Việc phải chầu chực để được làm thủ tục xét nghiệm khi chuyển viện, dù công việc này đã thực hiện ở cơ sở y tế tuyến dưới tới đây sẽ không còn nữa đối với các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế. Đây là niềm vui của nhiều gia đình có người thân không may bị bệnh và phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị.
Theo báo chí đưa tin, từ ngày 1/7/2017, 38 bệnh viện trực thuộc bộ Y tế sẽ thực hiện việc công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Đến tháng 1/2018, sẽ thực hiện việc này đối với các bệnh viện hạng I và tương đương. Việc được công nhận kết quả xét nghiệm dù chỉ mới thực hiện với các bệnh viện của bộ Y tế nhưng đây là tin vui với nhiều người bệnh và gia đình.
Có lẽ ai từng ốm đau phải vào bệnh viện cũng biết nỗi khổ khi làm các thủ tục để được xét nghiệm. Nhiều trường hợp dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm, điều trị ở tuyến dưới nhưng sau một thời gian không chuyển biến, người bệnh phải chuyển lên tuyến cao hơn để tiếp tục điều trị. Tại đây, họ phải làm lại các xét nghiệm từ đầu để bác sĩ chẩn đoán bệnh. Đó là nộp tiền tại quầy thu tiền hoặc thẻ BHYT, sau đó đợi được gọi tên cầm giấy tờ đến các phòng chức năng theo yêu cầu. Đến đây, họ lại tiếp tục đợi để được xét nghiệm hoặc chụp phim, chụp X-quang... Và lại tiếp tục đợi để nhận kết quả.
Thời gian chờ đợi có lẽ không dễ chịu chút nào đối với người khỏe mạnh chứ chưa nói đến người đang mang bệnh.
Các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế thường là tuyến cuối. Vì vậy, số người đến đây khám chữa bệnh nhất là bệnh nặng, khó chữa rất đông, nên cảm giác đợi chờ đến lượt mình làm thủ tục, trong đó có xét nghiệm lâu như cả thế kỷ.
Nhưng từ tháng 7/2017, những “đoạn trường” trên đây sẽ không còn. Người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian và công sức khi không phải chực chờ để được gọi tên, làm thủ tục xét nghiệm và rồi tiếp tục đợi để lấy kết quả nữa khi bộ Y tế cho phép liên thông kết quả xét nghiệm tại gần 40 bệnh viện thuộc Bộ.
Liên thông kết quả là việc làm không hề mới. Việc này đã được ngành giáo dục thực hiện từ lâu, nhất là trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và nó đã thực sự có ý nghĩa khi giảm bớt chi phí, công sức cho thí sinh và xã hội. Trước năm 2002, thí sinh muốn học trường đại học, cao đẳng nào sẽ phải đến trường đó thi. Vì vậy mới có chuyện, một thí sinh muốn học ở TP.HCM nhưng nhà ở miền Trung, miền Bắc thì phải khăn gói, lặn lội vào đây thi, chi phí rất tốn kém.
Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ năm 2002, bộ GD&ĐT thực hiện “ba chung” trong tuyển sinh. Đó là chung đợt, chung đề và chung kết quả thi. Nên không còn tình trạng thí sinh miền Trung phải vào miền Nam để thi nữa.
Đến năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” được thực hiện. Khi bộ GD&ĐT gộp kỳ thì tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một. Việc làm này đã giảm đáng kể chi phí cho xã hội.
Trở lại vấn đề y tế, khi kết quả xét nghiệm được liên thông (dù trước mắt mới thực hiện với các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế) sẽ giúp những người không may gặp bệnh tật, nhất là bệnh nặng giảm được một khoản đáng kể chi phí, thời gian, công sức. Điều này thể hiện rõ trong câu trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên của Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế): “Chỉ cần mỗi năm giảm 1% số xét nghiệm không thực hiện tại bệnh viện là khoảng 4,75 triệu lượt, tính trung bình mỗi lượt là 50.000 đồng thì đã giảm cho người bệnh 237,5 tỷ đồng”.
Việc cho phép liên thông kết quả xét nghiệm càng có ý nghĩa hơn khi các loại dịch vụ y tế ngày càng được “tính đúng, tính đủ”. Từ ngày 1/6/2017, chi phí nhiều loại dịch vụ y tế sẽ tăng đối với những người không có thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm cũng sẽ giảm được tình trạng trục lợi BHYT. Điều đã được cơ quan BHXH Việt Nam và các địa phương nhiều lần phản ánh. Chẳng hạn có nhiều trường hợp, mỗi tháng có người bệnh thực hiện hàng trăm lần khám chữa bệnh, rồi mỗi ngày uống gần 300 viên thuốc… Đó là chưa kể ngay cả một số bệnh viện cũng đã trục lợi trên người bệnh và quỹ bảo hiểm bằng cách lạm dụng sử dụng thiết bị y tế, nhất là các thiết bị y tế được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Để mau lấy lại vốn, không hiếm trường hợp khoán chụp, chiếu, xét nghiệm bằng số ca trong một tháng. Điều mà không ít lần báo chí đưa tin, phản ánh.
Liên thông kết quả xét nghiệm là việc làm mang lại lợi ích đôi đường, vừa tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian cho người dân; đồng thời cũng giảm được tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Nên sẽ được toàn xã hội đồng tình, ủng hộ.
Ngoài ra, việc làm trên đây của bộ Y tế cũng thể hiện rất rõ quan điểm “tất cả vì người bệnh” mà ngành y tế đang hướng đến.
Quang Châu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả