Thị trường xăng dầu trong nước đã có mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới.
Cụ thể, từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng trong nước đã tăng đến 65% giá trị so với đầu năm và hiện chỉ còn kém đỉnh lịch sử hồi tháng 7/2014.
Đối với ngành vận tải, theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc giá nhiên liệu tăng diễn ra đúng vào thời điểm các doanh nghiệp vận tải đặc biệt là vận tải hành khách vừa mới bước vào giai đoạn "bình thường mới" đã khiến ngành vận tải đã vốn khó khăn nay lại càng khó khăn trong việc bắt nhịp lại với đà phục hồi.
Xe chạy là ... lỗ
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) cho biết: “Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp vận tải. Chúng tôi vừa mới bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên việc giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp".
“Lượng khách đi xe vốn dĩ đã ít chỉ đạt 20-30% do ảnh hưởng bởi dịch cộng với áp lực xăng, dầu khiến doanh nghiệp cảm thấy rất bế tắc. Hiện nay, xe chạy là chúng tôi xác định lỗ và lâu nay đã lỗ rồi bây giờ lại tiếp tục lỗ. Nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng duy trì lịch chạy để giữ tuyến và phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách”, ông Bằng chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Văn Minh cũng chia sẻ từ tháng 6 đến nay xăng dầu đã tăng 4 đợt với tổng mức tăng khoảng 20% đã làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh.
“Hiện nay lượng khách trên một chuyến xe cũng chỉ đạt 60-70% doanh nghiệp do đó doanh thu của chúng tôi bị giảm nhưng việc giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu vào không giảm mà thậm chí còn tăng lên do đó thực tế mức chi phí bỏ ra đã cao hơn doanh thu, ảnh hưởng rất lớn nguồn tiền của doanh nghiệp.”
Về câu chuyện giá cước, đại diện hãng cũng cho biết doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá vé vì nếu lúc này điều chỉnh tăng giá cước lượng khách sẽ càng ít hơn. Tuy nhiên nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ không thể duy trì giá cước như hiện nay và buộc lòng phải điều chỉnh.
Đối mặt với tình trạng tương tự, đại diện Công ty TNHH vận tải Đông Lý (vận tải hành khách tuyến Thanh Hóa – Hà Nội và từ Thanh Hóa đi các tỉnh) cho biết: “Tình hình dịch bệnh nên chúng tôi cũng mới chỉ khôi phục được một số tuyến. Tuy nhiên lượng khách trên cả chiều đi và về đều rất thấp do đó việc giá xăng dầu tăng làm chi phí đội lên rất lớn và khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc khôi phục hoạt động như bình thường.
Bình thường, chi phí nhiên liệu cho một chuyến xe trên tuyến Thanh Hóa – Hà Nội hết khoảng 1,6-1,7 triệu đồng thì hiện nay doanh nghiệp phải mất khoảng 2 triệu đồng/chuyến. Như vậy, nếu như khôi phục lại trạng thái bình thường như trước đây với 20 chuyến xe/ngày thì trung bình mỗi ngày doanh nghiệp sẽ mất thêm 6-8 triệu đồng.
Nỗ lực qua cơn "bĩ cực"
Đồng quan điểm của các đơn vị vận tải, ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hà Nội cho biết đây là giai đoạn rất khó khăn của ngành vận tải, không chỉ là về câu chuyện giá xăng dầu mà còn cả việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách.
"Về tinh thần, các doanh nghiệp vận tải đều rất muốn xe chạy nhưng lại sợ. Bởi xác định bây giờ xe chạy là sẽ lỗ do doanh thu không để bù cho các chi phí. Chúng tôi rất hy vọng trong một vài tháng tới, khi tình hình dịch đã thực sự ổn định và tâm lý người dân cũng yên tâm hơn, lượng khách sẽ gia tăng để tăng doanh thu, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển dịp cuối năm để doanh nghiệp cũng có cơ hội vượt qua cơn "bĩ cực" này", ông Thắng chia sẻ.
Về giải pháp để hỗ trợ ngành vận tải, ông Thắng cho rằng nên linh hoạt và tạo điều kiện hơn nữa trong việc mở lại các tuyến xe, đặc biệt là hoạt động của vận tải công cộng để thu hút dần lại nhu cầu đi lại của người dân, đối với những tuyến có nhu cầu cao thì phải nhanh chóng tăng tần suất khai thác để triệt để tận dụng cơ hội.
Bên cạnh câu chuyện trực tiếp là giá xăng dầu, ông Nghiêm Quốc Thắng cho biết, các doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước có chính sách giảm thuế phí như thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ để phần nào giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp do tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận định: "Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu trên thế giới. Theo dự báo trên thế giới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng, do đó các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tiếp tục chịu sức ép rất lớn. Việc giá xăng tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cước phí vận tải và rộng hơn nữa là giá của các sản phẩm, mặt hàng khác".
Về giải pháp, theo TS Lê Đăng Doanh trong giai đoạn này, đối với bản thân doanh nghiệp phải triệt để tiết kiệm, hợp lý hóa các chi phí theo hướng giảm tối đa các chi phí vận tải và khai thác tối đa công suất của phương tiện vận tải để giảm giá thành vận chuyển.
"Chúng ta có một quỹ bình ổn giá và thời gian qua nhờ sử dụng Quỹ nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên Quỹ bình ổn này cũng chỉ có thể bình ổn ở một mức độ nhất định chứ không thể quá nhiều nếu chiều hướng giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng", TS Lê Đăng Doanh cho biết thêm.