Một thanh niên Syria giới thiệu tên mình là Raid, 19 tuổi. Trông cậu gần như kiệt sức.
Bảy tháng trước, Raid chạy trốn khỏi thành phố Aleppo đầy mùi thuốc súng, tới thủ đô Beirut của Li-băng cùng bố mẹ và sáu anh chị em. Gia đình cậu nhanh chóng hết tiền tiêu. Một người bà con của Raid nói rằng, cậu có thể bán một quả thận cho một người đàn ông cổ to bè tên là Abu Hussein.
Hussein, 26 tuổi, làm việc cho một nhóm tội phạm buôn tạng người, chủ yếu là thận. Nhóm tội phạm này đang kiếm bộn tiền từ một thực tế rằng khoảng một triệu người Syria đã tới Li-băng tị nạn, nhiều người trong số đó không biết kiếm sống bằng cách gì.
Trong cơn tuyệt vọng, họ bán tạng của mình dù biết điều đó trái luật. Nhóm buôn tạng thực hiện các vụ phẫu thuật lấy gan, thận tại các phòng khám không có giấy phép.
Cư dân các khu vực nghèo khó ở Beirut gọi sếp của Abu Hussein là “Ông lớn”. Mười lăm tháng trước, “Ông lớn” giao nhiệm vụ mới cho Hussein: tìm người bán tạng. Theo ông trùm này, trong dòng người Syria chạy trốn nội chiến ngày càng đông chắc chắn có dân nghèo sẵn sàng bán tạng.
Raid mới đây bán thận ở Li-băng, vết thương vẫn chưa lành. Ảnh: Der Spiegel.
Kẻ bán nhiều hơn người mua
Theo Luc Noel, chuyên gia ghép tạng của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva (Thụy Sỹ), Li-băng có điều kiện lý tưởng cho ngành mua bán tạng. Đó là việc mua bán tạng trái phép diễn ra nhiều năm nay, số người nghèo rất lớn còn một số ít người giàu thì thuộc dạng tiêu tiền mỏi tay không hết, trong khi chính phủ quản lý vấn đề y tế chưa nghiêm.
Mỗi năm, hàng chục nghìn người Ảrập giàu có ở những nước trong khu vực tới Beirut để trị bệnh tại những bệnh viện lớn. Giới chức Li-băng nhiều khi không quan tâm xem bệnh nhân về nước với cái mũi mới hay với quả thận mới.
Trước đó, đối tượng bán nội tạng chủ yếu là người Palestine nghèo khổ. Nay, do số người tị nạn Syria ngày càng đông, nhiều người lâm bước đường cùng, nên hai nhóm bán tạng phải cạnh tranh nhau, dẫn tới giá gan, thận đi xuống.
“Hiện nay, chúng tôi có nhiều người bán thận hơn người mua”, Abu Hussein nói. Anh này nói rằng, bốn tay chân khác của “Ông lớn” đã môi giới 150 vụ mua-bán thận trong 12 tháng qua. Theo Hussein, các băng nhóm khác cũng làm ăn tương tự.
Các chuyên gia ước tính, trên thế giới, mỗi năm có 5.000-10.000 quả thận được ghép trái phép. “Nhiều sản phẩm của chúng tôi được chuyển ra nước ngoài, ví dụ, vịnh Ba Tư”, Hussein tiết lộ và nói thêm rằng, “Ông lớn” cũng có khách hàng ở Mỹ và châu Âu.
Đủ sống đến mùa xuân
Raid không gặp vấn đề gì từ việc bán quả thận trái, vì thanh niên này khỏe mạnh và không hút thuốc. Cậu chơi cho đội tuyển bóng đá quốc gia (đội trẻ của Syria). Trong lúc khám sức khỏe, các bác sĩ hành nghề trái phép ở Li-băng nói dối Raid để cậu bình tĩnh.
Họ nói rằng, nếu may mắn, thận sẽ mọc trở lại và không có tác dụng phụ sau mổ. Thực tế, thận không mọc lại và người hiến phải trải qua kiểm tra sức khỏe trong nhiều năm sau đợt phẫu thuật và những người như Raid không thể có đủ tiền để tái khám nhiều lần như vậy.
Raid nhận được 7.000 USD từ tiền bán thận. “Khi tôi lái xe đưa Raid và mẹ cậu tới phòng khám, một đồng nghiệp của tôi đi mua sắm với bố cậu ta”, Hussein nói.
Gia đình tám người của Raid thiếu đủ thứ: đệm, quần áo mùa đông, lò nướng… Khi mua hết những đồ đó, gia đình Raid vẫn còn đủ tiền để sống qua mùa đông. Còn sau đó? “Tôi không biết”, Raid trả lời.
Tối muộn hôm đó, Raid ngồi sau xe của Hussein, cảm thấy đau nhức. Bảy ngày trước, thận của cậu được lấy ra từ phía bụng. “Tôi cần thuốc. Anh nói anh sẽ đưa thuốc giảm đau cho tôi”, Raid nói với Hussein. Kẻ môi giới quát: “Im mồm. Tao không quan tâm nếu mày chết. Dù sao đời mày cũng tàn rồi”.
Theo Tiền phong