Bạo lực tiếp diễn
Nghị quyết do Thụy Điển và Kuwait, những quốc gia giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2/2018, soạn thảo và đề xuất. Nhưng chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn được thông qua, các bên liên quan vẫn tiếp tục tiến hành các đợt tấn công dữ dội với lý do chống khủng bố.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc nêu rõ, lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng với các chiến dịch chống khủng bố, hay các cá nhân, tổ chức và thực thể liên quan tới chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Điều đó khiến lệnh ngừng bắn trở nên mong manh khi rất khó phân biệt các tay súng khủng bố và lực lượng đối lập.
Theo báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất có 34 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau các đợt không kích của quân Chính phủ Syria. Theo chính quyền Syria, người dân ở vùng ngoại ô Ghouta đang bị tấn công, do đó lực lượng này sẽ tiếp tục tiến hành các đợt phản công nhằm bảo vệ chủ quyền và tính mạng của người dân.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án hành động bạo lực ở khu vực này, mô tả rằng, những cảnh tượng kinh hoàng đó như “địa ngục trần gian”. Trước khi bạo lực nổ ra, tình hình tương đối ổn định ở trong khu vực nhưng hành động bất chấp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các chiến binh al-Qaeda đã buộc quân ủng hộ chính quyền Syria phải nổ súng.
Ông Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế và tôn trọng lệnh ngừng bắn. Phát biểu tại đầu phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Guterres nhấn mạnh: “Đông Ghouta không thể chờ đợi thêm nữa. Giờ là thời điểm cấp bách để chấm dứt cảnh địa ngục trần gian này”.
Không chỉ ở Đông Ghouta mà tại miền Bắc Syria, lực lượng cảnh sát và đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục vượt qua biên giới, đi vào vùng Afrin nơi người Kurd chiếm giữ, để tiến hành chiến dịch quân sự “Nhành Oliu” và chuẩn bị tái chiếm vùng đất biên giới này. Dù nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì các hoạt động quân sự cũng với lý do quen thuộc là “chống khủng bố”.
Trước những diễn biến trên, Nga hôm đầu tuần đã yêu cầu thực thi “điểm tạm dừng nhân đạo” hàng ngày, cho phép dân thường được sơ tán khỏi các vùng có chiến sự nơi phiến quân chiếm đóng gần Damascus. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra yêu cầu này và các “điểm dừng nhân đạo” sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian từ 9 đến 14h, bắt đầu từ 27/2.
Có thể nói, căng thẳng tại vùng chống xung đột ở Syria đã có cơ hội được hạ nhiệt nhưng vẫn tiếp tục bùng phát với những diễn biến khó lường khi mỗi bên đều mải miết theo đuổi những mục tiêu riêng và phớt lờ những quy định chung.
Sự nhún nhường bất thường của Mỹ
Trong sự kiện thông qua nghị quyết về lệnh ngừng bắn lần này, có một điểm khiến giới quan sát chú ý đó là thái độ nhún nhường bất ngờ của Washington đối với các đề xuất từ phía Nga liên quan tới việc lệnh ngừng bắn không áp dụng với hoạt động chống khủng bố.
Việc làm này giúp quân đội Syria cùng các lực lượng đồng minh diệt khủng bố trong khi vẫn đảm bảo các hoạt động viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên nó cũng có thể là cái cớ để Mỹ và các quốc gia phương Tây cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, thậm chí tuyên bố Damascus phạm “tội ác chiến tranh” – điều mà Washington từ trước tới nay luôn theo đuổi và cố gắng “gán mác” cho chính quyền Syria nhưng những chứng cứ họ đưa ra chưa bao giờ đủ thuyết phục.
Việc quân đội Syria tấn công phiến quân Đông Ghouta và khiến dân thường thiệt mạng được xem là cái cớ để Washington và các đồng minh phương Tây tiếp tục theo đuổi luận điệu đó để đạt được mục tiêu cuối cùng là loại bỏ quyền lực của Tổng thống Syria Assad.
Trong khi Lầu Năm Góc tính toán và theo đuổi mục tiêu trên, thì theo bộ Quốc phòng Nga, những phiến quân ở Đông Ghouta đã lợi dụng lệnh ngừng bắn để thành lập một trung tâm chỉ huy tác chiến chung gồm nhóm 5 tổ chức khủng bố là Jaysh al-Islam, Jabhat al-Nusra, Ahrar al-Sham, Faylaq al-Rahman và Fajr al-Ummah. Chúng đã lấy dân thường ra làm con tin và liên tục bắn phá vào Thủ đô Damascus, buộc quân Chính phủ Syria hành động.
Những đợt ném bom không ngừng qua lại đã khiến toàn bộ hoạt động của người dân Ghouta phải chuyển xuống dưới lòng đất. Nếu kéo dài tình trạng này, họ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe vì dưới các tầng hầm là cảnh sinh hoạt thiếu thốn điện, nước và không khí. Mưa bom bão đạn vẫn tiếp tục trút xuống, bất chấp những nỗ lực xây dựng lệnh ngừng bắn của nhiều quốc gia tại Hội đồng Bảo an, tình hình Syria vẫn rối ren hơn bao giờ hết, đẩy quốc gia Trung Đông này vào bãi lầy bạo lực tưởng như không bao giờ có hồi kết.
Xem thêm: Syria: Chiến đấu cơ Mỹ bất ngờ không kích vị trí quân Chính phủ ở Deir Ezzor?