Hành trình nhờ vả “nhà ngoại cảm”
Ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951, ngụ làng An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) là anh cả trong gia đình có 5 anh em trai. Ông tình nguyện làm đơn đi bộ đội năm 1971. Chiến tranh bom đạn, gia đình mất luôn liên lạc với ông. Sau chiến tranh, tháng 3.1976, gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (em trai ông Thuấn, ngụ địa chỉ trên) bàng hoàng nhận giấy báo tử của anh trai.
Ông Tuynh cho biết, tháng 6.2008, với mong muốn làm tròn trách nhiệm với người anh đã hi sinh, ông tìm đến “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, ngụ phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhờ tìm phần mộ cho anh trai.
“Chúng tôi đến vào sáng sớm nhưng nơi làm việc của ông Phụng khá đông khách. Sau khi đặt lễ và ít tiền khấn, tôi ra bàn viết phiếu. Tiếp đó, một người đàn ông bảo tôi tùy tâm đặt tiền lễ chỗ ban thờ.
Tôi điền thông tin bản thân, tên liệt sĩ cần tìm và nơi hy sinh vào phiếu. Một người đến cầm tờ phiếu chuyển cho ông Phụng đang ngồi trên gác.
Chứng kiến nhiều người tìm đến nhờ “thầy” giúp, tôi càng thêm niềm tin vào khả năng của “nhà ngoại cảm”, em trai của “liệt sĩ” kể lại.
Ông Thuấn bên “ngôi mộ” của mình.
Ông Tuynh kể tiếp, xem thông tin tìm liệt sĩ của gia đình ông, ông Phụng mở một cái máy giống như máy thu thanh có bộ đàm lên, bấm đầu bấm tai lẩm bẩm: “Liệt sỹ Nguyễn Viết Thuấn, hy sinh tại mặt trận phía Nam đang nằm ở đâu? Chỗ nào?”.
Đồng thời, “nhà ngoại cảm” này lấy một tờ giấy khổ A4 rồi lại tiếp tục “độc thoại”: “Sơ đồ ở huyện nào, xã nào?”. Miệng nói, tay ông chấm những chấm nhỏ rồi vẽ sơ đồ nghĩa trang huyện Bình Long (Bình Phước) cùng vị trí ngôi mộ.
Mừng rỡ vì không ngờ “nhà ngoại cảm” “cao siêu” đến thế, ngay trong tháng 6.2008, gia đình ông Tuynh vượt 2.000 km mang “báu vật” sơ đồ này tìm đến nghĩa trang huyện Bình Long, gọi điện ra cho “nhà ngoại cảm” Phụng.
Nói qua điện thoại với người nhà, “thầy” Phụng chỉ dẫn tỉ mỉ ngôi mộ ở phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công. “Trên ngôi mộ ấy có mấy cọng cỏ dại và một vết nứt chéo. Người quản trang nơi liệt sĩ Thuấn đang nằm là đàn bà và có nuôi hai con bò”, ông Tuynh thuật lại lời chỉ dẫn. Thực hiện theo lời chỉ dẫn, gia đình ông Tuynh tìm được “hài cốt” người anh trong sự vui mừng khôn tả.
“Thú thực, thấy “nhà ngoại cảm” ngồi ở Hà Nội lại có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí” đến từng “chân tơ kẽ tóc” tại một nghĩa trang xa tít tắp, khiến chúng tôi phục sát đất. Do đó, khi xương cốt đào lên, chúng tôi bỏ qua công đoạn xét nghiệm ADN, tin tưởng tuyệt đối là hài cốt người thân. Gia đình tin tưởng quá, bỏ qua luôn cả nghi vấn không biết “thầy” có hệ thống “chân rết” thông tin từ xa, sắp đặt từ trước hay không”, em trai “liệt sĩ” nhớ lại.
Ngay lập tức, gia đình “liệt sĩ” hoàn tất các thủ tục rồi đưa “hài cốt” anh trai về quê, tổ chức an táng trong thể tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Khánh.
Được biết, chi phí phải trả cho “nhà ngoại cảm” lên đến mấy chục triệu. Tính cả kinh phí gia đình lặn lôi vào Bình Phước bốc mộ, số tiền đến gần trăm triệu.
Sững sờ “liệt sĩ” trở về bằng xương bằng thịt
Đầu năm 2013, qua một người quen trong miền Nam, ông Tuynh bất ngờ được biết một người ở ấp An Thịnh, thị trấn An Phú (huyện An Phú, An Giang) có đặc điểm nhận dạng giống hệt anh trai mình.
Thông tin từ miền Nam báo ra người này đã lấy vợ và có con, vợ bán hàng ăn vặt, chồng làm thuê làm mướn sinh nhai. “Anh tôi đã có giấy báo tử, đã được “nhà ngoại cảm” tìm thấy mộ, thấy hài cốt, nên lúc nhận được tin này chúng tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng là trong trường hợp nào, người thân của mình còn sống thì cũng là điều hạnh phúc vô bờ bến. Thế nên phải dò xét cho xác thực”, lời người em ông Thuấn.
