Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ 18 - dịp tranh tài lớn nhất của các tác phẩm điện ảnh trong nước sẽ diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh.
Lo ngại về tiền lệ xấu
Nếu đem ra so sánh, LHP quốc tế Hà Nội chỉ là dịp hội ngộ của đông đảo người làm điện ảnh và có rất ít phim Việt hay dự thi; Giải Cánh diều Vàng chỉ là dịp quy tụ của những tác phẩm điện ảnh hoàn thành trong một năm thì LHP VN chính là dịp tranh tài lớn nhất của các tác phẩm điện ảnh Việt. Vậy, vì sao các nhà làm phim không mấy mặn mà với việc đưa "đứa con tinh thần" của mình tham gia tranh tài ở LHP VN? Câu trả lời có lẽ nằm ở ngay LHP VN lần thứ 17 tổ chức tại Phú Yên, khi kết quả tại đêm trao giải tạo ra nhiều sự tranh cãi và bức xúc giữa các thành viên BGK cũng như với những người làm nghề.
Một cảnh trong phim “Đường đua” vừa ra mắt cũng sẽ tham dự LHP lần thứ 18.
Khẩu hiệu của LHP lần thứ 17 là "Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập", điều đó đòi hỏi tác phẩm đoạt giải phải đáp ứng hàng loạt vấn đề về chính trị, xã hội - nghệ thuật. Trong khi đó kết quả lại khiến cho nhiều người rất bất ngờ khi Hot boy nổi loạn - bộ phim vốn không được đánh giá cao và lại thuộc dòng phim giải trí được đăng quang. Thêm vào đó, nhiều giải thưởng tại LHP VN lần thứ 17 bị giới làm phim đánh giá là không phản ánh đúng chất lượng của phim.
Nhiều người còn đặt ra câu hỏi rằng, tại sao Hot boy nổi loạn và Vũ điệu đam mê - những bộ phim chỉ đơn thuần đáp ứng thị hiếu của giới trẻ lại giành được giải cao nhất trong khi hàng loạt những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao như: Cánh đồng bất tận; Long thành cầm giả ca, Tâm hồn mẹ... đều bị xếp xuống tận đáy. Kết quả không thuyết phục, không tạo được sự đồng thuận lớn đã khiến cho LHP VN lần thứ 17 gặp phải phản ứng lớn của đa số đại biểu tham dự và khiến cho LHP ít nhiều bị mất đi uy tín. Điều đó cho thấy chất, lượng của giám khảo là yếu tố quyết định sự thành bại của một LHP.
Sau LHP VN lần thứ 17, trưởng ban giám khảo là đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận được rất nhiều ý kiến chỉ trích từ những người làm nghề. Một đạo diễn có tiếng (xin được giấu tên) đã nhận xét rằng: "Là trưởng ban giám khảo nhưng Lưu Trọng Ninh đã làm hỏng cả một LHP mang tầm quốc gia và gây ra rất nhiều tranh chấp nội bộ. Đương nhiên, ông không phải là người quyết định nhưng ý kiến của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến những thành viên trong ban giám khảo. Vì sao tại các kỳ LHP ở Mỹ, người ta không thắc mắc về kết quả bởi ở đó có hơn 4000 thành viên trong viện Hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ chấm giải trong khi đó ở ta, những người "cầm cân nảy mực" lại chưa thực sự làm tốt vai trò của mình".
Theo điều lệ quy định tại LHP VN, sẽ có ít nhất 7 thành viên giám khảo phim truyện được chọn ra với tiêu chí "có uy tín, được đánh giá cao về nghề nghiệp và công minh". Năm nay, một số đạo diễn uy tín như: Đặng Nhật Minh, Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Võ Nghiêm Minh... không có phim dự thi tại LHP lần này nên họ đang là những ứng cử viên sáng giá cho những chiếc ghế nóng. Người trong giới và khán giả yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 có lẽ chỉ dám kỳ vọng rằng, LHP năm nay sẽ không lặp lại những "sóng gió" đã có trong LHP trước đây để những tác phẩm thực sự xứng tầm được lên ngôi.
Lửa Phật được đặt nhiều kỳ vọng tại LHP lần này.
Điểm mặt anh tài
Với khẩu hiệu "Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập", LHP Việt Nam lần thứ 18 sẽ diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 11 đến 15/10. Theo thông tin từ Ban tổ chức, đến nay đã có hơn 70 bộ phim ở các thể loại đăng ký tham dự LHP VN lần này gồm: 20 phim điện ảnh, 22 phim tài liệu, 10 phim khoa học, 15 phim hoạt hình... Đây cũng là kỳ LHP có nhiều phim điện ảnh tham gia tranh giải nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên điều đáng nói là ở thể loại phim truyện điện ảnh, nhiều ứng viên nặng ký như: Chạm (Đạo diễn (ĐD) Nguyễn Đức Minh), Bay vào cõi mộng (ĐD Nguyễn Phương Điền), Ngọc viễn đông (ĐD Cường Ngô), Mỹ nhân kế (ĐD Nguyễn Quang Dũng) vẫn vắng mặt. Một số phim thể loại kinh dị được công chúng yêu thích như: Lời nguyền huyết ngải (ĐD Bùi Thạc Chuyên), Ngôi nhà trong hẻm (ĐD Lê Văn Kiệt)... cũng không có tên trong danh sách. Trong khi đó, có khá nhiều tác phẩm từng bị xếp vào dạng phim "thảm họa" như: Giấc mộng giàu sang, Đam mê, Ranh giới trắng đen, Cát nóng... lại nằm trong danh sách phim tham gia tranh giải tại LHP lần này.
