Tháng 4, Hội Luật gia Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (4/4/1955-4/4/2025), dịp này các ĐBQH đã chia sẻ, gửi gắm những kỳ vọng đối với sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam gắn với sự phát triển mạnh mẽ, vươn mình của dân tộc.
Phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên mới
Chia sẻ với Người Đưa Tin về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong suốt chặng đường 70 năm đã qua, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa- Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đại biểu tỉnh Lạng Sơn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực mà Hội đã đạt được trong thời gian qua.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Hội Luật gia Việt Nam – một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đã không ngừng phát triển trong suốt 70 năm qua. Hội khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong bảo vệ công lý, thúc đẩy công bằng xã hội và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa.
Các hoạt động nổi bật của Hội như tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; hỗ trợ giải quyết khiếu nại, hòa giải cơ sở; góp phần cải cách tư pháp, cải cách hành chính; giám sát thực thi pháp luật; cùng với công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế… đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đem lại kết quả thiết thực.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội kỳ vọng Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy công lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân cũng như doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, trong thời gian tới các hoạt động của Hội nên ưu tiên chú trọng vào các nội dung như nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật. Theo đó, tăng cường nghiên cứu khoa học pháp lý, đóng góp ý kiến cho các dự án luật trong chương trình của Quốc hội cũng như văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Nhất là phát huy vai trò, tiếng nói và trí tuệ của Hội và các Hội viên trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cuộc Cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Tổ chức hội thảo, diễn đàn pháp lý, thu thập ý kiến đa chiều từ chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để hệ thống pháp luật ngày càng thực tiễn, minh bạch và hiệu quả; đưa ra nhiều kiến nghị để cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, hỗ trợ pháp lý cho nhóm yếu thế, đẩy mạnh vai trò bảo vệ quyền con người và quyền công dân, đặc biệt với các đối tượng cần sự trợ giúp.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, đồng thời chú trọng phát triển đội ngũ luật gia chất lượng cao.
Đặc biệt, cần quan tâm chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức luật gia toàn cầu, nâng cao vị thế của Hội trên trường quốc tế và thúc đẩy hội nhập sâu rộng.
"Với truyền thống 70 năm, những đóng góp nổi bật thời gian qua và tinh thần đổi mới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng đất nước trong Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa tin tưởng.
Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc biệt
ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhìn nhận, Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc biệt, khác với những tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thực hiện và tham gia xây dựng pháp luật. Các cấp Hội, từ Trung ương đến cơ sở, luôn thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với các cơ quan địa phương, Hội đồng Giáo dục pháp luật cấp huyện và cơ sở để tuyên truyền pháp luật đến với người dân, giúp họ nắm bắt và hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Đánh giá về Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 1/7/2022, về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng là hội viên Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao chủ trương này. Ông nhấn mạnh, Chỉ thị 14 là một định hướng quan trọng, giúp củng cố và phát triển Hội Luật gia từ Trung ương đến địa phương.
"Đây là một "liều thuốc", một cẩm nang và cơ sở định hướng nhất quán để tạo điều kiện cho Hội Luật gia các cấp tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình", đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã đóng góp rất nhiều trong tổ chức thực hiện và tham gia xây dựng pháp luật. Các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã có sự đóng góp rất tích cực, rất có trách nhiệm trong các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong phối hợp với cơ sở, Hội đồng giáo dục pháp luật của cấp huyện cũng như của cơ sở để tuyên truyền pháp luật cho người dân, giúp người dân nắm bắt, hiểu về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đánh giá về việc Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, cũng là hội viên Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Phạm Văn Hòa ghi nhận và đánh giá rất cao Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị về củng cố, xây dựng hội luật gia các cấp từ Trung ương cho tới tận cơ sở.
Từ khi có Chỉ thị 14, từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các huyện thành trong cả nước đã ban hành văn bản để củng cố xây dựng tổ chức Hội Luật gia.
"Nơi nào có cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở cũng đều xây dựng kế hoạch để phối hợp thực hiện với Hội luật gia. Các cấp Hội Luật gia trong cả nước đã phối hợp rất tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan tư pháp, phối hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân (mỗi nơi sẽ có cách tuyên truyền theo hình thức phù hợp)", đại biểu Phạm Văn Hòa nói và nhấn mạnh công tác phối hợp giáo dục pháp luật của Hội Luật gia các cấp trong toàn quốc đã thể hiện được các vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong việc tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
"Với hơn 100 nghìn hội viên là các luật gia có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Hoàng Bích – Ngọc Tân