Ngày đầu tiên của xuân Mậu Tuất trôi qua nhanh tựa như một cái chớp mắt. Trên Facebook tôi ngập tràn ảnh du xuân, chúc Tết; ai nấy đều gửi gắm những thông điệp ngập tràn yêu thương, gieo niềm tin vào một năm mới tốt đẹp hơn, trọn vẹn hơn. Nhưng giữa bức tranh tươi sáng ấy vẫn thấp thoáng những khoảng lặng đầy suy tư, trăn trở và không ít trong số đó đến từ tục mừng tuổi, hay còn gọi là lì xì đầu năm.
- “Sao bèo thế. Có hai chục ngàn bọ!"
- “Ôi giồi, lì xì ít hơn chú X tận 450k!"
- “Mẹ ơi, sáng nay con được hai triệu lận!”
Những câu văn có nội dung như thế này vẫn thường được đưa ra làm ví dụ minh hoạ cho các bài viết về cách ứng xử, văn hoá nhận lì xì; phần lớn đều đi đến kết luận tục lệ tốt đẹp nay đã bị biến tướng và thủ phạm gây nên tình trạng này không ai khác chính là các bậc phụ huynh “lắm tiền nhiều của”.
Đành rằng, nếu những câu cảm thán kể trên thực sự thốt ra từ miệng một đứa trẻ, bố mẹ chúng cần xem lại cách dạy dỗ và cả môi trường sống của con em mình. Sẽ chẳng có đứa trẻ nào được giải thích cặn kẽ về nguồn gốc, ý nghĩa của phong bao lì xì ngày Tết; lớn lên cùng những người lớn không quá coi trọng đồng tiền và vật chất lại có những phát ngôn gửi gắm quá nhiều sự tính toán đến vậy.
Tuy nhiên, như người ta vẫn giải thích về ý nghĩa của phong tục lì xì, giá trị của bao lì xì ngày Tết không nằm ở số tiền nằm bên trong, tức là dù bỏ 5.000 đồng hay 500.000 đồng thì cũng đều đáng trân trọng như nhau. Vậy thì tại sao lại phải nâng cao quan điểm, rằng người bỏ nhiều tiền hơn vào phong bao lì xì chỉ chạy theo sĩ diện, làm hỏng tuổi thơ của một đứa trẻ thậm chí khiến trẻ coi thường người khác?
Thật buồn cười khi có người lập luận rằng trẻ sẽ trở nên ích kỷ, đua đòi hơn khi được người lớn cho nhiều tiền mừng tuổi bởi thực tế, cha mẹ chỉ trích một phần rất nhỏ từ số tiền lì xì để mua đồ chơi “theo yêu cầu”(nếu có), phần còn lại sẽ được đút lợn hoặc đầu tư cho sự nghiệp học hành của chúng.
Bản thân tôi đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở Hà Nội. Theo “luật bất thành văn” trong dòng họ, hễ còn đi học là còn được lì xì, nên dù đã tự chủ về kinh tế từ hai năm trước, tôi vẫn được xếp vào diện “được mừng tuổi” thay vì “phải mừng tuổi” cho người già, trẻ nhỏ. Với thâm niên hơn 10 năm xoè tay nhận tiền lì xì (sau giai đoạn “đưa mẹ giữ hộ”), tôi có thể khẳng định rằng đây chính là điều mà những đứa trẻ mong chờ nhất trong ngày Tết.
Xin đừng vội cho rằng bọn trẻ bây giờ thực dụng, chỉ quan tâm đến mệnh giá tiền; bởi cái cảm giác nhận lấy chiếc phong bao đỏ hoặc nguyên tờ tiền mới coóng là một trong những trạng thái khó diễn tả nhất trên đời và không dễ hình dung trọn vẹn qua một vài tính từ biểu thị niềm vui.
Thú thực, vẻ mặt ỉu xìu khi không được nhiều tiền mừng tuổi của chúng dù sao chăng nữa vẫn rất hồn nhiên, rất… trẻ con và không đáng chê trách. Còn việc những người lớn bày mưu tính kế để tặng hiện vật (như bùa may mắn, vé số, bút thước…) hoặc tiền có mệnh giá thấp để người nhận không thể chối từ thì hết sức khó hiểu. Đây mới chính là những người thực dụng, khi tính tới tính lui với một đứa cháu có khi cả năm không gặp, không thăm hỏi nấy một lần.
Liệu tặng hiện vật, cho tiền với mệnh giá thấp nhất có giữ nguyên nét đẹp của lì xì? Tôi không trách họ, bởi rất có thể tấm lòng thơm thảo của họ đã “bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Chỉ thấy hơi thất vọng, vì họ đã đặt niềm vui của mình lên trên niềm vui con trẻ, áp đặt suy nghĩ của mình lên sự háo hức, ngây thơ con trẻ…
Giá như trong không khí tươi vui phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới, tất cả những người lớn đều “nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” và học cách bao dung hơn với những phản ứng dễ gây mất lòng của người được mừng tuổi.
Ngân Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả