Mới nhất: Ô tô điên tông liên hoàn 17 xe mô tô, 18 người bị thương
Vừa qua, một một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Theo đó, báo VietNamNet đưa tin, khoảng 16h ngày 5/4/2023, chiếc ô tô do ông Hoàng Ngọc Vĩnh (SN 1960; ở quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển chở vợ đi khám ở Bệnh viện Tim Hà Nội về đã tông liên hoàn vào 17 xe mô tô, làm 18 người bị thương.
Đến sáng 6/4, trong số 18 người bị thương, có 3 người bị đa chấn thương rất nặng. Trong đó, 2 người đang điều trị tại Bệnh viện E và 1 cháu bé (3 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Làm việc với cơ quan công an, ông Vĩnh khai do đạp nhầm chân phanh thành chân ga dẫn đến vụ tai nạn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết, lái xe ô tô không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma tuý.
Ô tô "bơi" giữa hồ Tây vì tài xế "nhầm"
Cách đây thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều 1/4/2023, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một chiếc ô tô nổi bồng bềnh giữa hồ Tây kèm bài viết: "Sương mù đang dày đặc như Sapa, các tài xế lên vỉa hồ hết sức cẩn trọng kẻo nhìn nhầm hồ là đường cao tốc". Hình ảnh đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Công an phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết sự việc xảy ra vào chiều cùng ngày tại đoạn đường Vệ Hồ (địa phận thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ).
Chiếc ô tô này do một phụ nữ điều khiển. Thời điểm xảy ra sự việc, trên xe có ba người, rất may không có ai bị thương.
Theo công an, nguyên nhân ban đầu do tài xế đạp nhầm chân ga khiến chiếc ô tô mất lái, lao xuống hồ Tây.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng xuống hiện trường tổ chức cứu hộ và cẩu chiếc ô tô lên bờ. Đến khoảng 17h cùng ngày, chiếc ô tô được đưa lên bờ.
Vì sao lại có tình trạng nhầm chân ga và chân phanh?
Theo Zing, đạp nhầm chân ga - cụm từ được nhắc đến khá phổ biến khi nói về việc lái xe số tự động. Bàn đạp ga và phanh trên ô tô được đặt cạnh nhau nên việc nhầm lẫn giữa 2 bàn đạp này là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến tài xế dễ xảy ra nguy cơ đạp nhầm chân ga:
Thiếu tập trung khi lái xe: Đặc thù đường sá Việt Nam có nhiều xe máy và hầu hết di chuyển chung làn với ôtô, trừ một số tuyến đường lớn có bảng phân làn. Những hành động như chạy cắt đầu ôtô để rẽ hay chuyển làn diễn ra khá thường xuyên, việc thiếu tập trung có thể khiến lái xe bị bất ngờ và xử lý sai khiến cho tình trạng này dễ xảy ra.
Lưu ý: Khi điều khiển phương tiện, người lái cần giữ bình tĩnh và tránh làm những việc khác như dùng điện thoại di động, với tay ra phía sau lấy đồ... Mất tập trung chỉ trong vài giây ngắn cũng có thể gây ra tai nạn giao thông.
Tập trung, quan sát kỹ xung quanh để kịp phán đoán tình huống. Nếu có thể, hãy nhường đường cho các phương tiện khác kể cả khi bạn đang đi đúng luật. Khi đã xảy ra tai nạn dù đúng hay sai thì bạn cũng mất nhiều thời gian hơn để xử lý, phương tiện cũng bị ảnh hưởng.
Cố gắng chạy xe thoải mái, điều khiển xe trong tình trạng quá căng thẳng cũng khiến cho việc xử lý tình huống trở nên khó khăn hơn. Nếu cảm thấy đoạn đường quá đông và khả năng điều khiển của bản thân chưa đủ tốt, cách tốt nhất là tìm kiếm cung đường khác an toàn hơn để di chuyển.
Đặt chân sai tư thế: Điều khiển xe số tự động bằng một chân mà điều mà bất kỳ ai cũng được dạy khi học lấy bằng lái, tuy nhiên cách để chân như thế nào để thoải mái và an toàn thì không phải ai cũng biết.
Lưu ý: Đặt phần gót chân ở vị trí bàn đạp phanh, sau đó thử đạp hết hành trình bàn đạp phanh xem có thoải mái hay chưa. Nếu chưa hãy điều chỉnh vị trí ghế lái, một số dòng xe cao cấp có thể điều chỉnh được vị trí bàn đạp phanh và ga.
Trong quá trình điều khiển phương tiện, phần gót chân phải luôn được giữ cố định ở phía bàn đạp phanh. Người lái chỉ cần xoay phần bàn chân qua phía bàn đạp ga để tăng tốc.
Tư thế này chắc chắn khiến cho việc đạp ga không thể thoải mái như việc đạp phanh. Tuy nhiên giúp cho hành động đạp phanh trong những tình huống khẩn cấp mạnh và nhanh hơn.
Đặt chân lên phanh khi chạy trớn: Khi không sử dụng bàn đạp ga, người lái cần cho chân về phía bàn đạp phanh kể cả khi chưa sử dụng phanh. Hầu hết người lái mời không có kinh nghiệm thường gặp phải lỗi này do quá căng thẳng khi điều khiển xe.
Chuyển sẵn chân về bàn đạp phanh giúp lái xe kiểm soát được phương tiện tốt hơn khi bị xe khác cắt đầu đột ngột hay chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ phía trước. Ngoài ra cũng giúp rút ngắn thời gian từ lúc phát hiện nguy hiểm đến khi đạp phanh.
Ôtô số tự động khi không đạp phanh đã có thể di chuyển về phía trước, vì thế trong những tình huống di chuyển ở tốc độ chậm, việc đạp ga là điều không cần thiết.
Chọn giày, dép không phù hợp: Không ít vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện mang giày, dép không phù hợp, điển hình là sử dụng giày cao gót để lái xe. Dù chưa có quy định về loại giày, dép được mang khi lái xe, tuy nhiên người dùng cũng cần lưu ý.
Lưu ý: Nên lựa chọn loại giày, dép với phần đế có mặt tiếp xúc rộng và không quá cứng. Điều này giúp người lái dễ dàng cảm nhận được lực đạp phanh cũng như đạp ga.
Đối với phụ nữ nếu vẫn muốn sử dụng giày cao gót để phù hợp với quần áo, nên chuẩn bị sẵn trong xe một đôi giày đế bệt và thay đổi mỗi khi bước lên xe điều khiển phương tiện.
Tiểu Phi (tổng hợp)