Trong những tác phẩm của ông người ta đã đọc được những dự đoán cho một ngày tận diệt của thế giới.
Ngày tận thế qua “Bữa ăn tối cuối cùng”
Leonardo da Vinci là một họa sĩ của mảnh đất Florentine hào hoa, ông là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của thời kỳ Phục Hưng và được truy tôn như bậc thầy trong ngành hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chế tạo máy cơ khí, khoa hoc… Tình yêu bao la của ông trong việc trau dồi kiến thức và nghiên cứu đã đem lại những thành quả vĩ đại trong cả 2 lãnh vực nghệ thuật và khoa hoc. Không những thế, những áp dụng mang tính cách mạng của Leonardo da Vinci vào lĩnh vực hội họa đã tác động sâu sắc đến tư tưởng nghệ thuật Ý hơn một thế kỷ kể từ khi ông qua đời.
Bức bích họa "Bữa ăn tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci
Là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci miêu tả bữa ăn sau cùng của Chúa Jesus chia sẻ với các môn đồ trước khi chết. Bức tranh này của Vinci mô tả lại một chương trong sách Kinh Thánh rằng: Judas — một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu đã tố giác với nhà cầm quyền La Mã để bán đứng người thầy của mình đổi lấy 30 thỏi bạc. Ở bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Jesus đang nói với các môn đồ: "Trong các người có kẻ muốn bán rẻ ta".
Sẽ không có gì để bình phẩm nhiều về bức bích họa đã vốn quá nổi tiếng này nếu như gần đây không có một nhà khoa học tuyên bố rằng: “Trong bức tranh này, Leonardo da Vinci đã ngầm tiên đoán ngày tận thế của thế giới” (?)
Tuyên bố gây sốc này là của nhà khoa học có tên Sabrina Sforza Galitzia, một nhà nghiên cứu tại Đại học California bang Los Angeles và đang làm việc tại bộ phận Văn thư lưu trữ của Vatican. Trong kết luận sau một loạt các nghiên cứu về Leonardo da Vinci, Sabrina đã nói rằng: “Ngày tận thế của thế giới sẽ bắt đầu từ ngày 21/3/4006 và kéo dài đến ngày 1/11/4006 bởi một trận đại hồng thủy khủng khiếp. Tuy nhiên, Leonardo đã tin rằng điều này sẽ đánh dấu một sự khởi đầu mới cho nhân loại”.
Sabrina Sforza Galitzia đã đi đến kết luận “gây sốc” trên bằng cách giải mã những manh mối có giá trị trong tấm bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” của Vinci - cửa hình bán nguyệt phía trên bức tranh ông vẽ Jesus Christ cùng các môn đệ trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết bà đang làm công đoạn tiếp theo mà sẽ giải thích mật mã ẩn giấu của Da Vinci, liên kết với các ký hiệu của hoàng đạo và cách ông dùng 24 mẫu tự Latin để đặt cho 24 giờ trong ngày.
Sabrina Sforza Galitzia cũng cho biết thêm, bà đã tiến hành nghiên cứu và cố tìm ra mật mã trong bức tranh “ Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci trên một tấm thảm thêu bức "Bữa ăn tối cuối cùng" được làm cho vua Louis XIII của Pháp, dựa trên phác họa của da Vinci cho bức bích họa nổi tiếng của ông. Sở dĩ đến tận bây giờ “mật mã” mới được tiết lộ là do da Vinci là một nhà khoa học và một tín đồ đã sống trong những thời điểm khó khăn và đã giấu những thông điệp của ông để không bị tấn công bới những kẻ thù địch. Được biết, vào năm 2010, Vatican đã xuất bản tài liệu nghiên cứu của Sabrina Sforza Galitzia với tựa đề: “Bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo ở Vatican”.
Bí ẩn sau“ Kiệt tác bị thất lạc”
Là một trong những bức bích họa quan trọng nhất của Leonardo da Vinci, “Trận chiến Anghiari" đã ẩn chứa trong nó những bí ẩn mà đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu bức bích họa đã từng được cho là mất tích này có thực sự nằm sau một bức tường trong cung điện Vecchio ở thành phố Florence?”
Tháng 4 năm 1503, hai thần đồng hội họa thời kỳ Phục hưng của Ý là Leonardo và Michelangelo, ở cùng một nơi và buộc phải so tài trong lĩnh vực hội họa, bởi họ cùng được quan tòa Pier Soderini, người giữ chức quan tòa suốt đời tại Firenze thuê để vẽ. Cả hai chịu trách nhiệm thực hiện hai bức bích họa trên hai bức tường lớn, cái này cạnh cái kia và cùng nằm tại đại sảnh hội đồng thành phố ở cung điện Vecchio. Cả hai phải so tài qua một trận chiến: Leonardo thực hiện bức Anghiari, và Michelangelo bức Càscina nhằm đánh dấu việc nền cộng hòa tại Florence được thiết lập sau khi gia đình Medici bị lật đổ. Thế nhưng Da Vinci đã không thể hoàn tất công việc của mình vì một thời gian sau, Medici đã trở lại nắm quyền. Cũng từ đó, người ta đã không hề thấy tác phẩm “ Trận chiến Anghiari" nằm tại đại sảnh đó nữa.
Một phần của bức bích họa “Trận chiến Anghiari"
Tuy nhiên, vào năm 2009, với tuyên bố “Đã tìm thấy kiệt tác thất lạc của Leonardo da Vinci” của Maurizio Serancini- một chuyên gia nghệ thuật người Italia đã khiến cả thế giới phải chú ý. Seracini cho rằng năm 1563, một họa sĩ thời Phục hưng khác là Giorgio Vasari đã vẽ bức “The Battle Of Marciano In The Chiana Valley” phủ bên ngoài mặt tường che giấu bức “Trận chiến Anghiari” của Da Vinci. Vasari để lại dấu hiệu ám chỉ có một họa phẩm nằm ở đằng sau bức tranh của mình - lá cờ mang dòng chữ “Cerca Trova”, có nghĩa là “hãy tìm và bạn sẽ thấy”.
Sau nhiều năm tiến hành khảo sát, cuối cùng giáo sư Serancini đã được phép sử dụng thiết bị đặc biệt để phát hiện ra những gì nằm đằng sau bức tranh của Vasari. Bức “The Battle Of Marciano In The Chiana Valley” được cho là mô tả khung cảnh chiến đấu hoành tráng, lớn gấp ba lần so với kích cỡ họa phẩm “Trận chiến Anghiari" của Da Vinci. Ông Serancini cũng đã sử dụng hệ thống radar và tia X để dò ngăn bí mật trong bức tường mà thông điệp đã chỉ ra. Ông tin rằng ngăn bí mật được Vasari thiết kế nhằm bảo vệ tác phẩm của Da Vinci. “Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu trong một thời gian dài và chưa phát hiện ra bất cứ thông tin nào nói rằng kiệt tác này không còn tồn tại. Các đồng nghiệp của Da Vinci đánh giá đây là kiệt tác của ông. Nó tượng trưng cho những thành tựu nghệ thuật cao nhất trong thời điểm đó - giai đoạn đầu của thời Phục hưng”, Serancini cho biết.
Bí ẩn chứa sau “Trận chiến Anghiari"
Là một “thiên tài toàn năng” nên khả năng nhìn nhận thực tế để rồi đưa ra những lời nhận xét về tương lai của Leonardo da Vinci đã khiến thế hệ sau phải “ngả mũ than phục”. Trong nhật ký của nhà thiên tài này, người ta đã đọc một đoạn như sau: “ Thế giới sẽ xuất hiện một loại sinh vật mà chúng không hề ngừng chém giết nhau. Mỗi khi chiến tranh chúng lại gây cho nhau những tổn thất rất lớn. Thượng đế, sao ngài không mở những hang sâu, hẻm rộng để tống chúng xuống. Tại sao ngài không ban phát sự thương yêu mà lại chỉ có sự tàn khốc và chết chóc?”.
Từ những lời dự đoán này của Leonardo da Vinci, nhiều học giả đã cho rằng, đó chính là ám hiệu trong bức tranh “Trận chiến Anghiari"của ông. Bức bích họa này ra đời nhằm đánh dấu việc nền cộng hòa tại Florence được thiết lập sau khi gia đình độc tài Medici- một trong những cái tên được biết tới nhiều nhất trong thời kỳ đầu của lịch sử ngân hàng thế giới bị lật đổ vào năm 1503. Tác phẩm đã miêu tả cuộc chiến đấu khốc liệt và đẫm máu giữa các chiến binh vùng Florence và quân đội của gia đình Medici. Đây được cho là tác phẩm lớn nhất và độc nhất về quân sự của Leonardo da Vinci trong sự nghiệp của ông.
Trong tác phẩm này, Leonardo da Vinci đã khắc họa những nét mặt đau khổ, đăm chiêu và đau đớn của các chiến binh với cuộc chiến khốc liệt trên lưng ngựa. Tác phẩm này cũng thể hiện rất thành công tính chất ác liệt của cuộc chiến. Đồng thời trong “Trận chiến Anghiari” cũng ẩn chứa về quan điểm của tác giả về bạo lực giữa con người với con người.
Mặc dù “siêu tác phẩm” này đã bị coi là mất tích trong nhiều thế kỷ, nhưng nhiều học giả vẫn cho rằng, đó có thể được coi là “kiệt tác của kiệt tác” của Leonardo da Vinci. Cũng từ nội dung của bức bích họa “Trận chiến Anghiari” và những lời mà Leonardo da Vinci viết trong nhật ký, nhiều ý kiến nhận định rằng, hai sự việc đó thực chất có mối quan hệ với nhau. “ Ngụ ý trong bức tranh và câu nói của Leonardo da Vinci dự đoán nhân loại sẽ tự hủy diệt mình bằng bạo lực”- Một học giả cho biết.
Leonardo Da Vinci đã từng nói: "Họa sĩ - Nhà điêu khắc phải là nhà tư tưởng sáng tạo" - đây cũng chính là tôn chỉ cuộc sống của ông Với những kiệt tác mỹ thuật, những phát minh vĩ đại, Leonardo Da Vinci đã để lại cho nhân loại những công trình nghiên cứu khoa học, các tác phẩm nghệ thuật cũng như những đóng góp to lớn của ông mãi in dấu và mãi trở thành di sản vô giá của nhân loại.
Hải Hiền