Ngày 5/1, sau bài viết Gần 1,6 triệu m2 đất vàng của Licogi rơi vào tay ai? đăng trên báo Người Đưa Tin, Tổng công ty Licogi - CTCP đã có công văn phản hồi được ký bởi Phó Tổng giám đốc Phan Lan Anh nhằm cung cấp thêm thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Phan Lan Anh cho biết: "Theo báo cáo đã được kiểm toán, kết quả năm 2016 của công ty mẹ - Tổng công ty Licogi lỗ 293,4 tỷ đồng".
Vị Phó Tổng giám đốc Licogi mới được bổ nhiệm gần 1 năm, trước đó đã hơn một thập kỷ nắm giữ cương vị Kế toán trưởng Licogi trần tình: "Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 139 tỷ, trích lập dự phòng đầu tư tài chính 46,5 tỷ đồng, chi phí lãi vay 86 tỷ đồng...
Trước thời điểm cổ phần hóa (tháng 4/2015 - PV), khi xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán vốn Nhà nước, Licogi không được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính, khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, DN phải trích lập theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC".
"Doanh nghiệp Nhà nước trước đây (Licogi từng là doanh nghiệp do bộ Xây dựng sở hữu 100% vốn) có thực trạng nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên đã mất cân đối về vốn trong thời gian dài.
Vốn hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu từ vốn vay ngân hàng do đó lãi vay hàng năm phải trả cao cũng là một nguyên nhân gây ra lỗ cho doanh nghiệp" - công văn của Licogi cho hay.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Licogi cũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân khác như khối lượng công việc giảm sút, các công trình thủy điện như Sơn La, Bản Chát, Đakđrinh, Lai Châu, A Vương... là những "mỏ vàng" lợi nhuận của Licogi trước đây đã không còn. Khi sang tay tư nhân, cởi bỏ "chiếc áo" doanh nghiệp Nhà nước thì nguồn thu cũng cạn kiệt, công tác đấu thầu khó khăn...
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, bà Lê Thanh Huyền - Trưởng ban Kiểm soát Licogi kể khổ: "Khó khăn sau cổ phần hóa là điều không thể tránh khỏi, công ty thua lỗ khiến tôi cũng rất buồn".
Nỗi buồn, khó khăn của ban lãnh đạo Licogi là vấn đề rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa thấu hiểu, nhưng vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi: Tại sao sau khi cổ phần hóa, con số lỗ hàng trăm tỷ đồng kia mới phát lộ? Tại sao bản cáo bạch thông tin khi cổ phần hóa Licogi lại không thể hiện? Lãnh đạo công ty có giấu lỗ hay không? Việc thất thoát vốn chỉ cần "gắp lửa" cho tư nhân là xong?
Kịch bản quen thuộc của các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa một lần nữa được nhắc đến. Tuy vậy lần này không ai oán và đẫm nước mắt như các nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam, vì những kỹ sư công trường, công nhân xây dựng khô khan hơn. Số lỗ hàng trăm tỷ đồng chỉ được nhắc đến sau khi có báo cáo tài chính được kiểm toán và hơn hết, chỉ có những người trong nghề mới hiểu được vì sao lại lỗ.
Theo báo cáo tài chính do Licogi công bố, doanh thu hợp nhất năm 2016 chỉ giảm nhẹ 6,7% so với năm 2015 và cao hơn nhiều so với thời kỳ 2012 - 2014. Tuy nhiên, các năm trước luôn duy trì lãi trước thuế 167 tỷ đồng (2011), 143 tỷ đồng (2012), 101 tỷ đồng (2013), 87 tỷ đồng (2015) bỗng chốc đảo chiều lỗ 427 tỷ đồng trong năm 2016.
Nguyên nhân thua lỗ đã được bà Phan Lan Anh giải thích ở trên, việc trích lập dự phòng viện dẫn theo Thông tư 200 hoàn toàn là về mặt kỹ thuật, phụ thuộc vào đánh giá khả năng thu hồi của ban lãnh đạo công ty.
Còn nhớ, báo cáo tài chính năm 2016 của Licogi được kiểm toán bởi hãng kiểm toán hàng đầu Big 4 là PriceWater House Coopers (PwC) đã dành ra 4 trang giấy A4 để lưu ý, nhấn mạnh nhà đầu tư về những khoản mục không được hạch toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam đã được quy định trong luật. Bà Phan Lan Anh khi đó đứng tên Kế toán trưởng công ty.
Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi - CTCP) có lịch sử thành lập và hoạt động gần 60 năm, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, đặc biệt về mảng thuỷ điện. Khi cổ phần hoá năm 2015, Licogi thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ quỹ đất khủng với 10 khu đất rộng 1,52 triệu m2 nằm tại các thành phố lớn miền Bắc như: Hà Nội, Uông Bí, Hạ Long,...
Cập nhật tình hình các khu đất hiện nay, Licogi cho biết: Dự án Yên Thanh - Uông Bí, Quảng Ninh 275,672ha đã bị tỉnh Quảng Ninh thu hồi, chuyển cho đơn vị khác thực hiện; dự án KĐT Đông Hưng -Thái Bình 17,186ha, Licogi không phải chủ đầu tư, đây là khu đất một đơn vị thành viên tham gia thi công, xây dựng hạ tầng (đây là 1 trong 11 khu đất dự án được liệt kê trong bản cáo bạch của Licogi năm 2015 - PV); 4.712 m2 đất nông nghiệp thuê 20 năm tại tỉnh Đồng Nai là đất do công ty con của Licogi mua của 1 cá nhân, từ thời điểm cổ phần hóa đến nay vẫn không thực hiện được các thủ tục chuyển nhượng do các vấn đề về pháp lý không thể hoàn thiện.