Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo bộ GD&ĐT làm rõ nghi vấn đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, bảo đảm nghiêm minh, khách quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thiết nghĩ cần phải chú ý đến các vấn đề sau:
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nội dung mà bộ GD&ĐT cần làm là: Làm rõ nghi vấn đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Điều này phải được chú ý, bởi vì, trong các phát biểu với báo chí và kiến nghị gửi Thủ tướng Chính Phủ, đương sự - ông Nguyễn Đức Tồn mong muốn qua Thủ tướng, bộ GD&ĐT làm rõ đợt xét phong năm 2009 ông có xứng đáng được phong Giáo sư hay không. Đây là cách đánh lạc hướng bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm tra và công luận của ông Nguyễn Đức Tồn; bởi vì trong hồ sơ xin xét phong GS năm 2009, ông Tồn đã xóa sạch các dấu vết đạo văn.
Công luận đặt câu hỏi: “Tại sao ông Tồn đạo văn vẫn được phong GS?” tức là muốn bộ GD&ĐT làm rõ: ông Tồn đạo văn có hệ thống từ năm 2002, đã 2 lần bị bác hồ sơ trong các đợt xin xét phong năm 2002 và 2006, tại sao năm 2009 vẫn được Hội đồng Chức danh các cấp đồng ý phong GS? Nếu Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học sa đà vào việc xem xét hồ sơ năm 2009 của ông Tồn có xứng đáng được phong GS hay không là rơi vào bẫy của ông Nguyễn Đức Tồn, không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Đến đây cần làm rõ 1 điều: Nếu hồ sơ 2002 và 2006 của ông Tồn bị bác vì lí do chuyên môn thuần túy, chẳng hạn thiếu công trình (quy thành điểm), thiếu điều kiện hướng dẫn thành công luận án tiến sĩ, thiếu điều kiện chủ trì đề tài khoa học, thì đến năm 2009, nếu ông Tồn đã phấn đấu có đầy đủ các điều kiện ấy, thì việc thừa nhận chức danh GS của ông Tồn sẽ không gây bức xúc.
Nhưng lí do chủ yếu của việc bác hồ sơ 2002 và 2006 của ông Tồn là lí do ông này không trung thực (đạo văn) tức ông Tồn không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của luật Giáo dục và không đáp ứng tiêu chuẩn trung thực, như điều khoản 1 và QĐ 174/2008 QĐ-TTg đã quy định. Vì thế việc Hội đồng Chức danh các cấp đồng ý cho ông Tồn được phong GS là không thỏa đáng. Một người đã đạo văn, đã không trung thực thì từ đó mãi về sau không thể được phong các chức danh PGS, GS, chính QĐ 174/2008 QĐ-TTg đã nhấn mạnh điều này.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là: “Làm rõ nghi vấn đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, nghiêm minh, khách quan”. Như vậy, người bị nghi vấn đạo văn là GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Được biết ông Nguyễn Đức Tồn là thành viên đương nhiệm của Hội đồng chức danh ngành Ngôn ngữ học. Nếu bộ GD&ĐT giao cho Hội đồng ngành Ngôn ngữ học thẩm định làm rõ nghi vấn đạo văn của ông Tồn, thì ông Tồn không được tham gia cuộc họp của Hội đồng.
Quy định của Hội đồng chức danh Nhà nước đối với việc họp xét phong GS, PGS, nếu thành viên của Hội đồng có hồ sơ xin xét phong, thì thành viên đó không được dự thẩm định hồ sơ và bỏ phiếu xét phong. Việc ông Tồn – nghi can đạo văn lại tham dự các cuộc họp của Hội đồng thẩm tra xem xét là phi lý, không đúng với quy định về cách làm việc của Hội đồng chức danh và không đảm bảo tính nghiêm minh và khách quan như yêu cầu của Phó Thủ tướng.
Để nghiêm minh, khách quan, công bằng, ông Nguyễn Đức Tồn có thể làm tờ trình gửi cơ quan có thẩm quyền (như ông đã nhiều lần làm). Đồng thời, TS. Nguyễn Thúy Khanh, một trong những người bị ông Tồn cướp bản quyền, lại bị ông Tồn vu là người đạo văn cũng phải có tiếng nói, để cơ quan có thẩm quyền có thể nghe từ nhiều phía, đảm bảo việc xem xét công bằng. Trên một số báo, bà Nguyễn Thúy Khanh đã công khai bày tỏ yêu cầu này.
Để giải quyết vụ việc nghi vấn GS.Nguyễn Đức Tồn đạo văn một cách nghiêm minh, khách quan như yêu cầu của Phó Thủ tướng, việc thành lập Hội đồng thẩm tra xem xét phải nghiêm minh và khách quan. Được biết Hội đồng chức danh Nhà nước giao việc này cho Hội đồng ngành Ngôn ngữ học. Cách làm này có những bất hợp lý như sau:
Hội đồng ngành Ngôn ngữ học đương nhiệm có quá nửa thành viên là những người trước đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc “ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn mà vẫn được phong GS” , như công luận lên tiếng đòi trả lời. Liệu các thành viên này có đủ sự công tâm, bản lĩnh, để họ nhận cái sai trước đây của họ?.
Hơn nữa, như trong kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Tồn đòi hỏi, mặc cả, rằng nếu tước học hàm GS của ông, thì cũng phải tước bằng GS của những vị khác, thành viên của Hội đồng ngành Ngôn ngữ học. Và xa hơn, ông đem cả một số quan chức ra để mặc cả. Ngón đòn gây hiệu ứng domino của ông Tồn quả là thâm sâu, không khỏi khiến nhiều vị trong Hội đồng ngành Ngôn ngữ học giật mình, mà run tay khi biểu quyết.
Ngoài ra, ông Tồn còn lấy danh dự uy tín của cả ngành Ngôn ngữ học ra làm con tin để mặc cả: Nếu Nguyễn Đức Tồn bị tước học hàm GS, thì xấu cả ngành Ngôn ngữ học. Điều này cũng dễ làm các nhà Ngôn ngữ học ngần ngại.
Do vậy, để vụ việc được giải quyết một cách nghiêm minh, khách quan, công bằng, bộ GD&ĐT cần thành lập một tổ công tác đặc biệt, gồm Thanh tra của Hội đồng Chức danh Nhà nước, vụ Pháp lí của bộ GD&ĐT, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, kết hợp với sự tham vấn của một số nhà ngôn ngữ học. (Để khách quan, có thể mời các nhà ngôn ngữ học thuộc các cơ sở nghiên cứu, đào tạo không phải viện Ngôn ngữ học).