Bộ Quốc phòng Iraq đã ra một tuyên bố ngắn gọn về cuộc họp, nói rằng mục đích của nó là nhằm “tăng cường hợp tác và phối hợp về an ninh và tình báo” giữa 4 quốc gia.
Đáng chú ý là Mỹ không có mặt tại cuộc họp này, và không rõ các hoạt động của 4 nước này có liên quan tới hoạt động của liên quân chống khủng bố quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Iraq, Syria hay không.
Hợp tác quân sự chính thức giữa Iraq, Nga, Syria và Iran bắt đầu vào mùa thu năm 2015, chỉ vài ngày trước khi Moscow bắt đầu hiện diện quân sự tại Syria.
Vào ngày 28/9/2015, Moscow thông báo rằng 4 nước đã “đồng ý thành lập một trung tâm thông tin chung ở Thủ đô Baghdad của Iraq để điều phối hoạt động” nhằm chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trong phiên khai mạc của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Diễn văn của ông đáng chú ý vì ít nhất 2 lý do. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ mà Tổng thống Nga tham dự khai mạc Đại hội đồng, và bài phát biểu của ông được đánh giá là “thẳng thắn một cách bất thường”.
Trong đó, ông Putin chỉ trích hành động “xuất khẩu các cuộc thử nghiệm xã hội” mà theo ông là có thể dẫn tới những hậu quả bi thảm. Ông chỉ trích Mỹ về điều tương tự. Nói về Trung Đông, ông cho rằng “thay vì chiến thắng của dân chủ và tiến bộ thì chúng ta chỉ có bạo lực, nghèo đói và những thảm họa xã hội”.
“Tôi luôn tự hỏi rằng ai đã tạo ra tình huống đó. Liệu họ có nhận ra họ đã làm gì hay không?”, ông Putin nhấn mạnh.
Do đó, kết luận của ông Putin là, vì sự hỗn loạn trong khu vực nên không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ hợp tác với Damascus để đánh bại chủ nghĩa khủng bố.
Suốt hai tháng trước đó, Mỹ đã lấy lời tình báo để tuyên bố rằng Nga đang xây dựng lực lượng ở Syria và nhiều lần cảnh báo Moscow không được phép can thiệp quân sự để giúp đỡ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, hai ngày sau bài phát biểu của ông Putin, chiến dịch ném bom của Nga tại Syria bắt đầu một cách nghiêm túc.
Ely Karmon, một nhà nghiên cứu chính trị học Israel, từng nói rằng “Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã mất cảnh giác trước động thái đậm chất Nga”.
Moscow tuyên bố sẽ tấn công các mục tiêu IS ở Syria, nhưng giới chức Mỹ nhiều lần phản đối rằng Nga chỉ nhằm vào các “phiến quân đối lập ôn hòa” – theo cách gọi của Mỹ. Sự phản đối của Mỹ, giống như những lời cảnh báo trước đó, hầu như không có tác dụng gì.
Trong bối cảnh đó, một trung tâm quân sự với 4 góc Nga, Iran, Syria và Iraq, đã được thiết lập ở Baghdad.
Sau cuộc họp hôm 1/9 vừa qua, Phó Tổng tham mưu trưởng Iran, Chuẩn tướng Qadir Nezami, nói với các phóng viên rằng 4 nước đã đồng ý tổ chức một cuộc họp gồm các Tổng tham mưu trưởng trong tương lai gần, dù ông không cung cấp thời gian, địa điểm cụ thể.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã từng đứng đầu tiến trình ngoại giao bàn về tương lai chính trị Syria được gọi là “tiến trình Geneva”, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, Moscow đã thiết lập một tiến trình ngoại giao song song liên quan tới vấn đề Syria, gồm cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán giữa các nhóm nhỏ đã được tổ chức tại Thủ đô của Kazakhstan và được biết đến với tên gọi “hòa đàm Astana”.
Qua thời gian, cùng với sự thành công ngày càng lớn của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong việc thiết lập lại quyền kiểm soát lãnh thổ đất nước, hòa đàm Astana đã đạt được đủ tính hợp pháp để đe dọa tính khả thi của tiến trình Geneva.
Nga đã thành lập một liên minh quân sự có trụ sở tại Baghdad gồm nhóm nhỏ các nước, song song với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vốn lớn hơn rất nhiều. Liệu Moscow có phải đang tính toán tới việc liên minh của họ sẽ thay thế Mỹ và liên minh do Washington đang dẫn dắt?
Điều đó có vẻ xa vời, nhưng phần lớn có thể sẽ phụ thuộc vào Chính phủ tiếp theo tại Iraq, mà thành phần của nó, tới nay vẫn chưa được quyết định.
Mỹ và Iran đang tham gia vào một cuộc chiến khốc liệt, trong đó Mỹ ủng hộ các lực lượng của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi còn Iran thì hậu thuẫn lực lượng dẫn đầu bởi Hadi al-Amiri, lãnh đạo tổ chức Badr – nơi tập hợp chủ yếu các chỉ huy của lực lượng chiến binh do Iran hậu thuẫn.
Vào đêm 2/9, ông Abadi tuyên bố rằng ông đã có ghế trong Chính phủ tiếp theo, ngay sau đó phe của ông Amiri cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Do đó, tình hình hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu ông Amiri thắng thế thì Chính phủ của ông có thể sẽ đề nghị liên quân do Mỹ dẫn đầu rời khỏi Iraq và dựa vào liên quân mới của Nga.
Xem thêm: Ngoại trưởng Pháp bất ngờ tuyên bố ông Assad “đã thắng trong cuộc chiến”