Lí giải nguyên nhân: Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu

Lí giải nguyên nhân: Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 6, 16/12/2016 09:05

Suốt 15 năm qua, người dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) vô cùng khổ sở vì phải lưu thông trên con đường đất mùa nắng thì bụi mù còn mùa mưa thì lầy lội.

Mười lăm năm trước, vào năm 2001, UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao cho UBND huyện Đông Hải và Sở Giao thông vận tải là đơn vị chủ đầu tư xây dựng năm cây cầu trên tuyến đường huyết mạch liên xã Long Điền Đông và Long Điền Đông A.

Có lẽ quyết định đó đã khiến người dân hai xã nói riêng và huyện Đông Hải nói chung thoạt đầu vô cùng vui mừng và hạnh phúc bởi họ chắc mẩm, từ nay cuộc sống dân sinh sẽ được cải thiện một cách đáo để. Hàng hóa, công nghệ, tri thức… cứ thế chạy thẳng băng từ đường làng ra đường phố, từ phố trở về một cách dễ dàng.

Nhưng than ôi, con đường mà bằng phẳng, mọi chuyện mà trơn tru như mong đợi của người dân thì đã chẳng có gì đáng bàn.

Năm cây cầu được khởi công xây dựng với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng (từ 15 năm trước) đã xong từ lâu nhưng con đường kết nối người dân từ muôn nẻo ngõ đến những cây cầu lại…bị bỏ bẵng cho đến tận bây giờ khiến cuộc sống người dân cũng chẳng cải thiện là mấy.

Bởi trước khi đặt lốp xe lên cây cầu để đến với cuộc sống văn minh ngoài phố thì bà con cũng phải hít đủ bụi (trong những ngày nắng) và có khi ngã dúi dụi do trơn trượt, lầy lội (trong những ngày mưa).

Xi nhan Trái Phải - Lí giải nguyên nhân: Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu

 Bà con nơi đây vô cùng khổ sở khi phải lưu thông trên con đường mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù. Ảnh: Nhân dân

Ông bà ta nói cấm có sai, “xấu đều còn hơn tốt lỏi”. Thà rằng UBND tỉnh không chỉ đạo xây liền lúc năm cây cầu có khi bà con đỡ “kêu” bởi đôi khi “sống lâu trong cái khổ, họ quen khổ rồi”. Nhưng đây, lại nửa nạc nửa mỡ, nửa bê tông, nửa bùn đất khiến người dân phải dấy lên sự “so sánh”, phải khó chịu bởi sự khấp khểnh, không đồng bộ.

Nhưng dù sao, qua sự việc này, chúng ta mới có thêm giả thiết để lí giải những éo le trong câu chuyện “Chị tôi” mà nhạc sĩ Trần Tiến phải day dứt suốt hơn ba chục năm nay.

"Cầu xây xong đã lâu, không thấy người về đưa dâu" có lẽ cũng chỉ vì con đường lầy lội quá, xấu xí quá khiến người đàn ông xây cầu không thể mang sính lễ đến nhà “chị tôi” để dạm ngõ cũng như xin dâu được.

Không biết trong vòng 15 năm ở huyện Đông Hải, có người phụ nữ nào gặp phải bi kịch tựa như người “chị” của Trần Tiến hay không. Điều đó chưa ai biết, chỉ biết rằng cuộc sống của người dân trước và sau khi được xây cầu cũng không có gì khác biệt lắm. Bà con nơi đây, đặc biệt là các em học sinh khi đi học, đi làm đều gặp phải cảnh dở khóc, dở cười với con đường “khó chiều”.

Đành rằng việc không có kinh phí cũng là một lí do vô cùng chính đáng và hợp lí, hợp tình để giải thích cho sự “đầu tư không triệt để” này. Nhưng khi không muốn, người ta sẽ tìm lí do còn khi thực sự muốn người ta sẽ tìm cách. Không có chuyện gì là không thể giải quyết được. Chủ yếu người ta có thực sự muốn hay không.

Chỉ cần chính quyền địa phương phát động thì chắc chắn nhân dân trong vùng sẽ hết sức ủng hộ theo đúng phương châm của hai xã Long Điền Đông và Long Điền Đông A: “địa phương và nhân dân cùng làm”. Bởi việc đóng góp công, góp của để làm đường đâu chỉ đơn thuần là trách nhiệm, nghĩa vụ, nó còn là quyền lợi trực tiếp của những người dân trong vùng.

Thôi thì đã thương, thương cho trót, đã vót, vót cho tròn. Cầu đã đẹp thì đường cũng phải tinh tươm.

Trịnh Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.