Việc cầm smartphone liên tục và cứ 5 phút lại vào điện thoại một lần dường như đã trở thành thói quen phổ biến của rất nhiều người. Giáo sư từ đại học MIT, Sherry Turkle đã phân tích tác hại của thói quen này lên não bộ và tâm lý của người dùng. Đầu tiên là não bộ.
Khi check điện thoại liên tục, não bộ của bạn luôn ở trạng thái bị kích thích, tức là luôn cảnh giác cao độ và trong não tiết ra nhiều hormone cortisol hơn. Điều này khiến bạn khó có thể giữ được trạng thái bình tĩnh, kiềm chế và lâu dần khiến bạn dễ căng thẳng, thậm chí trầm cảm.
Giáo sư Turkle ví việc check thông tin trên điện thoại giống như việc thời tiền sử con người ra ngoài săn bắn, chỉ khác là thời nay, người ta “săn” thông tin. Do đó, não bộ phải hoạt động căng thẳng. Điều đó trong xã hội hiện đại là không tốt.
Bởi xã hội ngày nay đòi hỏi con người phải có sự kiềm chế để đưa ra những quyết định sáng suốt cho đời sống và công việc. Vì vậy, việc mất kiểm soát hoặc luôn căng thẳng chỉ khiến cho bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên mà thôi.
Cũng nằm trong chuỗi nghiên cứu về tác động của smartphone lên não bộ con người, giáo sư Aviad Hadar của đại học Ben-Gurion đã thực hiện một cuộc nghiên cứu khác. Kết quả của cuộc nghiên cứu này là sử dụng nhiều smartphone có thể khiến người dùng bị giảm thiểu năng lực nhận thức.
Những người dùng smartphone trong cuộc nghiên cứu này bị giảm thiểu khả năng kích động trong vùng vỏ não trước trán và khả năng xử lý số liệu kém đi, nhận thức về xã hội cũng có nhiều sự thay đổi. Giáo sư Aviad cho rằng: "Một bài học quan trọng khác từ nghiên cứu này là nghiện điện thoại thông minh có thể gây ra các vấn đề xã hội”.