Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 11/08/2022 06:18

Với lịch sử thăng trầm ở Đức, điện hạt nhân một lần nữa được mang ra tranh luận khi khủng hoảng năng lượng đe dọa nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Điện hạt nhân đã từng được ca tụng, rồi bị lên án và bị cấm ở Đức. Bây giờ có khả năng nó sẽ lấy lại vị thế của mình trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng theo sau xung đột Nga-Ukraine.

Từ bước ngoặt…

Tất cả bắt đầu từ một “quả trứng”: Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Đức đi vào hoạt động vào tháng 10/1957, ở Garching, gần Munich.

Với hình dạng đặc biệt của mình, lò phản ứng này được đặt biệt danh là “quả trứng nguyên tử” và thuộc về Đại học Kỹ thuật Munich.

Nó là một bước ngoặt trong nghiên cứu hạt nhân và là biểu tượng của sự khởi đầu mới sau Thế chiến II. Lò phản ứng dùng cho mục đích nghiên cứu hoạt động đến năm 2000.

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử”

Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Đức bắt đầu hoạt động vào năm 1957. Ảnh: DW

Ba năm sau khi “quả trứng nguyên tử” đi vào hoạt động, vào năm 1960, một lò phản ứng hạt nhân khác, ở Kahl am Main, thuộc Bavaria, trở thành nơi đầu tiên sản xuất năng lượng cho mục đích dân dụng. Theo sau nó, một loạt các lò phản ứng mạnh mẽ tương tự được xây dựng ở Đức. Hồi đó, năng lượng nguyên tử được coi là an toàn và đảm bảo. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã thúc đẩy năng lượng hạt nhân phát triển hơn nữa.

…Đến sự tẩy chay

Năm 1980, một đảng mới được thành lập ở Tây Đức: Đảng Xanh (Greens). Các thành viên của đảng này bao gồm những người cánh tả, những người theo chủ nghĩa hòa bình, những nhà bảo vệ môi trường và những người phản đối điện hạt nhân. Đảng Xanh đã tham gia vào Hạ viện (Quốc hội Đức) vào năm 1983.

Những người phản đối năng lượng hạt nhân ở Đức đặt câu hỏi: Năng lượng hạt nhân sạch như thế nào, trong bối cảnh không có nơi lưu trữ an toàn cho các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Hàng nghìn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối nhà máy điện hạt nhân Brokdorf, ở bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức.

"Năng lượng hạt nhân ư? Không, cảm ơn" đã trở thành lời kêu gọi tập hợp của các nhà bảo vệ môi trường Đức.

Sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân đã sớm trở thành hiện thực. Ngày 28/3/1979, nhà máy điện hạt nhân tại đảo Three Mile, thuộc bang Pennsylvania của Mỹ, đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy Chernobyl, Ukraine, thời đó thuộc Liên Xô, đã phát nổ, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất mọi thời đại. Một đám mây phóng xạ lan rộng khắp châu Âu. Sự cố hạt nhân này dẫn đến bước ngoặt đầu tiên đối với điện hạt nhân ở Đức.

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử” (Hình 2).

Các cuộc biểu tình tại nhà máy điện hạt nhân Brokdorf thường xuyên trở thành bạo lực, bắt đầu từ những năm 1970. Ảnh: DW

Nước Đức vào thời điểm đó bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức. Người ở Đông Đức có vẻ nhận được rất ít thông tin về vụ Chernobyl và tác động của nó, trong khi người ở Tây Đức bị bao trùm bởi sự bất định.

Các chính trị gia dường như bất lực. Không ai được chuẩn bị để ứng phó với một sự cố bụi phóng xạ như vậy. Chính phủ thiếu các chủ trương và chính sách. Các đội chống khủng hoảng được thành lập và sau đó giải thể.

Mọi người đổ xô đi mua các viên i-ốt, và hàng tấn trái cây, rau, sữa - được cho là bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ - bị tịch thu và tiêu hủy và biến mất khỏi các kệ siêu thị. Trẻ em không còn được phép chơi với cát, người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài khi trời mưa.

Không có tác động nào về sức khỏe có thể đo lường được đã được ghi nhận ở Đức. Nhưng sự cố Chernobyl đã dẫn đến việc áp dụng mức phóng xạ trên toàn quốc, và sự thành lập của một cơ quan chính phủ là Bộ Môi trường Liên bang.

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử” (Hình 3).

Hình ảnh từ phim tài liệu phát trên truyền hình về những người được giao nhiệm vụ dọn dẹp sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, khiến người ở Tây Đức lo lắng. Ảnh: DW

Thị trấn Wackersdorf của bang Bavaria đã được chọn để xây dựng một nhà máy xử lý lại các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Nhưng quá trình xây dựng nhà máy này đã bị gián đoạn khi biểu tình nổ ra khiến một số người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Cuối cùng, việc xây dựng bị dừng lại vào năm 1989. Phong trào môi trường ở Đức đã tuyên bố thắng lợi lớn đầu tiên của mình.