Điều này chỉ ra một thực trạng chung tại các kỳ LHP từ trước đến nay là trước khi mang “đứa con tinh thần” của mình tham gia tranh tài, các nhà sản xuất phải đem lên bàn cân để tính toán chi ly rất nhiều vấn đề và việc quyết định tham dự hay không, phụ thuộc rất lớn vào mục đích mà họ đặt ra. Có những nhà sản xuất biết chắc chắn rằng tác phẩm của họ khó có thể đoạt giải nên không mang đi dự vì sợ "quê". Thêm vào đó, hãng sẽ mất đi uy tín và thông thường khi đã xác định đi tranh tài, họ phải tính một phần tương đối chắc chắn về kết quả mới tham dự, nhất lại là ở một giải thưởng có uy tín như LHP VN.
Mặt khác, lại có nhiều hãng phim sẵn sàng tham dự bất kỳ LHP nào với mục đích để quảng bá cho thương hiệu và gây ấn tượng với công chúng, nhất là ở dòng phim thị trường khi nhà sản xuất đã có lợi nhuận từ doanh thu phòng vé. Hoặc giả nhà sản xuất không tham dự LHP quốc gia để tìm kiếm cơ hội lớn hơn tại một LHP quốc tế. Dẫn chứng là bộ phim Cánh đồng bất tận - một tác phẩm điện ảnh được đánh giá rất cao từ các nhà phê bình lẫn khán giả đã không tham dự LHP VN lần thứ 16 vì dự giải ở LHP Pusan (Hàn Quốc) (trong LHP Pusan có quy định tác phẩm tham gia phải chưa tham dự bất kỳ một LHP nào khác - PV). Chỉ đến LHP VN lần thứ 17, Cánh đồng bất tận mới góp mặt nhưng lại không may mắn giành được giải.
Cần một cuộc so găng sòng phẳng
LHP năm nay có sự vượt trội về lượng phim tham dự nhưng liệu sự tăng lên về số lượng có đi liền với chất lượng? Bởi ở các LHP gần đây như LHP lần thứ 16, 17, mặc dù đều có sự ngang ngửa về số lượng nhưng "phim Nhà nước" lại luôn có sự vượt trội về chất lượng so với phim tư nhân. Đến kỳ LHP lần này, chỉ có hai “phim Nhà nước” là Cát nóng và Mùi cỏ cháy tham dự "cuộc đua". Sự áp đảo của dòng phim tư nhân khiến cho nhiều người lo ngại rằng, LHP năm nay khó có thể tìm ra những tác phẩm thực sự đạt chất lượng và đảm bảo yêu cầu về nghệ thuật. Vì với dòng phim thị trường, khi bắt tay vào sản xuất, hầu hết các hãng phim tư nhân đều nhắm đến yếu tố thương mại làm đầu.
Và với họ, giải thưởng lớn nhất chính là số lượng những tấm vé bán ra khi tác phẩm được công chiếu, còn yếu tố nghệ thuật (nếu có) chỉ xếp từ thứ 2 trở đi. Sự an toàn của đồng vốn khiến họ phải chấp nhận hướng đến khán giả và đáp ứng thị hiếu của họ chứ không hướng đến nghệ thuật. Trong khi đó ở các LHP quốc gia hay quốc tế, người ta tôn vinh những giá trị về mặt nghề nghiệp và nghệ thuật.
Nhìn ở một góc độ khác, sự chiếm chỗ của dòng phim tư nhân trong các kỳ LHP là điều đáng mừng, bởi nó tỏ rõ quan điểm của Bộ hay của cục Điện ảnh là không phân biệt “phim Nhà nước” hay phim tư nhân mà chỉ có sự đánh giá sòng phẳng và ngang nhau giữa các đơn vị làm phim.
Nhìn vào mặt bằng chung của phim Việt có thể thấy, vẫn chưa có những bộ phim có sự đột phá thực sự về mặt nghệ thuật mà chỉ có đột phá mang tính chất thương mại và bạo lực. Đường đua hay Lửa Phật là đều là phim bạo lực và thuộc dạng phim găng - tơ đã được Việt hóa. Những người yêu điện ảnh chỉ biết hy vọng với những nỗ lực đổi mới, tìm tòi phát hiện và đầu tư của các nhà quản lý lẫn nhà sản xuất, điện ảnh Việt sẽ có những bước tiến đáng kể trong thời gian không xa. |
Loan Thanh