Trong tuần vừa qua, Bệnh viện Tim Hà Nội liên tiếp cấp cứu 3 trường hợp bị vỡ thành tim có triệu chứng nhồi máu cơ tim.
Nữ bệnh nhân 58 tuổi (Hải Dương) là một ví dụ, tối 24/3, bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp, tràn dịch màng ngoài tim và được chuyển tuyến thẳng lên Bệnh viện Tim Hà Nội vào lúc 4h.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc tim, mạch nhanh, huyết áp tụt. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch liều cao, xét nghiệm máu và đưa bệnh nhân vào phòng mổ.
Khi được chuyển vào phòng mổ, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, các bác sĩ ép tim ngoài lồng ngực để tim đập trở lại, đồng thời nhanh chóng mổ cấp cứu.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện trong khoang màng tim có máu cục làm thương tổn thành tự do của thất trái với diện tích 5-6cm.
Ca phẫu thuật kéo dài 2,5 giờ. Các bác sĩ cắt bỏ cơ tim hoại tử và vá lại bằng miếng vá nhân tạo.
TS.BS Ngô Thành Hưng, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, đây là bệnh nhân rất đặc biệt, thông thường những bệnh nhân bị nặng như vậy sẽ tử vong khi được chuyển đến bệnh viện. Hiện bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch.
Dấu hiệu nhận biết
Khi bị nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh có thể nhận biết qua các dấu hiệu đặc trưng như cơn đau thắt ngực điển hình với triệu chứng đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út.
Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng nitroglycerin. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị.
Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau (hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp).
Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn, tái nhợt da, lạnh đầu chi... phản ánh tình trạng tụt áp hay trụy tim mạch.
Các biểu hiện của bệnh vỡ thành tim cũng giống như nhồi máu cơ tim là đau ngực, vã mồ hôi, sốc tim, ngất…
Lứa tuổi mắc nhiều nhất là người trên 60 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây biến chứng vỡ thành tim sau nhồi máu cơ tim là vùng nhồi máu rộng, tuổi cao, nữ giới.
Cách phòng tránh
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu…
- Bỏ thuốc: Bao gồm thuốc lá, thuốc lào, xì gà và kể cả thuốc lá điện tử; đồng thời, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
- Tập thể dục thường xuyên: Hãy tập thể dục hoặc chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (cường độ vừa) hoặc tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày (cường độ cao), ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bị thừa cân béo phì thì nên tăng cường tập luyện kết hợp với giảm ăn để giảm cân một cách lành mạnh.
- Học cách quản lý căng thẳng: Lên lịch làm việc, sắp xếp công việc hợp lý, tránh tự tạo áp lực cho bản thân, tập hít thở, yoga hoặc thiền.
- Kiểm soát các bệnh lý hiện có: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung. Nên ăn nhiều cá béo vì chúng chứa omega-3 rất tốt cho tim mạch.
Quỳnh Chi (t/h)