Les Bleus, muốn sống, thì phải sẵn sàng để chết

Les Bleus, muốn sống, thì phải sẵn sàng để chết

Thứ 3, 19/11/2013 20:09

World Cup 2006 : “On vit ensemble, on meurt ensemble” – Chúng ta cùng sống, chúng ta cùng chết. World Cup play-off 2013: "On est prêt à mourir sur le terrain" – Chúng tôi sẵn sàng chết trên sân. Chết, không phải là hết. Nhưng, chết, cũng không phải muốn là được.

Giữa hai từ “chết” được thốt ra từ miệng các cầu thủ Pháp của hai thế hệ, có một sự khác biệt.Thế hệ của Zidane 2006, trước khi nguyện chết vì nhau, thì họ phấn đấu sống vì nhau.

Thế hệ của Ribery 2013 thì dẫu bây giờ sẵn sàng chết vì nhau, họ lại chưa bao giờ thực sự sống vì nhau.

Bóng đá Quốc tế - Les Bleus, muốn sống, thì phải sẵn sàng để chết

Đó là điều mà đêm nay họ phải học.

Chỉ 90 phút ngắn ngủi.

Nhưng có còn hơn không.

Tự hào

“Tự hào” bây giờ không phải là một từ sáo rỗng mà là một tinh thần cần phải có.

Bởi sự không tự hào thì đang nhan nhản trong xã hội Pháp.

Tổng thống Pháp Francois Hollande rõ ràng chẳng có gì đáng tự hào khi sự ủng hộ của ông trong dân Pháp giờ tụt xuống chỉ còn 20%, thấp nhất trong lịch sử.

Nước Pháp cũng chẳng có gì đáng tự hào khi kinh tế cứ be bét suốt và ngày càng bị nước Đức bỏ lại phía sau.
Dân Paris hãnh tiến cũng chẳng có nhiều thứ để tự hào khi cả ngày hôm qua chết khiếp với mối lo một gã điên cầm súng đi khắp Paris nã đạn lung tung.

Bóng đá thì lại càng có ít thứ để tự hào.

Noel Le Graet, chủ tịch LĐBĐ Pháp méo mó đáng thương khi bị BFMTV mời lên chương trình đầu giờ sáng thứ Hai và hỏi thẳng vào mặt “dân Pháp không tự hào về đội bóng này, các ông định làm gì?”.

BFMTV như CNN của Pháp còn Jean-Jacques Bourdin thì nhẫn tâm như Larry King.

Khi sự tự hào bị đạp đến tận đáy bùn thì đó cũng là lúc nó phải bật dậy.

Người Pháp có thể chấp nhận sự thua cuộc, nhưng không chấp nhận sự không phản kháng.

Vứt đi

Bóng đá chưa bao giờ cứu được một dân tộc, nhưng bóng đá lại thường phản chiếu chính xác một xã hội.

Bóng đá Pháp hiện bế tắc như xã hội Pháp.Cũng giống như ông Hollande, có đến 80% dân Pháp hiện “không có thiện cảm” với Les Bleus.

Cũng không nên bi kịch hóa con số này bởi ở nước Pháp bây giờ, cứ thăm dò dư luận thì kết quả hầu như đều là tiêu cực.

Vấn đề, như đã nói ở trên, là Les Bleus phải coi đó là giới hạn cuối cùng để bật ngược trở lại.

Tròn 20 năm trước, ngày 17/11/1993, Kostadinov ghi bàn thắng đau đớn vào lưới Bernard Lama trên sân Parc des Princes để loại Pháp khỏi World Cup 1994.

Bài hát được bật trên sân Parc ngày hôm đó là “L’Amerique”– "Nước Mỹ" của Joe Dassin, nhưng thế hệ của Eric Cantona, Jean-Pierre Papin, Ginola… đã không bao giờ được đặt chân đến nước Mỹ.

Không biết Stade de France đêm nay có can đảm phát lại bài hát đó không, vì Amerique cũng có nghĩa là châu Mỹ.
Didier Deschamps nên làm việc đó, bởi dám đối mặt trực tiếp với kỷ niệm tồi tệ nhất trong đời cầu thủ, Deschamps mới có đủ dũng khí vượt qua thử thách lớn nhất cho đến lúc này trong đời HLV.

Sau năm 1993, bóng đá Pháp coi như vất đi cả một thế hệ, phải tạo dựng lại từ đầu và 5 năm sau vô địch World Cup 1998.

Nhưng nếu điều tương tự xảy ra vào 2013, có cho vàng cũng chẳng mấy người tin Les Bleus sẽ vô địch World Cup 2018.

Đêm nay là cơ hội cuối cùng cho một thế hệ có- thể- sắp-bị- vứt- đi.

Muốn sống, vì thế, phải sẵn sàng để chết.

Theo Thể thao Văn hóa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.