Cách đây vài ngày, chúng tôi đã đưa tin về việc hệ điều hành iOS 7 mới trở thành nguyên nhân khiến nhiều người dùng cảm thấy chóng mặt thậm chí buồn nôn. Tưởng như vấn đề này chỉ nảy sinh với một số ít người và sẽ nhanh chóng qua đi khi người dùng dần làm quen với giao diện phẳng cũng như tắt bớt các hiệu ứng không cần thiết. Tuy nhiên, chiều hướng đang diễn biến có phần phức tạp hơn. Trang web hỗ trợ chính thức của Apple mỗi ngày nhận được vô số các khiếu nại về việc khách hàng của họ cảm thấy nôn nao, chóng mặt sau khi cố sử dụng giao diện iOS 7 khoảng 10 đến 20 phút. Con số này ngày một tăng lên và chính các bác sỹ cũng như các nhà tâm lý học đã phải thừa nhận rằng bệnh “say giao diện iOS 7” (cybersickness) là có thật và nó khá giống với những triệu chứng của bệnh say tàu xe (motionsickness).
Một số nạn nhân nói rằng: “Việc sử dụng iOS 7 cũng giống như việc bạn cố gắng đọc sách trên xe, nó gây ra các triệu chứng tương tự như: chóng mặt, nhức đầu, và thậm chí cả cảm giác buồn nôn”. “Hiệu ứng thu phóng ở khắp mọi nơi trên hệ điều hành iOS 7 làm tôi buồn nôn và đau đầu”. Rất nhanh chóng, chủ đề này đã được người dùng ghé thăm trên 15.000 lần, rồi lại có thêm hàng chục lời phàn nàn tương tự. Các chuyên gia đã thống kê được 3 tác nhân chính là thủ phạm gây ra cybersickness trên iOS 7. Đó là sự kết hợp của một màn hình có độ phân giải cao, hiệu ứng 3D nổi và hiệu ứng thu phóng khi mở ứng dụng.
Những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống tiền đình của một số người dùng nhất định. Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên, nó là một hệ thống giữ vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình. Nếu như rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra một trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo......gây khó chịu. Thì cybersickness không thuộc nhóm bệnh lý nhưng lại gây ra các triệu chứng gần như vậy. Phần tai trong đảm nhiệm việc xác định độ cân bằng và mắt cho não bộ hình ảnh bên ngoài. Khi hai bộ phận ấy không thể đồng bộ trong việc cung cấp cho não bộ thông tin về trạng thái cân bằng của cơ thể, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Một số người mắc phải, một số thì không, và một số thì đã quen với các triệu chứng kể trên. Trong quá khứ, cybersickness cũng là tác nhân hạn chế khá nhiều sự phát triển của các rạp chiếu phim IMAX hoặc một số người xem phim 3D, khi đó bộ não nghĩ rằng bạn đang di chuyển nhưng thực tế là không như vậy. Điều này cũng đúng một phần khi chuyển qua các loại màn hình cỡ nhỏ của iPhone hay iPad.
Theo các bác sĩ y khoa và nhà tâm lý học đã nghiên cứu cybersickness, hiệu ứng Parallax trên iPhone và iPad chạy iOS 7 có thể biến các biểu tượng trên màn hình Homescreen ở trạng thái “rung rinh” hoặc di chuyển độc lập với hình nền, đó là nguyên nhân khiến một số người dùng bị mất phương hướng giữa 2D/3D. Tiếp đó, hiệu ứng zoom khi bạn mở, đóng, hoặc chuyển ứng dụng có thể làm cho bộ não nghĩ rằng bạn đang di chuyển, nhưng hệ thống tiền đình lại đi ngược lại với kết luận này. Và cuối cùng, độ phân giải và tốc độ khung hình cao của iPhone, iPad chạy iOS 7 có thể đánh lừa bộ não để nó nghĩ rằng màn hình Retina là một phần của thế giới thực, chứ không phải là một màn hình hiển thị kỹ thuật số, góp phần làm trầm trọng thêm những tác động trước đó. Theo thống kê thì cybersickness thậm chí còn phức tạp hơn đối với người dùng iPad, do màn hình lớn hơn và chiếm khoảng nhìn của người dùng nhiều hơn. Nhưng mức độ "say" nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào khoảng cách giữa mắt người dùng và thiết bị.
Giải pháp hạn chế chóng mặt, buồn nôn trên iOS 7
Cybersickness không phải là một triệu chứng có thể chữa trị trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với những người mắc phải khi dùng iOS 7, họ có thể tiến hành một số cài đặt đơn giản để làm giảm bớt mức độ tác hại của nó. Cụ thể, để tắt các hiệu ứng parallax trên màn hình Homescreen, người dùng có thể vào mục Settings > General > Accessibility > Reduce Motion. Tuy nhiên còn tính năng zoom là không thể vô hiệu hóa được. Song với tình hình này, nhiều khả năng Apple sẽ bổ sung thêm chức năng tắt hiệu ứng zoom khi mở ứng dụng trong các bản cập nhật iOS sắp tới.
Cũng giống như say tàu xe, một giải pháp khác cho các “iSickness” là hãy nhìn ra chỗ khác một lúc sau một thời gian sử dụng điện thoại/máy tính bảng. Buồn nôn là do bộ não mất cân bằng bởi các yếu tố đầu vào từ đôi mắt và đôi tai, để khắc phục vấn đề này đơn giản nhất là nhìn đi chỗ khác cho đến khi bộ não lấy lại thăng bằng. Trong khi đó, có một người sử dụng đã chia sẻ cách “khắc phục” của riêng mình: “Tôi đến của hàng AT&T gần nhất và đổi chiếc iPhone 5 với iOS 7 lấy một chiếc iPhone 5 mới nhưng dùng... hệ điều hành iOS 6”.
Hiện nay, nếu bạn không sử dụng iPhone 4 thì một khi đã nâng cấp lên iOS 7, việc quay trở lại iOS 6 gần như không thể. Bên cạnh đó iOS 7 cũng chưa thể jailbreak để có thể cài đặt các giao diện mới, vì vậy, một bộ phận “iSickness” phải từ bỏ iOS 7 có lẽ cũng là điều dễ hiểu bởi không ai lại muốn bị hành hạ bởi cảm giác đau đầu hay buồn nôn chỉ vì dùng điện thoại.
Hằng Giang