tỷ đồng vào năm 2021.
Qua giai đoạn khó khăn, sang giai đoạn 2022-2023, Yến sào Khánh Hòa kinh doanh bứt tốc với doanh thu vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ đồng, song vẫn chưa thể vượt kỷ lục được lập vào năm 2019. Dù vậy nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của công ty ghi nhận đạt 103 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, dù đang ở đỉnh kinh doanh với giấy phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nhưng mới đây, Yến sào Khánh Hòa lại lên kế hoạch kinh doanh đi lùi với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm cả hai chữ số.
Theo đó, năm 2024, Yến sào Khánh Hòa đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Kế hoạch kinh doanh trên được đưa ra trong bối cảnh quý I/2024 công ty ghi nhận loạt chỉ số đi lùi. Cụ thể, doanh thu của công ty đạt 361 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, giảm lần lượt 41% và 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là do công ty đã đồng ý cho hệ thống nhà phân phối nhập một lượng hàng tương đối lớn, bao gồm cả nhu cầu những tháng đầu năm 2024. Điều này khiến kết quả kinh doanh quý I/2024 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 3 tháng, công ty đã hoàn thành 21% kế hoạch doanh thu năm và 25% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cổ tức trả đều "như vắt tranh"
Kinh doanh thuận lợi, Yến sào Khánh Hòa liên tục trả cổ tức đều đặn cho cổ đông công ty. Kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2017, công ty liên tiếp trả cổ tức cho cổ đông công ty bằng tiền mặt với dao động quanh khoảng từ 1.930 đồng/cổ phiếu - 2.980 đồng/cổ phiếu.
Năm 2023, sau khi đạt đỉnh kinh doanh, Yến sào Khánh Hòa trảcổ tức cho cổ đông công ty với tỉ lệ 30,1%, cũng là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử của công ty. Với 23 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, Yến sào Khánh Hòa dự kiến sẽ chi ra 69 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông công ty. Ngày thực hiện thanh toàn là 8/7.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Yến sào Khánh Hòa cho biết, tình hình kinh doanh 2024 dự kiến gặp khó khăn do xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế làm giảm sức mua người tiêu dùng. Với kế hoạch năm 2024 thận trọng, SKV cũng đưa ra tỉ lệ cổ tức bằng tiền dự kiến 22,4% (2.240 đồng/cổ phiếu) ngắt chuỗi tăng liên tiếp trong những năm qua.
Tại một diễn biến khác, là cổ đông lớn sở hữu 20,48% vốn điều lệ tại Yến sào Khánh Hòa từ năm 2016 nhưng đến năm 2021, Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nha Trang (Nha Trang Tourism) đã liên tục thoái vốn tại SKV. Nha Trang Tourism là tổ chức có liên quan của ông Lê Hồng Thuận - Thành viên HĐQT Yến sào Khánh Hòa.
Cụ thể, công ty đã bán ra 3,1 triệu cổ phiếu SKV vào tháng 6/2021, giảm sở hữu xuống còn 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ sở hữu 7%. Sau đó, Nha Trang Tourism liên tục bán bớt cổ phiếu SKV nhằm giảm sở hữu, đồng thời không còn là cổ đông lớn công ty từ tháng 1/2022.
Mới đây, sau khi hoàn tất bán 90.966 cổ phiếu SKV, Nha Trang Tourism đã giảm sở hữu tại Yến sào Khánh Hòa xuống còn 0,73% tỉ lệ sở hữu.
Tại phiên giao dịch ngày 12/6, cổ phiếu SKV giao dịch quanh khoảng giá 45.000 đồng/cổ phiếu, tăng 90% so với giá tham chiếu ngày đầu niêm yết, nâng mức vốn hóa của công ty lên khoảng 996 tỷ đồng.