Không tự ý dùng đơn thuốc cũ
Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 30/4 của Bộ Y tế cho biết có 1.986 ca mắc Covid-19, tăng nhẹ so với hôm trước (1.892 ca).
Như vậy, trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, cả nước ghi nhận tổng cộng 3878 ca mắc Covid-19 mới.
Trước số ca mắc mới tăng, không ít người bị Covid-19 đã tự ý sử dụng lại đơn thuốc mà bác sĩ đã từng kê khi lần 1 bị Covid-19 để điều trị.
Liên quan đến việc điều trị Covid-19 có nên dùng lại đơn thuốc cũ hay không? trao đổi với Người Đưa Tin, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Thời gian gần đây tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân rằng “trước đây bị Covid dùng một số loại thuốc và khỏi rất nhanh, nếu tái mắc Covid thì có thể sử dụng lại đơn thuốc cũ được hay không?”. Về vấn đề này, tôi khẳng định là không được”.
BS Hoàng đưa ra lý do là trước đây, khi hệ thống y tế quá tải, người dân không thể tiếp cận được với các bác sĩ thì thường sử dụng đơn thuốc của nhau hoặc các thuốc trôi nổi trên mạng.
“Trong thành phần của các đơn thuốc này có các loại thuốc phải kê đơn như thuốc kháng virus, Coticoid, thuốc kháng đông… sử dụng những loại thuốc này trước đây có thể may mắn đã khỏi. Nhưng, trong thời điểm hiện tại thì nguy hiểm.
Bởi, các loại thuốc này có thể không có tác dụng với bệnh nhân mà còn có nhiều tác dụng phụ như gây tăng huyết áp, tăng đường máu, gây xuất huyết… Do đó, không được tự ý sử dụng đơn thuốc cũ nếu không có sự chỉ định của bác sĩ”, BS Hoàng khuyến cáo.
Theo BS Hoàng, khi không có sự chỉ định của bác sĩ thì người bệnh nên sử dụng các loại thuốc không kê đơn và các loại thuốc thông thường.
Tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Bên cạnh đó, trước số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều người lo lắng liệu có nguy cơ bùng phát dịch và có giãn cách hay không?
Giải đáp thắc mắc này, BS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, trên thực tế, số ca mắc Covid còn cao hơn rất nhiều. Vì có nhiều người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng không biết, hoặc bị Covid cũng không báo cáo. Như vậy, số lượng bệnh nhân nhiều, cùng với đó, các hoạt động giao thương đã trở lại như bình thường thì đa phần mọi người đều đã tiếp xúc với nguồn lây ở một mức độ nào đó.
Do đó, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh là khó xảy ra.
“Như vậy, việc giãn cách xã hội một cách cực đoan không có nhiều tác dụng phòng, chống lây nhiễm mà lại gây ảnh hưởng trầm trọng thêm về các vấn đề kinh tế và dân sinh.
Hiện, cũng chưa có báo cáo nào cho thấy các biến thể của Omicron đang lây lan mạnh như: X.BB 1.5 hay X.BB.1.16 có sự gia tăng về độc lực, làm tăng bệnh nhân nặng hoặc tăng số lượng bệnh nhân tử vong.
Do đó, điều quan trọng không phải giãn cách xã hội mà tập trung bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao đó là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có nhiều bệnh nền”, BS. Hoàng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng khả năng bùng phát lớn khó xảy ra. Bởi, biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.
Theo ông Phu, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của Covid-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không. Từ đó, có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Nên tiêm vắc-xin phòng Covid mũi 4?
Ngoài ra, trả lời câu hỏi của người bệnh về việc đã tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng cũng đã bị Covid 2 lần, có nên tiêm mũi 4 hay không vì tiêm rồi thì vẫn có khả năng bị Covid?
BS Hoàng nhấn mạnh: “Tiêm một mũi vắc-xin tăng cường không quan trọng là đã tiêm 3 hay 4 mũi, quan trọng là có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không. Nếu là phụ nữ có thai, người cao tuổi, có nhiều bệnh nền thì tiêm một mũi vắc-xin tăng cường rất quan trọng và rất cần thiết, giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ chuyển nặng”.
Trong khi đó, theo BS Hoàng tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và mắc Covid-19 tới 2 lần không có gì quá bất thường. Bởi, hệ miễn dịch của mỗi người là khác nhau, có thể lượng kháng thể sinh ra ít, giảm dần theo thời gian. Trong khi đó, virus Sars-CoV-2 biến đổi không ngừng. Do đó, nguy cơ tái nhiễm là hoàn toàn có thể.
Liên quan đến công tác khám chữa bệnh và điều trị người bệnh Covid-19, trước diễn biến gia tăng ca mắc Covid-19, Bộ Y tế mới đây yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca Covid-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen.
Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 30 và Nghị định số 07 để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị Covid-19.