ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2023. Theo đó, 3 đợt thi chính thức sẽ diễn ra vào các ngày: 10/6, 17/6, 8/7.
Thời gian mở đăng ký dự thi đánh giá tư duy từ ngày 30/3 - 30/4.
Lịch thi thử sẽ diễn ra vào ngày 9/4 trên nền tảng số để các thí sinh được làm quen với dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi và các thao tác kỹ thuật.
Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo mới triển khai áp dụng từ năm 2022 và đảm bảo quyền lợi của học sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết sẽ điều chỉnh nội dung các phần thi của bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.
Bài thi đánh giá tư duy gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với 3 mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).
Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.
Theo ĐH Bách khoa Hà Nội, khác với các kỳ thi khác, kỳ thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường đại học nào chấp nhận kết quả này.
Các khối ngành có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2023 gồm: khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; khối ngành y, dược; khối ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Mùa tuyển sinh năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.985 chỉ tiêu theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển tài năng; Xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.
Trường dự kiến tuyển sinh 63 chương trình đào tạo, trong đó có 35 chương trình đại trà (chương trình chuẩn), 23 chương trình chất lượng cao, 16 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, 3 chương trình có tăng cường ngoại ngữ (Nhật, Pháp), 4 chương trình có chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác (Nhật, Đức); 2 chương trình PFIEV, 3 chương trình liên kết quốc tế.
Minh Hoa (t/h)