Vào sáng 13/7, nhiều trận động đất mạnh trên 5,0 độ richter đã làm rung chuyển một số khu vực của Indonesia, may mắn là không ghi nhận thông tin về thương vong hay thiệt hại vật chất.
Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, trận động đất đầu tiên mạnh 5,2 độ richter đã làm rung chuyển thành phố Yogyakarta trên đảo Java lúc 2h50 (giờ địa phương).
Chấn tiêu động đất này nằm ở độ sâu 10km, cách huyện Bantul khoảng 105km về phía Tây Nam.
Mặc dù không có sóng thần nhưng ở các khu vực lân cận có thể cảm nhận rõ sự rung lắc như: Huyện Bantul, Purworejo và Wonogiri ở tỉnh Trung Java và Pacitan tỉnh Đông Java.
Nối tiếp trận động đất đầu tiên, trận động đất thứ hai mạnh 5,5 độ richter diễn ra khoảng 7h58 phút, làm rung chuyển phía Tây Nam thành phố Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh.
Tiếp đó, trận động đất thứ ba mạnh 5,2 độ richter diễn ra khoảng 9h (giờ địa phương), làm rung chuyển phía Tây Bắc huyện Tây Nam Maluku thuộc tỉnh Maluku.
Chấn tiêu của 2 trận động đất này ở độ sâu 10km, cách Banda Aceh 121km, và ở độ sâu 114km, cách huyện Tây Nam Maluku 151km.
Năm 2018, thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra Indonesia khiến người dân hoang mang hoảng sợ.
Một cơn sóng thần cao 2m xảy ra sau một trận động đất mạnh 7,5 độ trên đảo Sulawesi, đảo lớn thứ 3 Indonesia, vào cuối buổi chiều 28/9.
Nhiều ngôi nhà bị sập, mất điện diện rộng, liên lạc bị cắt, trong khi cơ quan chức trách gỡ bỏ cảnh báo sóng thần sau một giờ ban hành.
Nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải hứng chịu động đất và núi lửa phun trào dữ dội.
Vành đai lửa Thái Bình Dương là vòng cung kéo dài 40.000 km nơi phần lớn vụ động đất xảy ra trên thế giới.
Đây là nơi các mảng địa chất dịch chuyển nhiều nhất trên hành tinh, từ Nhật Bản kéo dài xuống Indonesia ở bờ Tây Thái Bình Dương. Còn ở bờ Đông của đại dương này, vành đai lửa áp sát dọc từ bang California (Mỹ) kéo xuống khu vực Nam Mỹ.
Nhà khí tượng học Allison Chinchar giải thích các mảng kiến tạo không ngừng dịch chuyển, nôm na là bề mặt trái đất bên dưới những khu vực này liên tục thay đổi, dịch chuyển bên trên lớp mắc ma nóng chảy bên dưới.
Chúng có thể va vào nhau hay tách khỏi nhau, trượt lên nhau và mỗi lần như vậy sẽ gây động đất và núi lửa phun.
Các mảng kiến tạo và vành đai Lửa là những lý do chính khiến Indonesia có rất nhiều trận động đất và núi lửa phun trào.
Indonesia có tới 130 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Nguyên Anh (Nguồn Volcano Discovery)