Lâu nay, trường học vốn là một nơi an toàn dành cho học sinh. Tuy nhiên thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những sự việc thầy giáo lạm dụng học sinh như: Hiệu trưởng tại Phú Thọ bị tố lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam ngay tại trường; một thầy giáo bị tố hiếp dâm nữ sinh lớp 8 tại Gia Lai… khiến dư luận bức xúc. Trước vấn đề nghiêm trọng này, PV đã có cuộc trò chuyện với TS Xã hội học Thân Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức – ITCD.
Theo anh nguyên nhân từ đâu học sinh luôn chọn các im lặng, không dám tố cáo khi bị lạm dụng tình dục?
Sở dĩ hiện tượng này tồn tại trong một thời gian dài mới bị tố cáo do nhiều nguyên nhân song theo tôi những nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất, vấn đề tình dục nói chung và lạm dụng tình dục nói riêng là những vấn đề dễ làm nhưng khó nói. Nó được xem là vấn đề tế nhị, thầm kín do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông cho nên chính những nạn nhân cũng sợ để người khác biết. Họ thường cho rằng nếu người khác biết họ sẽ chế giễu, làm trò cười thậm chí cho là lệch chuẩn, bệnh hoạn. Chính những lý do đó khiến đa số nạn nhân lựa chọn cách im lặng, che giấu.
Thứ hai, theo quan niệm truyền thống, mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh là mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực. Đây là mối quan hệ giữa "bề trên" đối với "kẻ dưới". Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng tình dục học sinh. Thầy bảo trò phải nghe, phải làm theo. Bên cạnh đó là những lời dọa nạt đuổi học, đánh giá điểm thấp, sẽ không để yên nếu cho người khác biết chuyện... Đối với những học trò đang miệt mài học con chữ với hy vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn cũng là những lý do khiến học sinh không dám tố thầy trong thời gian dài.
Thứ ba, sự thiếu hụt nhận thức về giới tính và những kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng xử lý tình huống khiến các em không lựa chọn được cho mình phản ứng tốt nhất bảo vệ mình khỏi bị xâm hại.
Thứ tư, sự thiếu quan tâm hoặc vô tâm của thầy cô giáo trước những biểu hiện bất thường về tâm lý của học sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này xảy ra trong một thời gian dài mà không ai dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.
Bị lạm dụng tình dục trong suốt thời gian dài mà không thể nói ra, các em học sinh đã phải chịu đựng những tổn thương như thế nào thưa anh?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra lạm dụng tình dục trẻ em sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần ở trẻ. Trong đó, những hậu quả về tinh thần có ảnh hưởng lâu dài thậm chí trong suốt cuộc đời con người. Đó chính là sự tổn thương lớn về mặt tâm lý: Trẻ bị lạm dụng tình dục dễ bị xung động bạo lực, thậm chí có ý định tự tử; xuất hiện những cảm xúc tiêu cực là tiền đề cho trầm cảm và rối loạn lo âu. Trẻ em bị lạm dụng tình dục trong thời gian dài sẽ dạy thì sớm từ 8 – 12 tháng so với những đứa trẻ bình thường.
Trẻ em bị lạm dụng thường có nhiều hành vi lệch chuẩn trong tương lai thậm chí không coi trọng chính bản thân mình. Dễ chấp nhận lối sống buông thả, để lại nỗi đau, sự ám ảnh trong suốt cuộc đời. Có thể nói lạm dụng tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý nhân cách của trẻ mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển, sự văn minh của xã hội, của đất nước.
Phải chăng đang có một lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính mới khiến những câu chuyện đau lòng về lạm dụng tình dục thường xuyên xảy ra?
Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này thường xuyên xảy ra:
Một là, lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ các em học sinh mà ngay cả phụ huynh và nhiều thầy cô giáo vẫn có nhận thức chưa cao về giới tính, tình dục chưa nói đến các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đây là vấn đề cần được ngành giáo dục, truyền thông đại chúng vào cuộc.
Hai là, cần tăng cường tinh thần thượng tôn pháp luật trong xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Theo tôi nên nghiên cứu đề xuất các biện pháp trừng trị mạnh tay hơn đối với tội phạm này. Hiện nay một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm ấu dâm như Indonesia, Hàn Quốc, Đức, Anh, Đan Mạch, Argentina, Úc… Còn ở Mỹ, từ năm 1996, California đã trở thành bang đầu tiên cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “thiến” đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần.
Theo anh, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong những sự việc lạm dụng tình dục ở trẻ em như thế nào?
Lạm dụng tình dục trẻ em là hiện tượng xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn minh của xã hội. Vì vậy, nó cần được nhận thức, giải quyết trên cơ sở khoa học nhằm đảm bảo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của trẻ cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước hết cần rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung những điều luật liên quan đến lạm dụng trẻ em. Tăng cường tính nghiêm minh, nghiêm khắc của luật pháp khi xử lý loại tội phạm này.
Nhà trường và gia đình với chức năng của mình cần tăng cường hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, cần huy động cộng đồng tham gia vào công tác truyền thông phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em. Trẻ em có thể là những người tham gia tích cực vào công tác phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em.
Hãy lên tiếng tố cáo những hành vi xâm hại. Cộng đồng xã hội cần nhận thức rằng, im lặng là tiếp tay, bảo vệ cho kẻ xâm hại.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Mai Thu