Trong khi đó ở phía Bắc, thị trấn Gorleben, thuộc bang Lower Saxony (Niedersachsen), đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống chất thải hạt nhân. Gorleben vốn được chọn để tiếp nhận các vật liệu còn sót lại từ các lò phản ứng hạt nhân cho đến khi một địa điểm cố định được chỉ định. Những mẻ chất thải hạt nhân đầu tiên được chở đến đây vào ngày 24/4/1995.

Những thập kỷ trăn trở

Đức đã nhiều lần từ bỏ rồi quay lại với năng lượng hạt nhân.

Liên minh trung tả của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Xanh dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder đã thực hiện việc loại bỏ năng lượng hạt nhân trong một thỏa thuận với các công ty năng lượng lớn vào năm 2001.

Tuổi thọ của tất cả 19 nhà máy điện hạt nhân ở Đức đều được quy định với các mốc khác nhau, nhưng hạn chót là nhà máy cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2021.

Năm 2010, chính phủ trung hữu dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã hủy quy định trên, đồng thời quyết định kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.

Phải đến một sự cố hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới mới tạo ra sự thay đổi chính sách ở Đức.

Ngày 11/3/2011, sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, do động đất và sóng thần, đã gây ra một làn sóng chấn động trong giới chính trị toàn thế giới. Và Đức không phải ngoại lệ.

Bà Angela Merkel - một nhà vật lý được đào tạo bài bản - đã thực hiện một sự thay đổi chính sách đột ngột khiến nhiều người ngạc nhiên.

Bà Merkel đột ngột thông báo rằng kỷ nguyên điện hạt nhân của Đức sẽ kết thúc triệt để vào cuối năm 2022.

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử” (Hình 4).

Đức đã cho đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân còn lại của đất nước vào ngày cuối cùng của năm 2021. Ảnh: Al Jazeera

Ngày 30/7/2011, Quốc hội Đức bỏ phiếu thông qua quyết định đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân của đất nước vào thời điểm nêu trên.

Sau nhiều năm bị phản đối dữ dội, nhà máy điện hạt nhân Brokdorf ở Schleswig-Holstein đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2021. Tuổi thọ của nhà máy này là khoảng 35 năm.

Năm 2017, Đức bắt đầu công cuộc tìm kiếm trên toàn quốc một địa điểm phù hợp về mặt địa chất để làm “nghĩa địa hạt nhân” – nơi chôn chất thải phóng xạ cao trong 1 triệu năm. Khu vực này phải nằm ngoài đá cứng, không có nước ngầm hoặc động đất có thể gây rò rỉ. Hạn chót để tìm ra địa điểm này là năm 2031.

Lấy lại vị thế?

Xung đột Nga – Ukraine, bùng phát thành hành động quân sự từ cuối tháng 2/2022, khiến Đức phải vật lộn để tìm cách thay thế các nguồn cung năng lượng từ Nga. Một khi không thể lay chuyển về mặt chính trị, hạn chót cho sự kết thúc của điện hạt nhân ở Đức hiện đang được đem ra tranh luận.

Các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ là những người đầu tiên yêu cầu cho phép các nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu hơn, để sản xuất điện thay thế khí đốt.

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử” (Hình 5).

Lãnh đạo của các đảng đối lập bảo thủ CDUCSU bày tỏ sự ủng hộ đối với năng lượng hạt nhân tại nhà máy Isar 2 vẫn đang hoạt động ở Bavaria, tháng 8/2022. Ảnh: DW

Thế giới - Lịch sử điện hạt nhân Đức: Bắt đầu từ “quả trứng nguyên tử” (Hình 6).

Ngôi làng Wattenbacherau của Đức, dưới chân nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Bavaria, tháng 8/2022. Ảnh: NYT

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân thiện với doanh nghiệp, cũng nhanh chóng ủng hộ việc quay trở lại với năng lượng hạt nhân.

Đảng của ông là đối tác cấp dưới trong liên minh trung tả với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Đảng Xanh.

Đảng Xanh rất có thể sẽ cảm thấy khó đồng ý với việc gia hạn cho điện hạt nhân, vì phản đối năng lượng hạt nhân là một trong những đường lối cốt lõi của họ.

Nhưng mùa hè năm 2022, không ai ở Đức dám loại trừ hoàn toàn khả năng điện hạt nhân sẽ lại lên ngôi ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Minh Đức (Theo DW)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.