Licogi: Phiên bản lỗi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Licogi: Phiên bản lỗi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 6, 02/02/2018 06:59

Hai năm cổ phần hóa với số vốn 900 tỷ đồng, doanh nghiệp từng là “anh cả” ngành xây lắp của bộ Xây dựng đã “chơi” một ván bài tất tay khi góp vốn đúng 900 tỷ thành lập công ty con đầu tư bất động sản.

Thua lỗ triền miên

Báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV/2017 do Tổng công ty Licogi công bố cho thấy, doanh thu trong 3 tháng cuối năm chỉ đạt vẻn vẹn 110 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, doanh thu của công ty mẹ Licogi đạt 376 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2016. 

Doanh thu giảm mạnh gây áp lực khiến Licogi phải tiết giảm triệt để các khoản chi phí phát sinh, trong đó chi phí tài chính giảm 15%, chi phí bán hàng giảm 6 lần và sự thay đổi lớn nhất nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp. Khoản mục này giảm từ 183 tỷ đồng năm 2016 còn 51,5 tỷ đồng trong năm 2017.

Theo giải trình từ ban lãnh đạo Licogi, năm 2016 là năm đầu tiên Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nên tất cả các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính hoàn nhập tăng vốn Nhà nước trước khi cổ phần hóa đều phải trích lập ngay.

Đầu tư - Licogi: Phiên bản lỗi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Trụ sở Tổng công ty Licogi trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Hoa Liên).

Trước đó, trong công văn gửi báo Người Đưa Tin về tình hình kinh doanh của Tổng công ty, Phó tổng giám đốc Phan Lan Anh cho hay: Năm 2016, Licogi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 139 tỷ đồng, dự phòng đầu tư tài chính 46,5 tỷ đồng và chi phí lãi vay 86 tỷ đồng khiến kết quả kinh doanh công ty mẹ lỗ hơn 293 tỷ.

Đáng chú ý, con số thua lỗ trên vẫn chưa tính đến hàng chục khoản mục có khả năng phải thay đổi do công ty kiểm toán uy tín hàng đầu thế giới là PwC đưa ra các ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến khoản đầu tư vào KĐT Nam Ga Hạ Long, KĐT mới C5 – C8 và C8 mở rộng, KĐT mới Thịnh Liệt…

Báo cáo kiểm toán Tổng công ty Licogi do PwC phát hành còn nhấn mạnh về vấn đề lưu chuyển tiền thuần âm 142  tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803 tỷ đồng. “Các vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty Licogi”.

Bước sang năm 2017, tình hình vẫn không mấy sáng sủa hơn. Công ty mẹ Licogi tiếp tục ngậm ngùi báo lỗ 103,7 tỷ đồng trước thuế, nâng số lỗ lũy kế lên gần chạm mốc 400 tỷ (vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 900 tỷ đồng). 

Xin nhắc lại thêm một lần nữa, đây mới chỉ là báo cáo tự lập của Licogi, chưa được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập. 

Rẽ ngang sang bất động sản

Tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ ngắn hạn của công ty mẹ Licogi là 2.012 tỷ đồng, cao hơn tài sản ngắn hạn hơn 1.200 tỷ đồng. Nói dễ hiểu, trong trường hợp Licogi cần thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của mình, khả năng chuyển hóa thành tiền của tài sản ngắn hạn sẽ không thể bù đắp được. Trong khi đó, Licogi đang “chôn” 1.800 tỷ của mình tại các công ty con, công ty liên kết. Có tới 11/22 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng. 

Khi tình hình kinh doanh cốt lõi là thi công, xây lắp gặp khó khăn, các dự án thủy điện đến giai đoạn quyết toàn và không còn mác doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc bộ Xây dựng để đấu thầu như giai đoạn trước, Licogi đã rẽ sang hướng mới: Đầu tư vào bất động sản. Trong năm 2017, hướng đi này ngày càng rõ nét hơn khi Licogi tiếp tục rót vốn vào hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản mới thành lập. 

Đầu tư - Licogi: Phiên bản lỗi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước? (Hình 2).

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt nhiều năm vẫn “treo”. 

Cụ thể, Licogi góp thêm 285 tỷ đồng bằng tiền vào công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi (thành lập tháng 3/2016), nâng vốn điều lệ từ  615 tỷ đồng lên 900 tỷ. Đáng nói, khoản tiền này đúng bằng vốn điều lệ của công ty mẹ Licogi. Ngoài ra, Tổng công ty cũng chi 60,5 tỷ thành lập mới công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Licogi số 2 (Licogi số 2). 

Diễn biến trên hoàn toàn khớp với những đồn đoán quanh thương vụ thâu tóm Licogi sau cổ phần hóa của cổ đông chiến lược hiện nay là công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông – đơn vị sở hữu 35% vốn điều lệ. 

Mới đây nhất, ngày 11/1/2018, HĐQT Licogi đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phan Thanh Hải – Phó Chủ tịch HĐQT giữ chức Tổng giám đốc công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020 thay ông Dương Xuân Quang. Ông Hải hiện là cố vấn cấp cao của công ty Khu Đông từ năm 2013. 

“Ôm” đất vàng 14 năm 

Đất vàng cũng chính là vấn đề được quan tâm nhiều nhất của Tổng công ty Licogi khi cổ phần hóa. Gần 16 triệu m2 đất nằm rải rác khắp các thành phố lớn của miền Bắc như Hà Nội, Hạ Long, Uông Bí – Quảng Ninh, Thái Bình… Đặc biệt, dự án đang được quan tâm nhất của Licogi hiện nay là Khu đô thị mới Thịnh Liệt giữa Thủ đô Hà Nội do công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị có vốn 900 tỷ nói trên làm chủ đầu tư. 

Theo giới thiệu, KĐT mới Thịnh Liệt nằm trên địa bàn 3 phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ của quận Hoàng Mai với diện tích hơn 35 ha có quyết định của UBND TP.Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng công ty Licogi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn bị đắp chiếu, không hề có động thái thực hiện dự án. 

Tháng 7/2016, sau khi thành lập công ty Nhà ở và Đô thị Licogi trên cơ sở tách và nâng cấp Ban quản lý dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Tổng công ty Licogi đã ban hành nghị quyết số 121/2016/NQ-HĐQT chính thức bàn giao toàn bộ dự án cho công ty con. Đến cuối năm 2016, chi phí sản xuất kinh doanh dự án Thịnh Liệt là 688 tỷ đồng, trong đó bao gồm 271,6 tỷ đồng từ vốn hóa lãi vay.

Tuy vậy, khoản vốn hóa lãi vay này cũng nằm trong danh mục loại trừ của đơn vị kiểm toán PwC do không đủ thông tin theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 16. 

Theo điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư phải đưa vào sử dụng trong vòng 12 tháng hoặc gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền phạt tương ứng với thời gian chậm tiến độ. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Mới đây, ngày 26/1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Cụ thể, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.  

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.