Ngày 19/5, năm năm sau khi tìm thấy “hài cốt anh trai”, ông Tuynh cùng hai người thân một lần nữa lặn lội vào Nam, tìm đến địa chỉ trên. Đến đúng địa chỉ ghi trong giấy, ông thấy một người đàn bà đang bán bún buổi sáng.
“Tôi bật khóc vì tôi biết chắc chắn đây là anh Thuấn. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai người đàn ông chỉ biết khóc nức nở. Vừa khóc trong tiếng nấc, anh tôi vừa trách “Sao em vào còn thử anh như thế?”.
Anh lý giải do thất lạc đơn vị, không biết chữ, mù mịt đường về nên sau chiến tranh không tìm về nhà được. Từ ấy đến nay nhà nghèo, vợ con có khi còn thiếu ăn, có khi nào dư dả tiền để lần mò tìm kiếm quê”, người em trai xúc động nhớ lại.
Ở lại chơi ít ngày, người em trai dẫn vợ chồng anh trai và các cháu trở về quê hương. Trước sự việc hy hữu này, lãnh đạo địa phương đã mời gia đình ông Tuynh tới gặp mặt. Gia đình cũng đã nộp lại giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công.
Tên “liệt sĩ” Thuấn được gỡ khỏi ngôi mộ “nhà ngoại cảm” tìm thấy, thay vào đó là dòng chữ “người chưa biết tên”. Hiện gia đình con trai ông Thuấn đã chuyển hẳn về quê Hoài Đức, Hà Nội sinh sống.
Còn ông Thuấn về quê hơn một tháng thì trở vào An Giang để thu xếp mọi việc trước khi đưa hẳn vợ con ra Bắc định cư trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó chủ tịch xã An Khánh xác nhận sự việc “liệt sĩ” Thuấn trở về là có thật. Gia đình đã có đơn đề nghị xin cấp đất cho ông Thuấn. Xã đang báo cáo huyện để xem xét giải quyết. “Rõ ràng trong việc này, “nhà ngoại cảm” có dấu hiệu lừa dối gia đình anh Tuynh”, vị Phó chủ tịch xã nói.
Em trai “liệt sĩ” Thuấn khẳng định gia đình mình đã bị “nhà ngoại cảm” lừa đảo.
“Nhà ngoại cảm”: Ai bảo nhà nước báo tử sai?
Một người em trai của “liệt sĩ” cho biết: “Sau khi anh trai trở về, tôi gọi cho nhà ngoại cảm đã tìm mộ cho gia đình nhưng người này không bắt máy. Gia đình tôi hết sức bức xúc vì sự lừa dối này.
Tôi khẳng định “nhà ngoại cảm” đã dựng kịch bản, tạo ngôi mộ giả hoặc mộ người khác rồi chỉ cho gia đình chúng tôi. Chắc chắn, trước đó “nhà ngoại cảm” đã cho người vào khảo sát rồi sau đó lừa dối chúng tôi".
Chúng tôi đã liên lạc với “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng, đề nghị làm rõ vụ tìm mộ “liệt sĩ” Thuấn. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phụng không hề nhận trách nhiệm khi tìm sai mộ, thậm chí đẩy trách nhiệm cho người nhà “liệt sĩ” Thuấn. Những thông tin của gia đình ông Tuynh và “nhà ngoại cảm” đưa ra khá vênh nhau.
Ông Phụng lý giải cho việc tìm sai mộ: “Quy trình chúng tôi là “tìm từ xa”, không đi thực địa bất cứ ngôi mộ nào. Gia đình ông Tuynh chỉ thực thi công đoạn 1.
Khi vào nghĩa trang, gia đình này không hề liên hệ với chúng tôi để hướng dẫn công đoạn 2 nên tôi bó tay. Khi đi tìm thấy ngôi mộ, đúng hàng, cây cỏ, gia đình họ cứ bê ra, không báo lại cho tôi. Trên đời nhiều người trùng họ tên lắm”.
Không những phủi trách nhiệm, ông Phụng còn thản nhiên cho rằng: “Cái sai này trước hết do việc báo tử sai”.
Ông Phụng còn cho rằng: “Sau vài tháng khi gia đình ông Tuynh bốc mộ về, tôi đã biết là bốc sai”. Hỏi sao ông không liên hệ với phía ông Tuynh thông báo, “nhà ngoại cảm” đáp: “Người nhà ông Tuynh không thèm liên hệ với tôi”.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề lương tâm đạo đức khi “phán” sai, khiến người nhà ông Tuynh thờ cúng “xương cốt” người lạ, ông Phụng im lặng, không trả lời.
Trong khi đó, em trai “liệt sĩ” khẳng định: “Khi chúng tôi vào Bình Phước thì “lạ nước lạ cái”, chỉ có duy nhất bản sơ đồ “nhà ngoại cảm” vẽ làm căn cứ, sao dám làm sai.
Trong quá trình xác định vị trí mộ, nhất cử nhất động tôi đều xin chỉ đạo của “thầy” qua điện thoại. Sau khi tìm ra anh trai còn sống, chúng tôi cũng nhiều lần liên lạc với ông Phụng nhưng không được”.
Gia đình ông Tuynh cho biết, đang xem xét các thủ tục, cân nhắc kiện ông Phụng ra tòa.
Theo Pháp luật Việt Nam