Viết sử với "chì" và "màu"
Huỳnh Phương Đông (1925 -2015), tên khai sinh Hùynh Công Nhãn là cái tên nổi tiếng với những người yêu hội họa thời chiến.
Những người thân thuộc với cố họa sĩ đều công nhận Huỳnh Phương Đông là một cây bút tài năng bởi sự đa dạng về thể loại, đặc biệt ông cực kì giỏi ở thể tài kí hoạ, đây là thể tài đã làm nên tên tuổi ông trong giới hội hoạ Việt Nam.
Nhân dịp 47 năm thống nhất đất nước và 60 năm Ngày thành lập Phòng Hội họa Giải phóng, Triển lãm “Bên chiến hào” được tổ chức với 97 tác phẩm nổi bật trong đó có tới 82 bức ký họa chân dung đồng nghiệp, chiến sĩ, mẹ anh hùng,... và 15 bức ký họa về các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước tại chiến trường Đông Nam bộ.
Đa phần các tác phẩm được trưng bày đều trong khoảng thời gian từ 1963.
Thông qua những ký họa của Huỳnh Phương Đông đời sống đầy lạc quan, sôi động của những cô cậu chiến sĩ được thể hiện: “Tôi vẽ chân dung hàng trăm bạn bè và đồng chí… hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường.
Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỉ niệm về họ…”. Thật không ngoa khi nói những bức kí họa của cố họa sĩ chính là những trang sử bằng sắc màu khắc họa âm hưởng hào hùng và sự can trường trong từng ánh mắt, từng cử chỉ của nhân vật.
Nói về bút lực của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi chia sẻ: “Những người họa sĩ sinh ra nơi chiến trường rất khác biệt vì điều kiện của họ khốc liệt nên họ phải nắm bắt khoảnh khắc rất là nhanh.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông rất là có tài ký họa khi mà ông phác từng nét bút ra như thể con tim hằn lên trang giấy vậy. Khi ông đặt bút nét nào thì nét bút đó để đời và bút lực của ông có có người thứ hai".
Bác sĩ Lê Thị Thu – phu nhân họa sĩ Huỳnh Phương Đông xúc động với buổi triển lãm được diễn ra và được mọi người đón nhận nồng nhiệt: “Ngày nay ở hai thập niên đầu của thế kỷ 21, có hai bạn trẻ đã tôn vinh ký họa kháng chiến… Tôi cảm xúc về điều này, ký họa kháng chiến chưa bị lãng quên”.
Không chỉ tôn vinh người nghệ sĩ mà những giá trị tốt đẹp của dân tộc đã được các bạn trẻ gìn giữ, tiếp nối và làm vang vẻ hơn rất nhiều.
Cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một người cống hiến hết mình cho nghệ thuật cũng như một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Người nhà và những người đồng nghiệp đều nói rằng ông vẽ bất kể ngày đêm và luôn có dụng cụ vẽ bên mình để sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc anh dũng của những người chiến sĩ.
Những nét bút của Hùynh Phương Đông đầy tinh tế đã làm rung cảm hai chàng trai trẻ cũng như thế hệ sau hiểu được thời chiến dù các bạn chưa từng trải qua.
Thế hệ trẻ tiếp nối trong “Bí danh Huỳnh Phương Đông”
Song song với hoạt động triển lãm, cùng ngày ban tổ chức cũng giới thiệu tới bạn đọc sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” do hai bạn trẻ Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn.
Quyển sách tập hợp khoảng 250 tác phẩm của cố họa sĩ gồm ký họa chân dung, phong cảnh và trong đó còn có cả những bức thư yêu thương mà Huỳnh Phương Đông gửi về gia đình.
Các bức ký họa này đều nằm trong giai đoạn cố họa sĩ dùng tên con trai mình làm bí danh (tức Huỳnh Phương Đông). Sách được sắp xếp theo những người đồng đội mà Huỳnh Phương Đông gặp, những tranh thu nhỏ lại được đặt vào trong một bối cảnh khác lớn hơn như thôn xóm, làng mạc.
