Đen: Nghe nói đề thi Sử tốt nghiệp cấp 3 có tận 2,3 đáp án đúng.
Đá: Thì Bộ đã giải thích rồi còn gì. Đó chỉ là những “phương án gây nhiễu” thôi.
Đen: Đúng là phải tôn trọng lịch sử vì làm sao có thể thay đổi được.
Đá: Thế nên bây giờ ở các địa phương mới có tình trạng bổ nhiệm “thừa” tràn lan như thế.
Đen: Bổ nhiệm lãnh đạo địa phương thì liên quan gì đến lịch sử?
Đá: Ông chẳng biết gì cả. Tất cả đều tại “lịch sử để lại”.
Đen: Ông muốn nói đến tỉnh nào? Thái Nguyên, Hải Dương hay Bình Định?
Đá: Ở Thanh Hóa vừa phát hiện ra việc thừa gấp đôi số lãnh đạo mà Thông tư liên tịch của Chính phủ và bộ Nội vụ đã quy định.
Đen: Chức vụ gì?
Đá: Phó Chánh văn phòng. Theo quy định là không quá 3 người.
Đen: “Ít” nhỉ! Tôi thấy sở Tư pháp, sở TN&MT, sở NN&PTNT, sở Xây dựng hay sở Y tế tỉnh này đều có nhiều lãnh đạo hơn nhân viên.
Đá: Hay ở chỗ ông Chánh văn phòng UBND tỉnh đổ lỗi cho… “lịch sử để lại”.
Đen: Có vẻ câu trả lời này gây “nhiễu” nhỉ!
Đá: Chưa hết, trong số 6 Phó Chánh văn phòng này còn có 3 người được bổ nhiệm cùng ngày cơ.
Đen: Họ không biết đến 2 thông tư liên tịch của Chính phủ và bộ Nội vụ về quy định cấp Phó Chánh văn phòng không quá 3 người à?
Đá: Chịu.
Đen: Tôi cứ nghĩ làm lãnh đạo địa phương thì ít nhất cũng phải biết và tuân thủ nghiêm những quy định này cơ đấy?
Đá: Có thể do tham mưu, để “linh động” hoặc bởi “quá tôn trọng lịch sử”.
Đen: Đồng ý là lịch sử thì không thay đổi được nhưng chúng ta đang sống ở hiện tại. Sao lại đổ tại quá khứ nên giờ “đành phải chấp nhận” như thế.
Đá: Các ông ấy bảo vì lý do đó thì biết thế thôi. Ai bảo lịch sử không biết “cãi”?
Đ.Đ