Tiếng Anh ở TH vẫn được coi là môn tự chọn nên các trường ít đầu tư. Kết quả học môn học này không ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại, nên nhiều phụ huynh thiếu quan tâm, học sinh học có tính chất đối phó. Thêm nữa vẫn tồn tại quan niệm đằng nào khi lên THCS cũng phải học lại.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, để đạt được khối lượng kiến thức đủ trang bị cho HS có thể giao tiếp được, tổng thời lượng dạy ngoại ngữ cho HS đến hết phổ thông là 1.050 tiết. Hiện nay, tổng số tiết học Ngoại ngữ của chương trình hệ 7 năm là 700 tiết, trong đó THPT có 4 tiết ngoại ngữ/tuần, THCS có 3 tiết/tuần. Điều này có nghĩa môn ngoại ngữ đã được xếp ngang như môn Toán, Văn.... Bởi vậy, thời gian học tăng hơn nữa là chưa thể. Điều đó cũng cho thấy để đạt trình độ kiến thức nhất định, thì dạy và học ngoại ngữ ở TH là cần thiết. Tuy vậy, hiện nay, lượng giờ học ngoại ngữ của Việt Nam thấp nhất thế giới, chỉ bằng hơn 1/2 chuẩn quốc tế.
Hiện nay giáo viên (GV) TH thường phải đảm nhận tất cả các môn nên họ khó có thể dạy thêm ngoại ngữ. Các nhà quản lý giáo dục đã đưa ra phương án khả thi: cần có GV dạy riêng môn ngoại ngữ ở trường TH như các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục. Nhiều trường đã ký hợp đồng thỉnh giảng với GV chuyên dạy ngoại ngữ.
Hiện tại chưa có một trường sư phạm nào đào tạo chuyên ngành tiếng Anh cho tiểu học nên môn học này gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện, chính vì thế gần đây nhiều trường đã liên kết với các trung tâm giáo dục chuyên ngành tiếng Anh để giảng dạy. Việc làm này đã đem đến hiệu quả cao.
Trao đổi với Người đưa tin, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Đống Đa, Hà Nội (dấu tên) cho rằng, cần phản nhân rộng mô hình này, mấy năm trở lại đây chúng tôi kết hợp đào tạo liên kết với một trung tâm ngoại ngữ đã cho kết quả rất tích cực, học sinh được học với một môi trường giáo dục chuyên nghiệp đối với môn tiếng Anh.
Học tiếng Anh với một đơn vị giáo dục chuyên nghiệp tạo ra một sân chơi vui nên đa phần học sinh rất thích học môn này, tạo nên sự đam mê cho các em học sinh. Việc liên kết đào tạo đã đạt được kết quả cao nhất cho môn học này – vị hiệu trưởng này nói.
Ý kiến một phụ huynh học sinh đang cho con học chương trình tiếng Anh liên kết có giáo viên bản ngữ dạy phát biểu: “Học tiếng Anh tốt là một quá trình học lâu dài, học từ bé và cần có môi trường học phù hợp. Chủ trương của ngành giáo dục đưa các chương trình tiếng Anh liên kết có giáo viên bản ngữ vào dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học là đúng và phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh học sinh, phù hợp với nhu cầu hội nhập thế giới. Học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ sẽ giúp cho học sinh học được các kỹ năng và học tiếng Anh chuẩn. Tiếng Anh trong trường học là một nền tảng cơ bản ban đầu để giúp cho các cháu học tiếng Anh tốt hơn. Thông qua việc học tiếng Anh bản ngữ, các cháu thích học tiếng Anh hơn, giao tiếp tốt hơn".
Ghi nhận của phóng viên, tại một vài điểm học tiếng Anh của học sinh tiểu học cho thấy, các học sinh vui vẻ tham gia lớp học, hăng say trong bài vở, cách giảng dạy hợp lý chuyên nghiệp tất cả tạo nên một môi trường giáo dục chuyên nghiệp.
Trước đây, nhiều phụ huynh khác tuy chọn lựa cho con học tiếng Anh tự chọn nhưng cũng phân vân không biết chương trình lẫn phần mềm nào hiệu quả vì mỗi trường áp dụng một kiểu, nhưng từ khi có chương trình liên kết tiếng Anh thì việc lựa chọn đã trở nên dễ dàng hơn.
Đất nước đang trong quá trình hội nhập, tầm quan trọng của tiếng Anh ngày càng rõ. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần một định hướng cụ thể cho phù hợp với quá trình hội nhập để nhanh chóng cải thiện trình độ ngoại ngữ của lớp trẻ. Bên cạnh đó, cần có những quy chế động viên, khuyến khích nhằm bảo đảm đời sống cho đội ngũ GV ngoại ngữ có trình độ. Nếu không làm tốt điều này, người chịu thiệt thòi nhất sẽ là HS, bởi ngoại ngữ là một yêu cầu không thể thiếu với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bộ GD-ĐT cũng cần quy định môn ngoại ngữ ở TH là môn bắt buộc chính thức được áp dụng trên toàn quốc, từ đó có chương trình và sách giáo khoa thống nhất do bộ ban hành.
Phan Chính