Chia sẻ về lý do Việt và Cường tổ chức triển lãm “Bên chiến hào”, Việt hào hứng giải thích bức ảnh họa sĩ Huỳnh Phương Đông đang tham dự triển lãm nơi tiền tuyến đã tạo một nguồn cảm hứng rất lớn cho anh tổ chức buổi triển lãm.
Tuy rằng ngày hôm nay chưa hẳn là một buổi triển lãm bên chiến hào thực sự nhưng đã phần nào đem lại cho mọi người không khí ngày xưa. Buổi triển lãm thực sự đã gợi lại biết bao ký ức thời chiến cho vợ và người thân, đồng nghiệp của cố họa sĩ.
Về cơ duyên đến với ký họa của Huỳnh Phương Đông, anh Việt bồi hồi nhớ lại: “Con thích sưu tập những đồ xưa cũ như sưu tập tem nên con đã bị thu hút bởi những bức thư họa sĩ gửi bà Thu. Vào năm 15 tuổi con còn nhìn thấy một bức kí họa trong ba tập kí họa là "Miền Nam Việt Nam – Đất nước, con người" và rất yêu thích nhưng lúc đó chưa có cơ hội tiếp cận bản gốc.
Chính cô Lê Thị Thu đã trực tiếp trao cho con sứ mệnh đưa những bức ký họa tới với công chúng, trong đêm con đem tài liệu trở về con cảm thấy như đang ở trong cái đêm chiến trường đó”. Cho đến nay anh Việt đã sưu tập được 400 bức kí họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Hùng Cường lại là một nhiếp ảnh gia với niềm yêu thích ghi lại những vật xưa cũ, thông qua lời ngỏ của Hoàng Việt mà anh đã cùng tới nhà cố họa sĩ và đã bị ấn tượng và xúc động với không gian ấm cúng của ngôi nhà cũng như những câu chuyện, những bức thư mà bà Lê Thị Thu kể cho anh nghe.
Từ niềm yêu thích với những điều xưa cũ hai bạn trẻ đã đem đến cho khán giả một tác phẩm và triển lãm chất chứa bao kỷ niệm không chỉ riêng về cố họa sĩ mà là kỉ niệm của cả dân tộc.
Khi được hỏi về những lá thư trong sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông”, bà Lê Thị Thu chia sẻ: “Tất cả tình cảm anh viết trong thư chính là tình cảm chung những người tham gia kháng chiến. Đó là tình cảm mong chờ ngày sum họp và dựa trên tình cảm chung của đất nước.”.
Không chỉ có tình đồng chí, tình yêu quê hương mà trong sách còn chất chứa cả tình yêu thời chiến phải chịu xa cách nhưng vẫn luôn hướng về nhau trong niềm mong chờ sum họp.
Một điều được bật mí về cuốn sách đó là trang 89 chính là trang được chọn làm bìa, Cường và Việt bật mí trang 89 cũng là câu trả lời cho tựa đề sách.
Chia sẻ thêm về cái tên Huỳnh Phương Đông của con trai cả, bà Thu hào hứng nhớ lại: “Ban đầu tên phương Đông là do nhân dịp Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương Đông chứ chưa có ý nghĩa là lãnh đạo điều anh ấy ra ngoài miền Nam, phải hai tháng sau nhận lệnh tôi mới nhận được thư của anh lấy tên con làm bí danh.
Tôi cũng xin bật mí thêm là không nghĩ Cường và Việt sẽ làm tới triển lãm đâu mà chỉ muốn hai bạn biết về người họa sĩ nơi chiến trường đã từng thế nào, vì không biết hai bạn sẽ làm sách hay triển lãm.”
Kết thúc buổi trò chuyện về triển lãm "Bên chiến hào" và sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông”, mọi người cùng nhìn về tấm ảnh hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và dành một phút mặc niệm để nhớ về cố họa sĩ. Bà Thu bồi hồi nói: “Nếu anh Đông không mất vì dịch bệnh thì hôm nay chúng ta còn được thấy anh ký họa tại chỗ, sẽ vui hơn nữa.”
Thu Hiền