Cuối cùng thì sau bao chờ đợi, chiếc LG G2 của nhà sản xuất xứ Hàn đã được giới thiệu. Sự kiện này được chú ý bởi hiệu ứng từ sự thành công của những chiếc Nexus 4 hay Optimus G, những sản phẩm hiếm hoi của nhà sản xuất này được thị trường đón nhận nồng nhiệt.
Nexus 4, chiếc điện thoại hiếm hoi của LG được chào đón nồng nhiệt
Những lời lẽ ca tụng đã được quan chức của LG đưa ra, và thông điệp của họ năm nay đã khác mọi khi: không còn chú trọng quá mức vào cấu hình hay những thông số kỹ thuật, mà tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm cho người dùng, với rất nhiều tính năng mới được thêm vào.
Thế nhưng, có vẻ như, LG đã quá quen với vị thế của kẻ theo đuổi, chứ chưa có bản lĩnh, có tố chất của một kẻ dẫn đầu, và chiếc G2 là minh chứng cho điều đó: hay đấy nhưng chưa đủ.
LG, kẻ theo đuổi vĩ đại
Đóng góp của LG cho ngành công nghiệp di động là không cần bàn cãi. Họ có gì: có chiếc điện thoại hai nhân đầu tiên trên thế giới, có chiếc điện thoại đến nay vẫn được coi là có độ sáng lớn nhất, và cũng là hãng đầu tiên giới thiệu điện thoại 4 nhân, và vừa qua là hãng giới thiệu chiếc điện thoại Nexus giá rẻ đầu tiên.
Optimus 2X, chiếc điện thoại 2 nhân đầu tiên trên thế giới
Optimus 4X HD, chiếc điện thoại 4 nhân đầu tiên trên thế giới
Optimus Black, chiếc điện thoại với độ sáng màn hình khủng khiếp
Mọi sản phẩm đỉnh cao của họ đều có một cái gì đó nổi trội, có một cái gì đó làm người ta chú ý, nhưng cũng chỉ dừng lại là vậy. Người ta có thể thấy là hay, có thể thích thú, nhưng người ta sẽ không có nhiều cảm tình để “rinh” một chiếc về. Trong tâm trí người tiêu dùng, LG luôn là hãng cung cấp những công nghệ mới nhất, ở mức giá rẻ nhất (trong số các nhà sản xuất lớn), do đó, họ cũng sẽ nghĩ, chúng có chất lượng tồi nhất.
Samsung, Nokia, HTC,.. đều có những sản phẩm lỗi, nhưng khi ấy người ta không đổ lỗi nhiều cho thương hiệu, mà chỉ coi là một trường hợp không may. Trong khi với LG thì ngược lại, thương hiệu của họ sẽ gánh mọi chỉ trích khi một sản phẩm có vấn đề dù là nhỏ nhất.
Lý giải cho điều ấy, chính là việc thiết kế, và cách mà LG tùy biến cho chiếc điện thoại của họ chưa đủ để nâng chúng lên tầm siêu phẩm, chưa đủ độ “sang chảnh” cần thiết, và quan trọng nhất, chưa thực sự quan tâm tới người dùng cần gì, muốn gì.
LG G2 ra đời với tham vọng thay đổi điều đó.
LG G2: rằng thì hay thật hay…
LG G2 làm một cuộc cách mạng về nhiều thứ, nhưng lần này không còn là về những thông số kỹ thuật khô khan, chỉ có thể làm “lay động trái tim” những fan cuồng công nghệ nữa. Lần này, LG quyết tâm đánh mạnh vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng, điều mà hầu như tất cả các hãng sản xuất khác đang thực hiện và đa phần đều thành công.
Hãy xem LG đã làm gì với sản phẩm của họ:
- G2 có con chip mạnh nhất trên thế giới hiện nay, chip Snapdragon 800, và kết quả benchmark cho thấy hiệu năng khủng khiếp không thể bàn cãi của con chip này. Ngoài ra, nó còn có mức tiêu thụ điện năng rất hợp lý nhờ ứng dụng công nghệ big.LITTLE của ARM cho phép tắt các nhân rảnh rỗi khi chạy các tác vụ nhẹ.
Snapdragon 800, con chip di động mạnh nhất thế giới
- Đi kèm với chip hiệu năng cao và hiệu quả trong tiêu thụ năng lượng là một viên pin 3000mAh. LG đã phải rất mất công nghiên cứu cách sắp xếp mạch điện trong quả pin này để giảm tối đa kích thước, khiến máy không mất đi độ mảnh mai cần thiết.
Viên pin của G2 được LG nghiên cứu kỹ lưỡng
- Máy được trang bị hệ thống âm thanh chất lượng cao, với khả năng chơi nhạc được mã hóa 24bit/192kHz. Chức năng này tương đương với nhiều DAP cao cấp trên thị trường. Với một chiếc headphone chất lượng tốt, người dùng hoàn toàn có thể thưởng thức âm thanh đạt chuẩn HiFi mà không phải vác theo vô số những máy nghe nhạc và phụ kiện khác.
