Phiến quân Hồi giáo đã mua binh lính trẻ em từ các gia đình với giá 375 bảng Anh. Chúng cũng biên soạn hẳn một danh sách những phụ nữ chưa lập gia đình, người đang mang thai hoặc đã có con để chọn lọc mua họ về làm nô lệ tình dục. Báo cáo vừa được các nhà điều tra cao cấp của LHQ công bố đang gây chấn động dư luận thế giới.
Quân Chính phủ Mali không đủ mạnh để đè bẹp lực lượng phiến quân Hồi giáo
Báo cáo cho biết, lực lượng phiến quân Hồi giáo Mali, vốn được cho là có quan hệ gần gũi với mạng lưới khủng bố Al Qaeda, đã mua chuộc sự ủng hộ của người dân địa phương và thu hút họ gia nhập lực lượng bằng cách bãi bỏ các khoản thuế, trả tiền cho các chiến binh và gia đình họ một cách khá hậu hĩnh.
Ngoài ra, phiến quân cũng vừa dụ dỗ, vừa đe dọa để mua các trẻ vị thành niên từ các gia đình trong khu vực do chúng kiểm soát với giá khoảng 375 bảng Anh một em. Các em sẽ ngay lập tức bị gí súng vào tay và tiến lên chiến đấu với quân đội Chính phủ vốn được huấn luyện và trang bị tốt hơn.
Hàng nghìn trẻ em Mali đã thiệt mạng một cách oan uổng vì chiến lược vô nhân tính đó của phiến quân, chưa kể một số lượng lớn khác chết do kẹt giữa lửa đạn của các cuộc giao tranh và chết trên đường đi sơ tán.
Kinh khủng hơn, đích thân trợ lý Tổng thư ký LHQ về Nhân Quyền, ông Ivan Simonovic cho biết sau chuyến tìm hiểu thực tế tại Mali rằng: Phiến quân còn mua phụ nữ từ gia đình của họ với giá khoảng 620 bảng Anh để làm nô lệ tình dục cho các chiến binh. Họ thường xuyên bị chúng mua đi bán lại như một món hàng, một số bị ép buộc làm gái mại dâm. Hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá và giết người tràn lan đang diễn ra khắp nơi trên miền Bắc Mali.
Báo cáo của phái đoàn LHQ còn cho biết, quân nổi dậy cực đoan đã áp dụng luật Hồi giáo hà khắc Sharia trên khu vực miền bắc Mali kể từ khi chúng giành được quyền kiểm soát vào tháng Ba khi một cuộc đảo chính xảy ra, đẩy đất nước vào cảnh hỗn loạn. Đã có ba vụ hành quyết, tám người bị chặt chân, tay và hai vụ đánh roi nơi công cộng, theo luật này. Lệnh cấm hút thuốc, nghe nhạc, cấm phụ nữ học tập, làm việc hay ra ngoài mà không có người đàn ông trong gia đình đi cùng cũng đã được ban hành.
Ước tính, có đến 1/3 người dân miền Bắc Mali đã bỏ trốn khỏi chế độ hà khắc của phiến quân. Khoảng 270.000 người đang phải sống khổ sở trong các trại tị nạn bên kia biên giới của các nước láng giềng như Burkina Faso hay Mauritania.
Ông Ivan Simonovic nhấn mạnh: "Nếu không có hành động ngăn chặn trong những ngày tới, sự tồn tại của đất nước này sẽ bị đe dọa - một người biểu tình tuyên bố. Một người khác thì cho rằng: Không giúp đỡ Mali sẽ là một tội ác lịch sử của cộng đồng châu Phi và quốc tế".
Yêu cầu quốc tế can thiệp Tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ vừa diễn ra tại New York (Mỹ), cả Chính phủ Mali, lãnh đạo khối ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) đều lên tiếng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gửi quân đến giúp Chính phủ Mali, nhưng yêu cầu này chỉ nhận được sự ủng hộ của duy nhất Tổng thống Pháp. Các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an đều chưa muốn chấp thuận cho đến khi một kế hoạch chi tiết hơn về việc này được thông qua. |
Thanh Tùng (theo Telegraph và Fox News)