- Thay đổi cách mạng nhất mà G2 mang đến, đó là việc nó đã đưa toàn bộ các phím bấm vật lý ra mặt sau, một điều mà chưa có bất kỳ nhà sản xuất nào chú ý. Đã khá lâu kể từ khi người ta nhận thấy chiếc điện thoại của mình quá to để có thể sử dụng các phím bấm vật lý ở các cạnh của máy, nhưng điều đáng ngạc nhiên là chưa nhà sản xuất nào đưa ra được giải pháp trọn vẹn như LG. Đây là một cải tiến mang tính cách mạng thực sự, là điểm đáng chú ý nhất trên chiếc điện thoại này. Với cải tiến này, LG đã thực hiện lời cam kết chỉ làm tất cả những gì tốt nhất cho khách hàng, thay vì làm những gì tốt nhất của mình.
Hệ thống phím vật lý được đưa toàn bộ ra phía sau là điểm nổi bật nhất trong thiết kế của LG G2
- Camera với khả năng chống rung quang học, giúp người dùng chộp được những khoảnh khắc rõ nét mà bình thường chỉ nhận được một khung hình mờ nhòe không rõ ràng.
Camera với hệ thống chống rung quang học
Với tất cả những cải tiến ấy, LG G2 hứa hẹn sẽ mang đến một luồng gió mới, làm đổi thay bộ mặt của LG trong làng thiết bị di động.
Nhưng mà trong đó đắng cay cũng nhiều
Hứa hẹn là vậy, nhưng G2 vẫn còn đó một thứ gì đó chưa “đủ tầm”, như một “thói quen” của LG khi tạo ra các sản phẩm của mình: luôn không hoàn hảo ở một khoản gì đó!
Nhớ lại một chút buổi ra mắt và những hình ảnh trên các mặt báo công nghệ hôm nay, hãy thử nói rằng bạn thích thiết kế của LG G2 xem! Chiếc điện thoại này có một “bộ mặt” rất đẹp đẽ, long lanh, nhưng mặt lưng thì phải nói là xấu đến… đau đớn. Độ xấu ấy được cộng hưởng từ hệ thống nút bấm vật lý cũng … không lấy gì làm đẹp.
G2 đáng lẽ ra phải được làm từ một vật liệu cao cấp, thì nó lại được làm từ nhựa, vật liệu mà những nhà sản xuất đang cố gắng hết sức để loại bỏ ra khỏi phân khúc cao cấp (có lẽ là trừ Samsung), hay đây là đặc trưng của những sản phẩm đến từ Hàn Quốc? LG đã quá “lười” khi ôm nguyên thiết kế của chiếc Optimus G Pro vào chiếc điện thoại này, trong khi chúng có những điểm khác nhau rõ rệt.
Máy thực sự rất xấu nếu không nhìn từ phía trước
Thiết kế đã xấu, nhưng những gì mà các quan chức của LG đưa ra để thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn chiếc G2 cũng chưa thực sự thuyết phục.
- Con chip Snapdragon 800 mạnh mẽ: phải, tất nhiên là vậy, nhưng con chip này không phải lần đầu xuất hiện, nó có trên nhiều thiết bị cao cấp khác rồi.
- Camera chống rung quang học: chiếc Lumia 920 và 1020 đã có từ lâu rồi, chưa kể đến việc người ta vốn đã không tin tưởng camera của các sản phẩm từ Hàn Quốc.
- Viên pin 3000mAh với thiết kế đặc biệt: thật nực cười, một công ty Trung Quốc đã chế tạo ra quả pin 5000mAh mà độ mỏng của chiếc điện thoại của họ không kém LG G2.
Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới sự thành công của chiếc điện thoại này:
- Sự thành công và doanh số vẫn tiếp tục tăng của các sản phẩm đầu bảng từ các nhà sản xuất khác. Khi là kẻ đến sau, bạn sẽ nhận được nhiều cái nhìn xét nét, soi mói hơn những kẻ dẫn đầu.
- Sự sắp ra mắt của những chiếc iPhone, trong đó có cả phiên bản giá rẻ chắc chắn sẽ rút bớt nhiều doanh số của những sản phẩm hiện nay, trong đó bao gồm cả chiếc G2.
- Chiếc Nexus 5 sắp ra mắt, và với truyền thống cấu hình cao – giá rẻ - phần mềm mới của dòng sản phẩm này, doanh số của những chiếc điện thoại khác sẽ bị giảm sút nghiêm trọng với tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng.
Với những điều bất lợi ấy, một tương lai nhiều chông gai sẽ đón chờ chiếc điện thoại chủ lực này của LG.
Thu Hằng